“Câu chuyện của mình bắt đầu từ năm mình 10 tuổi” – cô giáo Trần Thị Thúy chia sẻ khi kể về hành trình từ một giáo viên trường làng bước lên bục vinh quang của Diễn đàn giáo dục toàn cầu Microsoft 2017.
Năm 1999, một người anh họ từ thành phố về quê chơi đã tặng chị một cuốn tạp chí song ngữ Sunflower mà chị còn giữ đến tận bây giờ.
Lúc đó, cô bé 10 tuổi sinh ra và lớn lên ở làng quê Đức Hợp, Hưng Yên chưa hề biết tiếng Anh là gì. Nhưng những thông tin, câu chuyện về đủ các lĩnh vực giáo dục, khoa học, du lịch, bí kíp học tiếng Anh… trong cuốn tạp chí đó đã mở ra một thế giới mới với chị, điều mà chị luôn tò mò khám phá.
“Đó chính là lý do tôi quyết tâm sẽ học tiếng Anh” – cô giáo 30 tuổi chia sẻ.
Lên lớp 6, chị được học những bài học tiếng Anh đầu tiên. Nhưng suốt 3 năm sau đó, do trường thiếu giáo viên nên chị và các bạn không được học môn học này.
Với những nỗ lực và sự chỉ bảo của thầy cô giáo trường THPT Đức Hợp, năm 2005 chị trở thành sinh viên khoa Sư phạm tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. 4 năm sau, chị quyết định về quê, trở thành cô giáo tiếng Anh trong chính ngôi trường mà chị đã theo học thời phổ thông trước sự ngạc nhiên của rất nhiều bạn bè, người thân.
“Học xong, tôi nghĩ rằng nếu mình trở về thì học sinh của mình sẽ được tiếp cận với những tri thức và phương pháp học tập mới. Tôi muốn các em có cơ hội học theo cách học của năm 2017, của thế kỷ 21. Tôi luôn tin rằng giáo dục là từ khóa để thay đổi mọi thứ”.
Cuốn tạp chí song ngữ mà cô giáo Thúy được tặng năm 10 tuổi - thứ đã mở ra một thế giới mới với cô |
Sau khi hoàn thành khóa học chuẩn giáo viên tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, chị muốn giúp đỡ học sinh của mình nhiều hơn từ những gì chị đã được đào tạo.
Chị tình cờ biết đến nhóm cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam MIE (Microsoft Innovative Educator) trên Facebook khi tìm thông tin ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Chị Thuý càng hào hứng khi biết đến trang Cộng đồng giáo viên sáng tạo của Microsoft toàn cầu MEC. Trong vòng một tháng, chị đã hoàn thành các lộ trình học tập (learning paths) trên MEC. Từ đó, chị có cái nhìn toàn diện nhất về dạy học thế kỷ 21 và các phương thức để hỗ trợ học sinh học tập.
Ở đây, cô giáo trường làng của vùng quê Đức Hợp đã được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ tất cả thành viên tham gia.
Những học trò trường làng Đức Hợp tự tin phát biểu và thuyết trình trong những giờ học tiếng Anh của cô Thúy |
Dự án “Save our lives from harmful pesticides” (Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại) là một trong những dự án học tập được chị Thúy cùng học trò của mình dày công tìm tòi, thực hiện và nhận được sự hưởng ứng của nhiều giáo viên trong cộng đồng MEC.
“Lý do chọn đề tài này là do trường tôi nằm bên cạnh cánh đồng. Mùi thuốc trừ sâu thường xuyên bay thẳng vào lớp học, khiến cả thầy trò đều cảm thấy rất khó chịu.
Hơn nữa với thực trạng lạm dụng thuốc trừ sâu hiện nay, tôi muốn học sinh ngay khi ngồi trên ghế nhà trường vẫn có cơ hội thể hiện quan điểm của mình về các vấn đề nóng của xã hội.
