Nghỉ hè, nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác theo Bộ luật Lao động. Theo quy định trên, Tết là thời gian nghỉ hợp pháp của giáo viên. Một quyền lợi hợp pháp, được luật định là vậy, cớ sao hằng năm, cứ đến hẹn lại lên, ở một số nơi giáo viên lại lao tâm khổ tứ vì bị phân công trực Tết?
Thực tế cho thấy, việc bố trí nhân sự để trực Tết là cần thiết. Bởi tài sản ở các trường học hiện nay không đơn giản chỉ có bảng đen, bàn ghế và vài tủ hồ sơ như xưa. Trường ít cũng có 5 - 10 máy tính, trường nhiều vài phòng máy, chưa kể nhiều thiết bị đắt tiền khác như máy chiếu, bảng tương tác, tivi… với trị giá lớn. Với lịch nghỉ dài ngày như dịp Tết Nguyên đán, nếu không có nhân sự trực bảo vệ tài sản, xử lý kịp thời các sự cố phát sinh, nguy cơ mất trộm, cháy nổ… rất lớn. Thời gian qua, ở nhiều địa phương, lực lượng công an cũng đã cảnh báo và thụ lý khá nhiều vụ trộm cắp tài sản ở trường học. Vì thế để tăng cường công tác an ninh trong dịp nghỉ dài ngày như Tết Nguyên đán, nhiều sở, phòng GD&ĐT thường có công văn yêu cầu: “Trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch, các đơn vị bố trí người trực 24/24 giờ…”.
Bố trí người trực 24/24 giờ là bắt buộc nhưng… lấy đâu đủ người để trực là câu chuyện đau đầu của nhiều hiệu trưởng, nhất là ở khối tiểu học vùng sâu, vùng xa. Bởi không phải trường nào cũng có nguồn kinh phí để bố trí đủ 2 - 3 nhân viên bảo vệ thay nhau trực ngày, đêm theo ca. Và cũng không phải trường nào cũng có kinh phí để thực hiện việc chi trả thù lao làm thêm ngày Tết theo đúng Luật Lao động cho nhà giáo tham gia trực Tết. Bởi vì, nguồn kinh phí ngoài khoán tại các trường vùng khó khăn rất ít, còn kinh phí trong khoán mà nhiều nhất là quỹ lương đã có thang đo, thước tấc rõ ràng. Vì thế mới có chuyện ở một số địa phương khó khăn, hiệu trưởng phải viện dẫn việc trực trường ngày Tết là nhiệm vụ chung, cán bộ, giáo viên phải thực hiện.
Trong bối cảnh tinh giản biên chế, điều kiện tài chính trường học eo hẹp, việc các nhân sự khác kể cả giáo viên phải chia sẻ nhiệm vụ trực trường trong một số dịp đặc biệt là thực tế khó tránh khỏi. Vấn đề quan trọng nhất là các cơ sở giáo dục phải thực hiện việc phân công với sự đồng thuận của nhân sự; đồng thời phải thực hiện đầy đủ chế độ làm thêm theo luật định. Trường hợp một số đơn vị thực sự khó khăn vì không có nguồn thu ngoài khoán, các địa phương cần dự trù và lên kinh phí cho khoản này để hỗ trợ nhà trường bảo đảm an ninh.
Về lâu dài cần tiến tới chuyên nghiệp hóa lực lượng bảo vệ trường học, chuẩn hóa cơ sở vật chất nhà trường (tường rào, camera an ninh) để từng bước hạn chế và chấm dứt việc phân công giáo viên trực trường trong ngày nghỉ theo quy định. Bởi suy cho cùng nếu có trực, giáo viên cũng không đủ nghiệp vụ để làm tốt công tác khi sự cố xảy ra như một bảo vệ chuyên nghiệp.