Vẫn là đòn “ăn miếng, trả miếng”
Cách đây 2 năm, Michael Kovrig là Phó lãnh sự Canada (Cơ quan lãnh sự quan trọng thứ ba) tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Giờ đây, ông là cố vấn cấp cao của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế. Michael Kovrig đến Trung Quốc với tư cách doanh nhân. Chi tiết về vụ bắt giữ Kovrig không được tiết lộ. Cũng trong ngày 10/12, Trung Quốc bắt giữ Michael Spavor, một doanh nhân sống ở phía Đông Bắc Trung Quốc. Cả Michael Kovrig và Michael Spavor đều bị tạm giữ vì nghi ngờ họ “tham gia vào những hoạt động gây tổn hại an ninh quốc gia Trung Quốc”.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng. Phía Trung Quốc có thể không thừa nhận nhưng Mỹ và Canada cho rằng vụ này có liên quan đến việc Canada bắt giữ Giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu. Trong ngoại giao hiện đại, thông thường không thừa nhận rằng đất nước của bạn bắt con tin công dân nước ngoài vì đất nước của ông ấy đã bắt giữ con tin của nước bạn.
Trước khi bà Mạnh được tại ngoại bởi một tòa án Canada, một không gian thương lượng diễn ra sôi nổi. Nếu Hoa Kỳ không chính thức đưa ra yêu cầu bắt giữ bà Mạnh vì “vi phạm chế độ trừng phạt chống lại Iran”, bà Mạnh chắc chắn sẽ được tự do. Tuy nhiên, Washington không làm điều này, người Canada cũng không nhận được bất kỳ tài liệu nào trong khi hạn chót bắt giữ Mạnh Vãn Châu là ngày 8/1.
Đằng sau cái gọi là “cảnh sát thế giới” của Mỹ
Theo các nhà phân tích, vụ bắt giữ bà Mạnh là sự kiện cực kỳ quan trọng đối với toàn thế giới. Đây không chỉ là một phần của cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà còn là một hoạt động thực tiễn, trong đó, rất có thể người Mỹ thể hiện mình như “cảnh sát của thế giới”.
Việc bắt giữ Mạnh Vãn Châu, Washington đã tạo ra áp lực rất lớn đối với tập đoàn Huawei. Ngoài việc cấm các cơ quan nhà nước của Mỹ mua sản phẩm của Huawei, người Mỹ đang nỗ lực lôi kéo các đồng minh của họ vào cuộc. Trong những ngày gần đây, Úc, Vương quốc Anh và New Zealand đã hạn chế mua sản phẩm của Huawei ở các mức độ khác nhau. Nhật Bản cấm mua hoàn toàn, còn Hàn Quốc sẽ là nước tiếp theo. Điều dễ hiểu rằng, giống như Apple, Samsung là đối thủ cạnh tranh chính của Huawei.
Châu Âu có vẻ khá chậm chạp trong việc hưởng ứng các biện pháp trừng phạt Huawei của Washington. Vấn đề ở chỗ, họ biết rõ rằng động cơ chính của Hoa Kỳ là mong muốn siết chặt đối thủ cạnh tranh kinh tế bằng các biện pháp phi kinh tế và cái gọi là “mối đe dọa an ninh mạng” đến từ Huawei được tuyên bố tại Quốc hội Mỹ chỉ là cái cớ. Các chuyên gia Đức đã kiểm tra các sản phẩm của gã khổng lồ Trung Quốc và không tìm thấy điều gì khả nghi trong đó.
Tuy nhiên, trước sức ép của Mỹ, công ty viễn thông Orange (Pháp) đã loại trừ việc sử dụng các sản phẩm của Huawei trong mạng 5G của mình và hãng viễn thông Deutsche Telekom (Đức) cũng cho biết đang xem xét lại việc mua thiết bị của Huawei.
