Từ nhu cầu thực tiễn, đây được xem là giải pháp quản lý ngoài trường học khi nhà trường - gia đình và xã hội cùng chung tay.
Cô Đào Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội): Rõ với từng cấp học
Việc dạy thêm, học thêm trong các nhà trường đã được kiểm soát chặt chẽ dựa trên quy định của Bộ GD&ĐT nhưng hoạt động này ở ngoài nhà trường đang diễn ra đa dạng, khá phức tạp, còn tình trạng khó kiểm soát (học tại nhà học sinh, giáo viên, các địa điểm có giấy phép dạy thêm hoặc không có giấy phép, học online…). Thực trạng này đều xuất phát từ nhu cầu thực tế, chủ yếu từ người học như để bổ sung, nâng cao kiến thức, kĩ năng; giành giải cao trong các kì thi; thi vào các trường chuyên lớp chọn hoặc để làm hài lòng bố mẹ/thầy cô...
Cô Đào Thị Thủy. |
Bên cạnh đó, việc này cũng có thể xuất phát từ nhu cầu người dạy, như để tăng thu nhập, có cơ hội cung cấp thêm những kiến thức, kĩ năng cho người học (khi mà ở trường không có điều kiện về thời gian và cơ sở vật chất hoặc không có cơ hội tiếp xúc, dạy trực tiếp người học đó).
Hoặc đơn giản do thầy cô có thời gian rảnh, dạy thêm để giúp đỡ ai có nhu cầu học… Song việc tổ chức tràn lan khiến cho xã hội hoang mang, phụ huynh lo lắng, học sinh đôi khi bị áp lực.
Gần đây, có ý kiến cho rằng, cần đưa việc dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý để quản lý bên ngoài trường học. Cá nhân tôi ủng hộ ý kiến này. Tuy nhiên, các cấp quản lý cần đưa ra điều kiện kinh doanh hoạt động này một cách rõ ràng, cụ thể; triển khai đúng với mục đích, nhu cầu của người học; nhất là cần quy định rõ đối với từng cấp học.
Việc dạy thêm, học thêm các môn cơ bản chỉ nên cho phép với học sinh từ cấp THCS trở lên. Bởi học sinh THCS có đủ năng lực để xác định được chất lượng và nhu cầu, năng lực của bản thân. Còn đối với học sinh bậc tiểu học, chỉ cho phép dạy thêm các môn thuộc về lĩnh vực năng khiếu, nghệ thuật, kĩ năng sống (các nội dung mà ở trong trường học, các em khó có điều kiện để tiếp cận được). Từ thực tế, hầu hết học sinh tiểu học hiện nay đi học thêm các môn cơ bản, chủ yếu do nhu cầu của bố mẹ, do áp lực thi vào trường chuyên, lớp chọn.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường cần tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các nội quy, quy định về dạy thêm, học thêm cho giáo viên, phụ huynh và học sinh nắm được để phối hợp thực hiện. Đồng thời yêu cầu mỗi giáo viên phải kí cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định; nhà trường phải thường xuyên giám sát, kiểm tra chất lượng dạy học trên lớp của giáo viên. Đặc biệt, nhà trường cần có kênh thu thập thông tin phản ánh kịp thời về việc thực hiện nội quy, quy định dạy thêm, học thêm của giáo viên và học sinh để nắm bắt và xử lí kịp thời nếu có phát hiện sai phạm.
Cô Hứa Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều (Long Biên, Hà Nội): Cơ hội để giáo viên khẳng định năng lực
Cô Hứa Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều (Long Biên, Hà Nội). |
Việc học thêm xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của người học, với những học sinh có nhu cầu ôn luyện, bổ sung kiến thức chưa vững; muốn rèn luyện thêm năng lực, nâng cao kiến thức sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi học sinh giỏi, các sân chơi trí tuệ… Việc học thêm là nhu cầu chính đáng, hoàn toàn phù hợp và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Đây cũng là cơ hội cho giáo viên có thể khẳng định năng lực chuyên môn, uy tín, thương hiệu để có thể tăng thêm thu nhập từ chính sức lao động của mình. Qua đó cải thiện cuộc sống khi mức lương giáo viên hiện nay chưa được cải cách, điều chỉnh để được “ưu tiên xếp lương cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp” và điều này cũng là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của mỗi giáo viên.
Tôi ủng hộ đề xuất này vì sẽ có tác động tốt đến việc ổn định trật tự xã hội, tạo sự cân bằng xã hội và đáp ứng được những nhu cầu tất yếu của người học cũng như người dạy.