Trong dự án này, tôi cho các em đóng vai trò là nhà khoa học, bác sĩ để tìm hiểu ảnh hưởng của thuốc trừ sâu đến sức khỏe con người, từ đó đưa ra những gợi ý để nâng cao ý thức của người sử dụng thuốc cũng như những sản phẩm thực phẩm hàng ngày”.
Dự án mang về cho thầy trò Đức Hợp giải Nhì cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT do Bộ GD-ĐT tổ chức tháng 8 năm 2016.
Học trò của cô Thúy thường xuyên được tiếp cận với những thiết bị công nghệ hỗ trợ cho việc học tập |
Đưa lớp học trường làng vượt ra ngoài biên giới
Công nghệ thông tin và mạng Internet thể hiện vai trò thu hẹp khoảng cách địa lý rõ ràng nhất trong trường hợp của cô giáo Trần Thị Thúy và các học trò của mình.
Bằng cách tham gia cộng đồng MEC, chị Thúy được kết nối với hàng ngàn giáo viên trên khắp thế giới. Tận dụng điều này, chị liên hệ với các giáo viên ở Nhật Bản, Ai Cập, Pakistan, Ấn Độ… để sắp xếp những giờ học xuyên lục địa nhờ công cụ Skype.
Học trò của cô Thúy đang kết nối với một lớp học ở Nhật Bản |
Học sinh của chị được cùng chia sẻ, thảo luận với những học sinh đang ngồi cách Đức Hợp nửa vòng Trái Đất. “Trong những giờ học này, học sinh cả hai bên cùng chuẩn bị các bài PowerPoint và công cụ miễn phí khác của Microsoft để trình bày quan điểm của mình. Học sinh của tôi từng được kết nối với lớp học ở Nhật Bản, Ai Cập. Với các quốc gia khác, tôi có một số dự án nhỏ khác nữa”.
Chị Thúy chia sẻ, trong dịp 8/3 mới đây, chị có kết nối học sinh của mình với một vị khách tới từ Nam Phi.
Cô Thúy tin rằng đó là cách tốt nhất để học trò của mình hiểu về bình đẳng giới. “Hôm đó, đại diện các bạn nam của lớp cũng mua một bó hoa hướng dương để tặng vị khách Nam Phi này. Cô ấy rất vui, còn học trò của tôi thì nhận ra trách nhiệm của mình, các em phải học tập như thế nào để xứng đáng…”
“Đó cũng là cách để các em học tiếng Anh hiệu quả hơn, hứng thú hơn và cũng là cách mà Bộ đang định hướng và khuyến khích phát triển đầu ra của học sinh theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất của người học”.
Học trò Đức Hợp thảo luận qua Skype cùng học sinh Ấn Độ |
Giấc mơ của cô Thúy
Là một trong những thành viên tích cực của cộng đồng MEC, hồi cuối tháng 3 mới đây, chị Thúy cùng 4 giáo viên khác tới từ Hà Nội, TP.HCM được chọn tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada.
“Chuyến đi này giống như giấc mơ với một cô giáo dạy tiếng Anh ở vùng nông thôn còn nhiều thiếu thốn về điều kiện cơ sở vật chất như mình” – cô Thúy nói.
Dù là thành viên duy nhất trong đoàn tới từ một tỉnh thành nhỏ (4 thành viên khác đều tới từ Hà Nội, TP.HCM), nhưng chị Thúy khẳng định rằng điều kiện địa lý chẳng phải là trở ngại ngăn người giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, hay gây khó khăn cho họ khi tiếp cận những diễn đàn như MEC, để rồi được chọn đi giao lưu ở Canada như chị.
Chủ đề của Diễn đàn năm nay là: Make What’s Next. Với chủ đề này, Microsoft muốn lắng nghe ý kiến của giáo viên và học sinh để cải thiện những công cụ của họ, giúp việc dạy và học trở nên hiệu quả và thú vị hơn.
Được phân vào nhóm “Dạy học sử dụng trò chơi” cùng 4 chuyên gia giáo dục sáng tạo tới từ 4 quốc gia khác, với ý tưởng đề xuất Microsoft cải tiến công cụ kể chuyện Sway có thêm chức năng để học sinh có thể viết truyện tranh, giúp học sinh hứng thú và sáng tạo hơn với việc học. Nhóm của chị được vinh danh là người chiến thắng chung cuộc của cuộc thi.
