Từ một món quà nhỏ
Phạm Hữu Nghĩa (ông chủ của khanran.com, shop khăn rằn đầu tiên ở TPHCM) kể: “Trong một lần đi tình nguyện ở An Giang, mình được các anh bộ đội ở đồn Biên phòng Tịnh Biên tặng một chiếc khăn rằn làm quà.
Rất nhiều bạn bè thích khăn này, nhờ mua hộ nhưng mình không biết chỗ nào bán. Từ chiếc khăn đầu tiên, mình thích và bắt đầu sưu tầm các loại màu khăn khác nhau cho đủ bộ”.
Khăn rằn cũng là loại khăn rất phổ biến của người Campuchia, Thái Lan. Chiếc khăn rằn Nam Bộ có nguồn gốc từ khăn Krama của người Kh’mer, giống nhau từ kiểu dáng đến mục đích sử dụng trong đời sống hằng ngày.
Trải qua thời gian, Krama được Nam Bộ hóa. Nếu như Krama dệt bằng chỉ xe, có sự co rút đàn hồi và thấm nước tốt thì khăn rằn Nam Bộ có phần chỉ dệt phải được ngâm trong hồ (bột gạo) và phơi 3 ngày.
Bột gạo làm cho sợi chỉ mục đi một phần nên nó thô giống vải bố nhưng càng giặt vải càng mềm và đẹp hơn, càng xài càng bền, đó là bí quyết mà hiếm loại khăn nào trên thế giới có được.
Nghĩa kể: “Nhiều bạn nhờ mua khăn nên mình cũng lấy sẵn về, nếu cần thì bán luôn. Mình thử bán hàng qua mạng không ngờ giới trẻ thích ngay loại khăn “nông dân” này.
Ở TPHCM, khăn rằn chỉ được bán nhỏ lẻ ở một số chợ, chưa có cửa hàng chuyên kinh doanh nên mình quyết định mở shop để bán”.
Số lãi không lớn nhưng Nghĩa rất vui vì giới trẻ tìm đến ngày một đông. Khăn rằn giờ đây không còn là thứ khăn chỉ để lau mồ hôi của nông dân mà đã thuyết phục được giới trẻ sử dụng như một loại thời trang
Đi cùng người trẻ
Sử dụng khăn rằn đang trở thành mốt của giới trẻ TPHCM, nhất là các bạn chơi nghệ thuật, ưa xê dịch và thành viên của các chuyến “phượt”.
Khăn rằn có điểm chung là rất duyên dáng nếu biết phối hợp, ứng dụng cho phù hợp với trang phục street style. Công đầu trong việc “truyền bá” khăn rằn phải kể đến dân “phượt”.
Khăn rằn luôn là thứ không thể thiếu trong mỗi chuyến đi. Khăn rằn còn có thể biến tấu thành băngđô, khăn vuông cột tóc hoặc trang phục hip-hop.
Dần dần, phong trào sử dụng khăn rằn để “chế” thành các phụ kiện bắt đầu lan tỏa. Các nhà thiết kế trẻ cũng khai thác các ứng dụng từ khăn để phối đồ, làm thành dây chuyền hoặc vòng đeo tay như những phụ kiện khác.
Bất cứ dân “phượt” nào, dù là “sang chảnh” hay ngủ bờ ngủ bụi cũng tậu vài chiếc khăn rằn để sử dụng, dần dần nó trở thành một thứ “biểu tượng” cho sự xê dịch, thích đi của giới trẻ.
Nguyễn Quốc Thịnh (Trường ĐH Văn Lang, người được biết đến với các bộ sưu tầm áo dài từ khăn rằn) chia sẻ: “Trung bình, mỗi tháng mình có khoảng 5 – 7 khách đặt thiết kế áo dài từ khăn rằn.
Điểm nổi bật là khi may áo xong vẫn có thể hình dung ra đó là chiếc khăn rằn chứ không phải là loại vải caro nào khác. Chất liệu khăn rằn may thành áo dài sẽ độc đáo bởi có những đường rằn cá tính, vải thường không thể nào dệt được. Tuy nhiên, nhược điểm là vải khăn rằn thưa rất khó may”.
Khăn rằn hấp dẫn vì hai yếu tố: Tiện lợi, thời trang và truyền thống. Quan trọng nữa là rẻ. Tại một số khu chợ, khăn rằn bán cho du khách nước ngoài với giá 100.000 – 150.000 đồng/chiếc. Nghĩa chỉ bán ở mức 20.000 – 30.000 đồng/chiếc.
Giới trẻ Việt kiều cũng mua khá nhiều để làm quà tặng. Mục đích là muốn truyền cảm hứng sử dụng những giá trị truyền thống và tạo ra xu hướng cho giới trẻ.
Phạm Hữu Nghĩa chia sẻ: “Ưu tiên của mình khi kinh doanh khăn rằn không phải là lợi nhuận mà chính là xây dựng riêng cho giới trẻ Việt một bản sắc.
Khăn Pashima của người Nepal chinh phục được du khách, trở thành một thương hiệu nổi tiếng thì khăn rằn của Việt Nam cũng có thể được như thế.
Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi cách nghĩ, cách sử dụng và nâng tầm cho loại khăn truyền thồng rất đẹp này của Việt Nam”.