Nâng chuẩn giáo viên mầm non, miễn học phí THCS công lập
Nghị quyết số 104/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 với nhiều nội dung liên quan đến giáo dục được hàng loạt phương tiện truyền thông đưa tin.
Theo đó, Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ GD&ĐT bổ sung chính sách nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm theo lộ trình.
Thống nhất chủ trương thực hiện miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt đối với thôn xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương xác định nhu cầu nguồn kinh phí thực hiện chính sách này theo lộ trình phù hợp.
Xung quanh nội dung này, báo điện tử Tổ Quốc đã ghi nhận một số ý kiến của một số người dân và phụ huynh học sinh. Các ý kiến đều khẳng định chủ trương của Chính phủ hoàn toàn đúng đắn và nhân văn. Tuy nhiên, để tránh “phụ thu” khi thực hiện ở cơ sở, có ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo và đưa ra bảng danh sách các đầu mục phải đóng góp chung, còn lại cấm phụ thu.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo giáo dục 2018 |
Hàng trăm chuyên gia bàn giải pháp cho giáo dục đại học
Ngày 17/8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với ĐHQG TPHCM sẽ tổ chức Hội thảo Giáo dục 2018 với chủ đề “Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và Hội nhập quốc tế”. Diễn ra trong 1 ngày, khoảng 200 nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước đã bàn về giáo dục đại học với 3 nội dung chính: Năng lực hệ thống giáo dục đại học; tài chính đại học; quản lý nhà nước và quản trị đại học.
Năng lực hệ thống giáo dục đại học là nội dung của phiên thảo luận thứ nhất và cũng là nội dung nhận được sự quan tâm nhiều nhất từ phía đại biểu tham dự. Báo cáo của các chuyên gia cho thấy rằng, trong thời gian qua, sự nỗ lực của chúng ta trong việc xây dựng hệ thống giáo dục đại học đã mang lại các kết quả đáng khích lệ.
Một số đại học hàng đầu đã trở thành điểm sáng, tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà, từng bước xác lập được vị thế trên trường quốc tế. Nhiều vấn đề về năng lực hệ thống như triết lý, mục tiêu, mô hình hệ thống và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; cơ hội và thách thức đối với hệ thống trong bối cảnh quốc tế hóa và cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư…cũn đã được các chuyên gia, đại biểu đặt ra và phân tích.
Tài chính đại học là một chủ đề quan trọng, vì là một trong những điều kiện tiên quyết đối với chất lượng đào tạo. Các vấn đề về tài chính đại học như tự chủ tài chính, chính sách học phí, quản lý tài chính – tài sản, cơ chế đầu tư phát triển, sự tham gia hợp tác của doanh nghiệp… đã thực sự mang tính thời sự trong suốt thời gian qua. Và thực tế cho thấy, chúng ta cũng đã có những bước thí điểm quan trọng trong chính sách về tài chính đại học.
Tại hội thảo, các ý kiến thảo luận, nhiều kinh nghiệm quý báu liên quan tới tài chính đại học được các đại biểu, chuyên gia tổng kết, chia sẻ và nâng lên thành những đề xuất chính sách tốt cho giai đoạn tới. Điều này có ý nghĩa thiết thực cho việc hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học trình Quốc hội vào kỳ họp tới.
Chủ đề quản lý nhà nước và quản trị đại học đặt ra những vấn đề cần phải được nhìn nhận lại, đánh giá và đổi mới. Đất nước còn nhiều khó khăn, kinh phí đầu tư phát triển giáo dục tuy chiếm tỷ trọng lớn nhưng chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế của hệ thống.
Trong bối cảnh đó, một phương thức quản lý, quản trị phù hợp có thể làm tăng tính hiệu quả trong sử dụng nguồn lực sẵn có và giúp khơi dậy nhiều nguồn lực còn đang ở dạng tiềm năng.
