Cơ hội không thể bỏ lỡ

GD&TĐ - Tờ South China Morning Post hôm 5/4 dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo rằng, Mỹ không nên cho rằng mình có tiếng nói cuối cùng về các vấn đề toàn cầu.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ông nói rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận những yêu sách đơn phương từ phía Mỹ. Rõ ràng Trung Quốc đang muốn giành cơ hội vươn lên và sẽ khó nhượng bộ Mỹ trong thời điểm này. 

“Cánh cửa đối thoại với Trung Quốc vẫn để ngỏ, nhưng đối thoại phải dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau” – tờ báo dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc.

“Trung Quốc không chấp nhận nước nào trên thế giới đặt mình cao hơn nước khác, và bất kỳ nước nào cũng có tiếng nói cuối cùng về các vấn đề thế giới. Nếu Mỹ tiếp tục đối đầu, Trung Quốc sẽ chấp nhận một cách bình tĩnh và không sợ hãi”.

Những phát biểu trên được ông Vương đưa ra trong cuộc họp báo với báo chí trong nước về các cuộc gặp gần đây của ông với Ngoại trưởng Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Hàn Quốc. Ông cho biết ông đã thông báo với họ về cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao Trung - Mỹ tại Alaska hồi trung tuần tháng 3 vừa qua, vài tuần sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.

Ông nói với họ rằng việc các quốc gia trong khu vực quan ngại về quan hệ Trung – Mỹ là “có lý”, và khẳng định Trung Quốc chống lại sự can thiệp vào công việc nội bộ, “chống lại những hành động trừng phạt đơn phương bất hợp pháp”.

Quan hệ Mỹ - Trung vốn căng thẳng dưới thời Tổng thống Donald Trump, những tưởng được tháo ngòi dưới thời ông Biden thì hóa ra vẫn vậy. Cuộc gặp ở Alaska hôm 18/3 đánh dấu việc những quan chức ngoại giao cao cấp nhất của Mỹ và Trung Quốc công khai đấu khẩu với nhau.

Sau cuộc gặp, căng thẳng vẫn gia tăng khi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung với các quan chức Trung Quốc. Hai bên cũng đều tăng cường sự có mặt quân sự tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. 

Trong tiến trình bầu cử Mỹ, đã có nhiều lo ngại rằng ông Biden sẽ nhượng bộ Trung Quốc nếu thắng cử, nhưng thực tế chỉ đúng một nửa: Thắng cử nhưng có vẻ ông không nhượng bộ Trung Quốc, đơn giản vì thế giới đã khác thời Tổng thống Dân chủ tiền nhiệm Obama, và ông nhận ra sự đe dọa của Trung Quốc với vị thế số 1 toàn cầu của Mỹ. 

Trong cuộc họp báo ngày 7/4 tại Hà Nội, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, người mới đây được đề cử làm Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương, nói với các phóng viên rằng Mỹ “sẽ tiếp tục đáp lại phép thử của Trung Quốc từ vị trí một nước mạnh”.

Ông cho rằng “yếu tố cạnh tranh sẽ định hình phần lớn mối quan hệ Mỹ - Trung, sẽ có một số yếu tố trong quan hệ Mỹ - Trung mang tính thù địch”. Trong cuộc họp báo, ông đã nêu vấn đề Biển Đông và cho rằng Trung Quốc đã có những hành động bắt nạt ở khu vực này. 

Tuy nhiên, ông Kritenbrink cũng nói ông “hy vọng sẽ có lĩnh vực chúng tôi có thể hợp tác, là những lĩnh vực có lợi ích chung”. Phía Trung Quốc cũng đã đề cập việc để ngỏ cánh cửa hợp tác, song theo các nhà phân tích, Trung Quốc đang tiến thoái lưỡng nan trong việc vẽ ra ranh giới giữa hợp tác và kháng lại sức ép của Mỹ.

Ông Vương Nghị nêu điều kiện rằng hai bên có thể tiếp tục đối thoại về các vấn đề khu vực hay hợp tác trong đại dịch Covid-19, song sự nổi lên của Trung Quốc là không thể đảo ngược.

“Trung Quốc không ngại cạnh tranh. Song cạnh tranh phải công bằng và tuân thủ các quy luật thị trường. Không ai có thể tước quyền hợp pháp của người khác về phát triển” – ông Vương Nghị nói. 

Có thể thấy cuộc cạnh tranh ngôi vị số 1 sẽ khiến căng thẳng giữa hai nước còn kéo dài, dù Mỹ đã có một Tổng thống mới. Trung Quốc đã hồi phục trước từ đại dịch Covid-19 và chắc chắn họ không muốn bỏ lỡ cơ hội vươn lên, trong khi Mỹ vẫn còn đang phải vật lộn với những hậu quả của Covid-19. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