Nụ cười của cô Thúy khi nhóm của mình được xướng tên cho chiến thắng chung cuộc |
Một vinh dự khác mà chị là một trong số ít giáo viên nhận được là cơ hội được trực tiếp phỏng vấn với ngài Anthony Salcito – Phó Chủ tịch Khối Giáo dục toàn cầu của Tập đoàn Microsoft. Cuộc trò chuyện có sự tham gia của cả đại diện lãnh đạo Microsoft Canada.
Bà đã dành những lời khen tặng và động viên tuyệt vời cho cô giáo tới từ Việt Nam: “Câu chuyện của bạn thật tuyệt vời, hãy luôn mạnh mẽ như thế nhé! Và nếu có thể, chào mừng bạn tới Canada!” Nhưng cô Thúy đã từ chối lời mời đó với lý do: “Em ra đi là để trở về”.
Mong muốn trở về của cô Thúy chỉ đơn giản là để những đứa trẻ xung quanh mình có điều kiện học tập tốt hơn.
“Nếu ai cũng bỏ đi tới những nơi có điều kiện tốt hơn trong khi thế giới đang ở nền công nghiệp 4.0 với những khái niệm phổ biến như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, Internet vạn vật (IoT)…, thì những đứa trẻ ở nơi xa xôi sẽ luôn thiệt thòi hơn bạn cùng trang lứa. Giáo viên nên là người kết nối để thế giới gần hơn với những học trò của mình.” – cô Thúy nói.
Cô giáo trường làng đã đưa lá cờ của Việt Nam tới Diễn đàn giáo dục thế giới |
Giáo viên là từ khóa
Tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu, cô Thúy nhận thấy, điểm chung của tất cả các giáo viên trên toàn thế giới là làm thế nào để giúp học sinh trở thành công dân toàn cầu, trong khi thế giới đang thay đổi từng ngày từng giờ.
Ngoài giờ lên lớp, chuẩn bị giáo án, sổ sách như bao giáo viên khác, để thực hiện những dự án sáng tạo, mới mẻ này, cô Thúy phải dành rất nhiều thời gian làm việc buổi tối.
“Những lúc thực hiện dự án, hầu như tôi phải thức đến 2-3 giờ sáng. 6h hôm sau đã phải dậy chuẩn bị cho tiết 1 lúc 7 giờ. Hay việc chuẩn bị cho chuyến đi này tôi cũng dành rất nhiều tâm huyết”.
Mong mỏi lớn nhất của cô Thúy là những học trò quê mình có cơ hội được tiếp cận với những phương pháp học tập mới nhất của giáo dục hiện đại, từ đó giúp các em hội nhập dễ dàng hơn sau khi bước ra khỏi cánh cổng trường phổ thông |
“Tôi không ngại làm những việc đó vì học sinh của mình, vì tôi chắc chắn trong quá trình tìm hiểu, bản thân tôi sẽ học hỏi được nhiều điều và mục đích cuối cùng là để cải thiện cộng đồng của chúng tôi ” – cô Thúy tâm sự.
“Một giáo viên tâm huyết thì mới chỉ giúp được một số học sinh thôi, nhưng một tập thể, hay rộng hơn là cả cộng đồng giáo viên Việt Nam làm được như vậy thì tất cả học sinh chắc chắn sẽ tiến bộ hơn”.
Theo cô Thúy, giáo viên và học sinh là hai nhân tố quan trọng nhất. Đầu ra của học sinh sẽ thay đổi nếu giáo viên biết cách tự nâng cấp bản thân. “Giáo viên phải xác định được mục tiêu của mình.
Nếu mình không là người thay đổi thì học sinh của mình sẽ là người chịu thiệt thòi, kéo theo sự tụt hậu của cộng đồng nơi mình sinh sống. Sự học cuối cùng là để giúp cho người học biết sử dụng điều mình đã được giáo dục vào cuộc sống”.