Việc đưa hoạt động dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giúp quản lý tốt hơn, hạn chế các trung tâm tự phát và tránh được những trường hợp ảnh hưởng xấu đến học sinh. Tuy nhiên cần quản lý, tổ chức bằng tiêu chí rõ ràng như: Điều kiện để cơ sở giáo dục hoặc cá nhân được phép dạy thêm, học thêm theo nhu cầu tự nguyện của phụ huynh học sinh và người học; mức sàn thu phí cho một giờ dạy thêm theo từng khu vực, số học sinh tối đa/nhóm, lớp dạy thêm; số buổi hoặc số tiết dạy thêm tối đa/môn/tuần; số tiền phải nộp thuế thu nhập…
Với vai trò nhà quản lý, nhà trường nắm bắt được rõ nhất về đối tượng dạy học phải có trách nhiệm trong việc quản lý người dạy, đánh giá khách quan, công bằng về trình độ chuyên môn cũng như khả năng nghiệp vụ sư phạm của giáo viên.
Giáo viên luôn trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện bản thân để đạt được những tiêu chí đáp ứng việc dạy học. Khi đủ điều kiện và được phép dạy thêm thì phải thực hiện đúng các yêu cầu, nhiệm vụ của người giáo viên, cam kết chất lượng đào tạo, tuyệt đối không được có hành vi bắt ép học sinh đi học thêm, trù dập những học sinh không có nhu cầu, làm khó phụ huynh. Giáo viên cũng cần chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý và trước Nhà nước nếu vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm và nộp thuế, phí đầy đủ theo quy định của Nhà nước.
Cô Phương Thúy - giáo viên chủ nhiệm lớp 4 Trường Tiểu học Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội): Tránh “bình mới rượu cũ”
Cô giáo Phương Thúy - giáo viên chủ nhiệm lớp 4 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). |
Trước hết, cần khẳng định học thêm là nhu cầu có thật của phụ huynh, học sinh. Đặc biệt, với những học sinh năng khiếu hoặc học sinh có học lực trung bình thì việc học thêm càng quan trọng.
Ở khu vực nội thành Hà Nội, tiếp giáp với nhiều trường THCS chất lượng cao, trường chuyên của địa bàn thành phố nên rất nhiều phụ huynh muốn đầu tư cho con từ tiểu học để có thể thi hoặc xét tuyển vào các trường nổi tiếng, có môi trường giáo dục tốt. Muốn vậy nếu học sinh chỉ học bài, làm bài trên lớp sẽ khó đáp ứng được. Đó cũng chính là lí do mà phụ huynh cho con tham gia các lớp học thêm để con có thể có kiến thức thi đỗ vào các trường mà mình mong muốn.
Cùng với đó, do áp lực về sĩ số nên việc triển khai Chương trình GDPT 2018 còn gặp khó khăn, nhiều học sinh có khả năng tiếp thu chậm, yếu bị thụt lại phía sau. Những bạn ấy hoặc cha mẹ học sinh ấy rất muốn cho con tham gia các lớp học thêm để có thể củng cố, nắm chắc kiến thức còn thiếu, yếu.
Hiện nay, nhiều phụ huynh lo lắng, nghĩ rằng nếu con không học thêm thì khó có thể theo được các bạn. Bên cạnh đó, cha mẹ lại có tâm lý con hàng xóm học thêm, nếu con mình không học thì không yên tâm. Những yếu tố trên khiến việc học thêm, dạy thêm trở thành một cuộc đua của người người - nhà nhà, gây ra tình trạng dạy tràn lan, khó quản lý.
Tôi cho rằng, cần đưa dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Giáo viên là người gần gũi, nắm rõ nhất đặc điểm, khả năng tiếp thu của học sinh nên có phần thuận lợi khi tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Tuy nhiên, cần được cấp có thẩm quyền phê duyệt về nội dung, chương trình cẩn thận để vừa đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018, vừa có thể củng cố, mở rộng kiến thức, kỹ năng… cho học sinh có nhu cầu.
Với các trung tâm dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường cần được quản lý, đảm bảo có đủ điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất mới được phép hoạt động. Hiện nay, việc này vẫn có nhiều mặt trái, nhiều thầy cô trong các trường cũng có những “chiêu trò” để học sinh theo học, làm méo mó hình ảnh nhà giáo. Do đó, việc quy định dạy thêm trở thành một nghề kinh doanh có điều kiện là hợp lý, điều này cũng đỡ “mang tiếng” cho các trường. Trung tâm nào tốt, học sinh có quyền lựa chọn, không nhất thiết phải theo giáo viên trong trường.