Trước đó, ZTE- công ty lớn thứ hai của Trung Quốc trong lĩnh vực thiết bị viễn thông sau Huawei, đã bị chèn ép. Bây giờ áp lực đối với hai gã công nghệ khổng lồ của Trung Quốc là song song và dư luận đang chờ đợi Bắc Kinh, người thích giải quyết vấn đề thông qua các cuộc đàm phán ở hậu trường bằng…những nhượng bộ hợp lý!?
Trên thực tế, Huawei về cơ bản là đầu tàu của nền kinh tế Trung Quốc và là ảnh hưởng của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Ngoài ra, Mạnh Vãn Châu - Giám đốc tài chính, Phó chủ tịch hội đồng quản trị, con gái rượu của Chủ tịch tập đoàn Huawei Zhen Zhenfei - người cực kỳ nổi tiếng ở quê nhà. Theo các nguồn tin chính thức, Mạnh Vãn Châu là người kế vị chiếc ghế của cha cô.
Theo các nhà phân tích, Hoa Kỳ đã sử dụng các phương pháp của thời trung cổ để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh. Trước đây, họ đã bắt giữ con tin và buộc tống tiền, bây giờ yêu cầu Canada dẫn độ sang Mỹ (người Mỹ, tất nhiên thừa biết rằng chồng bà Mạnh sống ở Canada và bà ấy xuất hiện thường xuyên ở đó).
Bình luận về vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu, phiên bản tiếng Đức của tờ Suddeutsche Zeitung cho rằng, nó chẳng khác gì một lời tuyên chiến và người Trung Quốc hầu như không sẵn sàng đầu hàng trước.
Thực tế, Hoa Kỳ khó có thể có bằng chứng trực tiếp rằng cá nhân Mạnh Vãn Châu đã vi phạm luật pháp Mỹ. Tuy nhiên, họ có lý do để bịa đặt bằng chứng này. Do đó, để dễ dàng thoát khỏi rắc rồi, Washington đã đẩy Ottawa vào cuộc. Để đáp trả, Trung Quốc đã bắt giữ Kovrig và Michael Spavor đúng lúc.
Canada- con tin trong xung đột Mỹ-Trung
Đến nay, tờ “Nhân dân Nhật báo” gần như bỏ qua vai trò chính của người Mỹ trong toàn bộ câu chuyện này. Hành động bắt giữ Mạnh Vãn Châu của Canada được gọi là “vi phạm nghiêm trọng về quyền con người và tinh thần của luật pháp, không phù hợp với công lý, đối nghịch với thực trạng, mang tính cực kỳ tiêu cực và gây hậu quả nghiêm trọng cho Canada”.
Canada sẽ phải trả giá đắt nếu “không sửa chữa sai lầm của họ”. Canada nên hiểu rằng, không có sự mơ hồ giữa sự thật, công lý và sự càn quấy - Nhân dân Nhật báo nêu rõ. Đây là động thái mà Trung Quốc gây áp lực với Canada với hy vọng nước này trả tự do cho Mạnh Vãn Châu, thay vì dẫn độ về Mỹ. Ngày 7/12, AFP dẫn lời Thủ tướng Canada Justin Trudeau, khẳng định: “Tôi có thể đảm bảo với mọi người rằng chúng tôi là một quốc gia có quyền tư pháp độc lập. Và họ (giới tư pháp) đã đưa ra quyết định trên mà không có bất kỳ sự chi phối hay can thiệp chính trị nào”.
Không ai tin vào tuyên bố của Justin Trudeau. Việc Canada bắt giữ Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của Mỹ đã rõ ràng. Với động thái này, Canada bị mắc kẹt giữa hai siêu cường có quan hệ kinh tế lớn nhất với mình là Mỹ và Trung Quốc và hậu quả của nó là khó có thể tính toán nổi. Cạnh tranh thị trường và loại bỏ các rào cản thương mại, được giới thượng lưu toàn cầu ca ngợi trong ba thập kỷ qua đã bất ngờ rút lui nhường chỗ cho các phương pháp mang tính xã hội đen, theo đó, những kẻ mạnh thường luôn đúng.