Ở vấn đề này, nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra và tìm câu trả lời, chẳng hạn như: Môi trường và cơ chế nào góp phần kiến tạo nên một trường đại học tự trị đúng nghĩa với đầy đủ quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của nó? Đâu là nguyên lý để xác định điểm cân bằng giữa vai trò quản lý nhà nước và sự tự chủ đại học? Trách nhiệm của nhà nước đối với giáo dục đại học thế nào khi các trường đại học tự chủ?
Báo cáo của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc là nội dung được nhiều báo chí quan tâm. Trích phát biểu của Thứ trưởng, Vietnamnet ghi lại thành bài viết “Chi phí đào tạo 1 sinh viên Mỹ gấp 30 lần 1 sinh viên Việt Nam”. Theo đó, bình quân chi Mỹ chi 19.000 USD cho 1 sinh viên trong 1 năm, thì con số này của Việt Nam là 630 USD. Chi phí đơn vị" cho 1 sinh viên của Việt Nam bằng khoảng ¼ của Thái Lan (2.500 USD), bằng khoảng 1/6 Trung Quốc (3.500 USD).
Nếu so sánh tỷ lệ đầu cho giáo dục ĐH giữa ngân sách nhà nước và người học của Việt Nam so với các nước thì có thể thấy người học Việt Nam phải chi trả mức tỷ lệ khá lớn so với các quốc gia phát triển như Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Đức, Pháp, đồng thời dưới mức trung bình của OECD. Việt Nam đứng trên Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh về tỷ lệ đầu tư cho giáo dục ĐH từ phía người học.
Đưa định hướng và giải pháp cho giáo dục đại học trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh việc thể chế hóa (sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học và các quy định liên quan) để đổi mới căn bản và toàn diện. Cùng với đó là nâng cao năng lực hệ thống giáo dục đại học; đổi mới cơ chế tài chính đại học; đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm học với giáo dục trung học |
Tích cực chuẩn bị năm học mới
Hội nghị tổng kết năm học 2017 – 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019 đối với Giáo dục Trung học được Bộ GD&ĐT tổ chức trong tuần qua. Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã nêu 5 vấn đề để các Sở GD&ĐT lưu ý trong thực hiện nhiệm vụ năm học đối với giáo dục trung học liên quan đến chuẩn bị chương trình, SGK mới; thực hiện 4 đổi mới: nội dung kiến thức, đổi mới PPDH, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học, đổi mới công tác quản lý theo hướng chú trọng đến nâng cao chất lượng, hiệu quả;
Rà soát lại đội ngũ nhà giáo và nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua bồi dưỡng giáo viên. Tiếp tục tăng cường đầu tư, cơ sở vật chất cho các trường học, chú trọng xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia… Kiên quyết với lạm thu, vi phạm dạy học thêm…
Sáng 15/8, Ủy ban Mặt trận MTTQ TP.HCM phối hợp với Sở GD&ĐT TP tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2018-2019. Giám sát các khoản thu đầu năm, tăng cường kỹ năng cho giáo viên, quản lý hồ sơ chặt chẽ để tránh tình trạng giáo viên bạo hành trẻ mầm non là những đề nghị với Sở GD&ĐT TP.HCM trong năm học mới.
Tại Hà Nội, hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 ngành giáo dục mầm non TP Hà Nội tổ chức ngày 14/8, Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng cho biết: Năm học 2018-2019, thành phố tập trung thanh tra các trường, nhóm lớp mầm non ngoài công lập, trong đó đặc biệt lưu tâm đến việc thực hiện công tác chuyên môn và thu chi tài chính.
Cũng tại Hà Nội, trước tình trạng sĩ số học sinh ở một số trường trong khu dân cư mới lên tới trên 60 học sinh/lớp năm học 2018-2019, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề nghị các phòng GD&ĐT trên địa bàn căn cứ vào số lượng để điều chỉnh phân bố học sinh. Thông tin được chia sẻ trên baotintuc.vn.
