Đặc biệt cứ vào dịp tháng Bảy hàng năm, cả nước lại tràn ngập không khí tri ân những người có công với nước, không chỉ giáo dục cho lớp trẻ hôm nay về một thời oanh liệt của đất nước... mà còn nhân lên nét đẹp nhân văn về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Nhất là từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh chọn ngày 27/7/1947 là Ngày Thương binh toàn quốc, đã hình thành một truyền thống nhân văn, cao đẹp trong việc tri ân những người có công với cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, 71 năm qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng lan tỏa sâu rộng ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và mang lại hiệu quả thiết thực.
Chỉ tính trong 10 năm (từ năm 2007 - 2017), cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” đạt hơn 3.481 tỷ đồng, trong đó quỹ Trung ương hơn 41,36 tỷ đồng, quỹ địa phương hơn 3.440,4 tỷ đồng; xây dựng gần 90.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 75.000 nhà tình nghĩa với tổng trị giá gần 12.200 tỷ đồng; tặng gần 159.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 955.000 tỷ đồng…
Không những chăm lo người còn sống, còn có nhiều hoạt động quan tâm chăm sóc nơi an nghỉ của những người đã khuất như: Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ cũng đã được tập trung thực hiện...
Nhân lên những việc làm ý nghĩa
Vì vậy rõ ràng đền ơn đáp nghĩa không chỉ thực hiện một ngày, một tháng, mà phải được tiến hành thường xuyên, quanh năm. Từ thực tiễn công tác thương binh, liệt sĩ và người có công những năm qua cho thấy, để công tác chăm lo người có công đạt kết quả tốt, khi điều kiện kinh tế đất nước còn gặp những khó khăn, việc đầu tiên là đòi hỏi ở mỗi người cần nêu cao nghĩa vụ, trách nhiệm hơn nữa trong việc làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công.
Nhất là đối với những người làm công tác giáo dục, lương tâm và trách nhiệm đang mách bảo cần phải tiếp tục nhân lên những việc làm thiết thực có ý nghĩa hơn nữa, trong việc gắn phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, với thực hiện Nghị quyết của Đảng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, phát huy những giá trị truyền thống yêu nước của dân tộc trong điều kiện lịch sử mới; tăng cường các nội dung giáo dục về quốc phòng và an ninh; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt là để cho thế hệ trẻ thấy việc chăm sóc người có công vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm cao quý, thể hiện rõ ý Đảng, lòng dân và cũng là để tiếp tục nhân lên đạo lý, truyền thống nhân văn cao đẹp của dân tộc.