Không nên cấm giáo viên dạy thêm, vì ai cũng có quyền được làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập. Cần hơn cả là có quy định và quản lý rõ ràng để hạn chế được những mặt trái.
Để quản lý tốt nhu cầu học tập (dạy thêm, học thêm) quan trọng nhất là bộ phận cấp phép cần khách quan. Sẽ có nhiều cách để “lách luật” nhằm được cấp phép, nếu bộ phận này không làm việc xác đáng, thực chất, vẫn sẽ hình thành những cơ sở kém chất lượng và việc quản lý dạy thêm, học thêm vẫn sẽ là “bình mới rượu cũ”.
Quan trọng nhất là công tác quản lý Nhà nước cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra đúng nghĩa, minh bạch để không phát sinh những cơ sở làm chưa thực chất. Về mặt chất lượng, đánh giá của phụ huynh, học sinh sẽ mang tính khách quan, thực tế nhất.
Đối với nhà trường, hạn chế đưa các trung tâm vào trường để tham gia hay tổ chức việc dạy thêm, học thêm. Việc tổ chức dạy thêm sẽ do nhà trường sắp xếp và bố trí giáo viên để đảm bảo công bằng. Nếu quy định này được thực hiện thì sẽ đưa dạy thêm, học thêm về đúng ý nghĩa của nó, vừa đáp ứng nhu cầu, nâng cao học lực cho các em vừa tạo điều kiện cải thiện thu nhập công bằng cho giáo viên.
Khi học sinh muốn ôn luyện kiến thức chưa vững, muốn rèn luyện thêm năng lực nâng cao để sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi học sinh giỏi… thì nhà trường có thể lựa chọn giáo viên có đủ năng lực, chuyên môn tốt để tổ chức các lớp ôn tập, bổ sung nâng cao kiến thức cho học sinh. Đây cũng là cách để nâng cao uy tín cho nhà trường nếu học sinh có thành tích cao.
Về phía giáo viên, nếu có nhu cầu tham gia dạy thêm thì có đơn để tham gia giảng dạy ở các trung tâm hoặc nhà trường (nếu tổ chức) nhưng không làm ảnh hưởng đến định mức tiết dạy theo quy định. Tương tự, phụ huynh học sinh, cần hỏi ý kiến con mình trước khi cho con tham gia học thêm, để con nói ra suy nghĩ, mong muốn của bản thân. Đồng thời, chấp hành nội quy của các cơ sở hoặc nhà trường tổ chức học thêm.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Hoàn toàn hợp lý
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. |
Ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) đề xuất dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hoàn toàn hợp lý. Các hoạt động ở trường, mở lớp, trung tâm giáo dục thì pháp luật đã quy định là hoạt động nghề nghiệp kinh doanh có điều kiện, ngoài giấy phép kinh doanh còn phải có “giấy phép con” phải được sự cấp phép của cơ quan chuyên môn.
Người dạy thêm cũng phải có trình độ chuyên môn, chứng chỉ phù hợp để đảm bảo chất lượng cho hoạt động giảng dạy và quyền lợi của người học. Đồng thời công tác quản lý góp phần tránh thất thoát việc thu thuế và đảm bảo quyền của giáo viên trong việc dạy học.
Chúng ta cần có quy định cụ thể, thống nhất, nhất quán về vấn đề học thêm, dạy thêm, gồm: Điều, trình tự thủ tục và công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này; làm sao để giáo viên có cơ hội phát huy tối đa khả năng nghề nghiệp của mình, cải thiện đời sống, tăng thu nhập và học sinh có cơ hội tiếp cận tri thức, học tập mở rộng nâng cao trình độ nhận thức, khả năng tiếp thu kiến thức.
Ngoài việc quy định cho phép, về điều kiện trình tự thủ tục thì cũng cần quy định việc kiểm tra giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm để kịp thời phát hiện ra các hành vi vi phạm và áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật và các chế tài.
Cần sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các Thông tư của Bộ GD&ĐT về vấn đề học thêm, dạy thêm. Cần quy định về điều kiện của người dạy, người học, mô hình tổ chức lớp; quy định về báo cáo kiểm tra giám sát và quy định cả về chế tài xử phạt phải xử lý nếu vi phạm…