Năm học mới, khắc phục nỗi sợ nhà vệ sinh trường học là bài viết trên báo Thanh niên. Vấn đề bài báo đặt ra là giải quyết dứt điểm thiếu nhà vệ sinh trường học - một trong những yêu cầu thiết thân đặt ra với các nhà trường trong năm học tới.
Hàng loạt thông tin về chuẩn bị năm học mới tại địa phương được đăng tải trên báo chí trung ương và địa phương tuần qua. Trong đó những vấn đề nổi bật liên quan đến chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp học, giáo viên, đảm bảo sách giáo khoa cho năm học mới, chấn chỉnh tình trạng lạm thu và vi phạm dạy học thêm trong các cơ sở giáo dục,tăng cường vận động học sinh đến trường, nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày ở tiểu học…
Những gương mặt giáo dục nổi bật
Nhiều câu chuyện đẹp về nhà giáo, những tấm gương học sinh, sinh viên nỗ lực học tập tiếp tục được khai thác trong tuần qua.
Mở đường, dọn trường, các thầy cô giáo trên điểm trường Mầm non Quang Huy 2, (Bản Suối Ó, Quang Huy, Phù Yên) đang ngày ngày gieo chữ trên miền cao mây trắng. Đó là nội dung bài ảnh trên giaoduc.net. Hành trình đến với trường Mầm non Quang Huy 2 (Xã Quang Huy, Huyện Phù Yên, Tỉnh Sơn La) là một trong những hành trình đầy gian khó của các thầy cô giáo đang ngày đêm bám bản gieo chữ giữa miền cao nguyên. Tuy nằm trong khu vực hẻo lánh của núi rừng nhưng trường Mầm non Quang Huy 2 chưa một ngày thiếu tiếng ê a của học trò, dù nắng hay mưa, dù mưa giông hay gió bão.
Nụ cười vẫn nở trên môi các thầy cô dù đường đến trường phải mang theo... cuốc, xẻng để đào đường. (Ảnh: LC) giaoduc.net |
Nguyễn Lê Đông Hải, cậu học trò lớp 10 chuyên Anh trường THPT chuyên Lê Khiết, tỉnh Quảng Ngãi vừa nhận được học bổng từ 2 trường trung học danh giá hàng đầu nước Mỹ. 2 học bổng danh giá mà Đông Hải nhận được là một trong những học bổng trung học Mỹ có giá trị lớn nhất từ trước đến nay mà một học sinh Việt Nam nhận được. Câu chuyện này được motthegioi.vn và sài gòn giải phóng ghi lại.
Giữ cương vị lớp phó học tập trong 10 năm nay, Nguyễn Lê Đông Hải là học sinh xuất sắc trong suốt 10 năm liền với những thành tích đáng nể trong các cuộc thi HSG, OTE, IOE, Violympic cấp khu vực và cấp quốc gia.
Góc học tập của Đông Hải. Ảnh: motthegioi.vn |
Để nhận được học bổng này, ngoài các yêu cầu về GPA (điểm trung bình môn) và IELTS, ứng viên cần phải hoàn thành 3 bài luận của trường và trải qua 3 vòng phỏng vấn với các đại diện của trường. Vòng phỏng vấn cuối cùng dài hơn 1 tiếng với thầy George Casley, Giám đốc Giáo dục (Academic Director) của Tập đoàn giáo dục Cambridge được Đông Hải đánh giá là gay go hơn cả so với 2 vòng phỏng vấn trước đó cùng thầy hiệu trưởng và giám đốc tuyển sinh của trường.
Ngoài ra, Hải còn nhận được học bổng hỗ trợ tài chính trị giá 100% học phí từ trường trung học The MacDuffie School ở Grandby, Massachussets. Với chất lượng giáo dục xuất sắc và lịch sử lâu đời từ năm 1890, trường có nhiều cựu học sinh nổi bật, tiêu biểu là bà Betsy Bernard, cựu CEO tập đoàn viễn thông lớn nhất nước Mỹ AT&T.