Chuyện tháng 7...

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Tháng 7 - tháng tri ân, đền ơn đáp nghĩa các thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng...

Tranh minh họa/INT
Tranh minh họa/INT

Việc ông Phùng Văn Sỹ ở xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình vừa “tình cờ” tìm được mộ cha của mình khi cùng đoàn cán bộ xã đến viếng Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị - đã góp thêm một câu chuyện cảm động nhưng qua đó cũng cho thấy còn nhiều việc phải làm không chỉ trong tháng 7 - tháng tri ân, đền ơn đáp nghĩa các thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng...

“Tình cờ” là bởi Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của 10.000 liệt sỹ. Chính ông Sỹ cũng chỉ biết tới khu mộ của các liệt sỹ thuộc tỉnh Thái Bình để thắp hương, với tâm niệm mong cha phù hộ cho mình tìm được mộ.

Ông bước đi rồi dừng chân trước một ngôi mộ tập thể, lần đọc từng cái tên trong danh sách 112 liệt sỹ thuộc Sư đoàn 320. Và hàng chữ “liệt sỹ Phùng Văn Môn” với đầy đủ thông tin năm sinh, quê quán, cấp bậc, đơn vị, thời gian hy sinh... đã khiến tim ông như thắt lại... Ông đã tìm được nơi an nghỉ của cha mình cùng đồng đội sau hơn nửa thế kỷ.

Ông cũng cho biết thêm rằng, khi về quê sẽ viết thư gửi thân nhân của các liệt sỹ nằm chung ngôi mộ với cha mình để báo tin, vì biết đâu họ cũng chung hoàn cảnh, đang tìm người thân như mình. Đây cũng chính là điều đáng nói nhất sau khi việc tìm mộ cha của ông đã có cái kết viên mãn.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những đau thương, mất mát để lại cho đất nước và dân tộc Việt Nam vô cùng to lớn, không gì bù đắp được. Biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập, hòa bình cho Tổ quốc.

Những người con anh hùng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã ra đi mãi mãi nhưng đến tận hôm nay, vẫn còn có không ít liệt sỹ mà gia đình, người thân, đồng chí, đồng đội chưa tìm được mộ hoặc có phần mộ, có tên tuổi, địa chỉ nhưng gia đình không biết như trường hợp của gia đình ông Sỹ.

Một con số thống kê khác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Có tới hơn 300.000 người khi sinh ra có họ, có tên nhưng khi nằm xuống, trên bia mộ chỉ ghi “Liệt sỹ vô danh”, “Chưa biết tên” hoặc “Mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin”… đang yên nghỉ tại hơn 3.000 nghĩa trang liệt sỹ. Vậy mỗi người dân, các cơ quan chức năng cần làm gì để các liệt sỹ đã rõ tên, họ, quê quán được trở về với gia đình?

Cốt lõi nhất là nắm và kết nối thông tin giữa các cơ quan chức năng. Như trong trường hợp của gia đình ông Sỹ, nếu như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hai tỉnh Quảng Trị và Thái Bình kết nối, trao đổi thông tin của các liệt sỹ thì chắc chắn sẽ không có chuyện phải mất hơn nửa thế kỷ ông mới tìm thấy mộ của cha mình.

Vấn đề nữa là cần xây dựng và vận hành trang thông tin về các liệt sỹ đang yên nghỉ tại các nghĩa trang trên toàn quốc, từ đó, cung cấp thông tin cho các địa phương và các địa phương cũng có thể tra cứu về các liệt sỹ của tỉnh mình đang yên nghỉ tại nghĩa trang nào. Đây là việc khó có thể làm trong ngày một, ngày hai nhưng không thể không làm hoặc làm nhưng không hiệu quả.

Truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đã được các thế hệ người Việt Nam xây dựng, gìn giữ để tri ân những hy sinh, mất mát của những người đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Và một trong những điều tri ân thiết thực nhất là mọi liệt sỹ đều được trở về với gia đình, với quê hương.

Tin tiêu điểm

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

Thế giới
GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.

Đừng bỏ lỡ