Cô nàng “thủ lĩnh của các thủ lĩnh”

Đi nước ngoài như “đi chợ”, thành tích hoạt động xã hội đáng nể, là khách mời trong hàng loạt talkshow đình đám của giới trẻ …chừng đó chưa đủ để khắc họa chân dung cô nàng có biệt danh “thủ lĩnh của những thủ lĩnh” Trần Thúy An (khoa Quan hệ quốc tế, ĐH Ngoại ngữ-Tin học TPHCM)

Cô nàng “thủ lĩnh của các thủ lĩnh”

Từ hành trình tàu thanh niên Đông Nam Á…

Năm 2013, vượt qua rất nhiều ứng viên khác, cũng như rút được cả tá kinh nghiệm từ những lần đăng ký đầu tiên, Trần Thúy An trở thành thành viên trên con tàu thanh niên Đông Nam Á.

Trọng trách của cô bạn càng lớn hơn khi đảm nhiệm vai trò Phó đoàn đại biểu Việt Nam tại hành trình này. Tàu thanh niên Đông Nam Á(SSEAYP) là hoạt động gắn kết giao lưu thanh niên khu vực, trao đổi văn hóa, trải nghiệm sự khác biệt cũng như hướng tới một cộng đồng ASEAN bền vững.

Qua SSEAYP, Thúy An có thêm những trải nghiệm, cơ hội tìm hiểu về nền văn hóa của các nước láng giềng trong khu vực ASEAN và Nhật Bản đặc biệt là qua chương trình tại các nước tàu cập cảng.

Cô bạn hiểu thêm cuộc sống hằng ngày của những người dân bản xứ, tìm ra những nét tương đồng và khác biệt trong văn hóa của các nước Á Đông. 

Bên cạnh đó, cơ hội gặp gỡ các thanh niên ưu tú của nhiều quốc gia, được chia sẻ kinh nghiệm trong các hoạt động xã hội và cả trong cuộc sống cũng là một cách để những người trẻ trong khu vực xích lại gần nhau hơn, cùng nhau trao đổi những ý tưởng về phát triển cộng đồng, cũng như học hỏi mô hình từ các nước bạn.

Trở về từ SSEAYP, cô bạn có thêm rất nhiều cảm hứng mới về công việc, sự nghiệp và cuộc sống. Thông qua các hoạt động trong chương trình, Thúy An rút ra được những bài học quan trọng trong giao lưu văn hóa nói chung và đối ngoại thanh niên nói riêng đó là: tôn trọng sự khác biệt, thông cảm và hiểu cho sự khác biệt.

…Đến ngôi vị “Siêu thủ lĩnh” mùa đầu tiên

“Siêu thủ lĩnh” mùa đầu tiên diễn ra năm 2013, là một chương trình dành cho các thủ lĩnh trẻ, những bạn trẻ có tầm ảnh hưởng tới cộng đồng và mang theo ý tưởng về những dự án phát triển, cũng như thay đổi xã hội.

Vượt qua rất nhiều đối thủ khác, Trần Thúy An tiến vào trận chung kết với dự án mang tên “Nâng nhận thức nạn buôn người”, nhằm nâng cao nhận thức và tuyên truyền về tình trạng buôn bán người tại khu vực phía Nam.

Không chỉ là thí sinh có chiều cao khủng nhất tại cuộc thi, Thúy An còn chinh phục ban giám khảo bởi sự sắc sảo, thông minh và trưởng thành qua từng vòng thi. Cái kết có hậu khi cô bạn đăng quang ngôi vị “Siêu Thủ Lĩnh” mùa đầu tiên, cũng như cơ hội thực hiện các dự án xã hội mà mình ấp ủ.

Chia sẻ về cuộc tranh tài giữa các thủ lĩnh trẻ, Thúy An nhận định: “Các mối quan hệ và cách nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực và sâu sắc hơn là những phần thưởng mà chương trình đem lại.

Khi trở thành “siêu thủ lĩnh” mùa đầu tiên, bản thân tôi cảm thấy mình còn nhiều khiếm khuyết với danh hiệu này nhưng đó cũng là kết quả cho nỗ lực của bản thân trong suốt quá trình thi. Tôi đang và sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thiện mình.

Đây cũng là một cột mốc để tôi nhìn nhận lại bản thân và định hướng cho con đường tương lai của mình. Thật may mắn khi tôi được có cơ hội gặp gỡ những người truyển cảm hứng tuyệt vời.

Bên cạnh đó tôi còn tìm được những tâm hồn đồng điệu với các bạn thí sinh cùng mùa với mình, những con người cùng chí hướng về hoạt động cộng đồng. Thật sự họ là những người truyền cảm hứng và động lực cho tôi tự tin bước tiếp trên con đường đến với các tổ chức xã hội cho sự nghiệp của mình.

Tôi muốn mình sẽ làm được những việc có ý nghĩa bền vững, có ý nghĩa phát triển cho xã hội. Nghe nói có vẻ sáo rỗng và hoang tưởng. Nhưng bản thân tôi thật sự cảm nhận được mình hạnh phúc khi làm việc tôi cho là có ích cho người xung quanh mình”.

Cô gái thích vi vu và những hành trình yêu thương tiếp nối

Bên cạnh việc nhiệt tình tham gia những dự án cùng các bạn, Thúy An cũng thích đi để thử thách khả năng chịu đựng và khả năng hòa nhập của mình vào những cộng đồng mới. Đi để yêu để thương, để biết mình là ai. Năm 2012, trong 55 ngày, cô bạn đi qua ba vùng đất mới và gặp gỡ nhiều con người.

An rất nhớ Indonesia, nơi cô có chuyến tình nguyện “vượt biên giới“ đầu tiên. Công việc thường ngày của An trong dự án là dạy tiếng Anh, Toán và Khoa học cho một trường tiểu học.

Cảm giác lần đầu tiên làm cô giáo đứng lớp khiến cô nhớ mãi. Nhất là khi phải gào lên để các bạn nhỏ tập trung, phải nói to để át tiếng nói chuyện, tiếng ồn xung quanh cho các bạn nhỏ, phải vắt óc nghĩ trò gì ra dụ các bạn tập trung làm bài nhanh rồi có thưởng… cũng yomost không kém!

Và còn cách đi đứng, cách chơi với trẻ con… cũng phải mang thật phong cách cô giáo Việt Nam. Thúy An nghĩ ngoài các bạn mê Robert (Romania) vì màu tóc nâu, màu mắt xanh, mê Grace (Hàn Quốc) vì biết mua chuộc bằng kẹo, thì các em nhỏ khoái cô giáo An nhất. Cảm giác bước chân vào trường là có một bầy trẻ con lao tới ôm làm Thúy An cảm thấy rất phổng mũi với những bạn đồng nghiệp còn lại.

Tình cảm của các em nhỏ, sự thương yêu của gia đình cho cô bạn ở homestay, thái độ thân thiện của các bạn tình nguyện viên cùng đoàn là những điều An nhớ mãi trong chuyến vi vu của mình. Đặc biệt, cô lớn hơn trong suy nghĩ và nhận ra niềm đam mê lớn lao của mình với các hoạt động xã hội.

Theo Hoa học trò

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.