Chị em sinh ba cùng đỗ đại học

Một ngày của tháng 6/1996, làng quê nghèo ở Duy Trung (Duy Xuyên, Quảng Nam) xôn xao vì sự kiện: Vợ chồng anh Trần Đình Trung - chị Nguyễn Thị Đổng sinh liền một lúc 3 con gái. 

Chị em sinh ba cùng đỗ đại học
Ba chị em sinh 3 Ngọc, Thảo, Nhung (từ trái qua phải) đều thi đỗ đại học năm 2014.
Ba chị em sinh 3 Ngọc, Thảo, Nhung (từ trái qua phải) đều thi đỗ đại học năm 2014.

Chuyện 18 năm về trước

Ở Duy Trung, hỏi đường đến nhà ba cô gái sinh ba không khó. Bà con trong xóm đều hồ hởi: “Nhà ba con nhỏ mới thi đậu đại học hả? Chu choa mấy đứa giỏi thiệt, tụi hắn lại làm bà con bất ngờ nữa đó nghe...”. 

Tiếp chuyện với chúng tôi, vợ chồng anh Trung chẳng ngại ngần: “Tôi vừa mới ra tù 3 ngày, vừa phấn khởi vì đã mãn hạn tù, về tới nhà nghe các con thi đậu đại học, tôi mừng quá...”. 

Nghe anh Trung bộc bạch, chúng tôi lại thật sự bất ngờ, tạm gác câu chuyện vì sao anh Trung phải đi tù, câu chuyện về những đứa con gái sinh ba của mình qua hàng nước mắt lã chã của chị Đổng cuốn hút chúng tôi.

Vợ chồng anh Trung - chị Đổng cưới nhau năm 1989, đứa con gái đầu sinh ra bình thường. Ở làng quê nghèo này, đôi vợ chồng trẻ ngày ngày bám vào 3 sào ruộng, cùng những buổi anh Trung lặn lội đi làm thuê làm mướn, cuộc sống cũng dần ổn định hơn. 

Sang năm 1995, anh chị quyết định sinh thêm một cháu nữa, với hy vọng sẽ có thêm một đứa con trai cho “có nếp có tẻ”. Nhưng một ngày tháng 6/1996, hy vọng của đôi vợ chồng trẻ chợt như tan biến, chị Đổng trở dạ sinh liền một lúc 3 đứa con gái, cô hộ sinh nhìn những đứa trẻ chỉ dám quay mặt thở dài, lắc đầu... 

3 đứa bé đỏ hon hỏn, da dẻ nhăn nheo, mỗi đứa chỉ nặng hơn 1kg, nằm thiêm thiếp không cất nổi những tiếng khóc chào đời.

Đã thế, sau ba ngày sinh, cả ba đứa trẻ đều bị nhiễm trùng rốn, chúng yếu đến mức không thể há miệng để bú mẹ, phải mớm từng giọt sữa nhỏ. 

Cô hộ sinh lại thở dài thì thầm cùng bà con trong xóm: “Thôi mình cứ ráng, mấy em sống được thêm ngày nào hay ngày đó...”. Đôi vợ chồng trẻ đã nghèo, lại gặp chuyện sinh nở như vậy lại càng lo lắng, đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. 

Bà con chòm xóm xúm lại, người cho cân gạo, người cho con gà, người cho ít tiền, rồi một số cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức từ thiện nghe tin cũng tìm tới giúp đỡ. Lạy trời, những đứa trẻ sinh ba đã dần khỏe mạnh, nở những nụ cười đầu tiên trước cuộc đời.

Chị Đổng kể, sinh liền một lúc 3 đứa, nên chị bị mất sữa, nhà không có tiền, hàng ngày anh Trung lặn lội khắp các cánh đồng bắt lươn, bắt cá về làm thức ăn bồi dưỡng cho vợ và các con. 

Cứ thế, lươn, cá anh chị gỡ bỏ xương, xay nhuyễn nấu cháo. Hình như “trời thương”, 3 đứa trẻ đều hay ăn, chóng lớn chẳng mấy chốc đã tới ngày cùng cắp sách tới trường. 

Vợ chồng anh Trung đặt tên cho 3 cháu là Trần Thị Thu Thảo, Trần Thị Như Ngọc, Trần Thị Cẩm Nhung. Anh Trung và chị Đổng đều phấn khởi cho chúng tôi biết, từ khi vào lớp 1 đến lớp 12, Thảo, Ngọc, Nhung đều học rất giỏi, năm nào cũng là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi của trường...

3 chị em sinh 3, Thảo , Nhung, Ngọc khi còn nhỏ.
3 chị em sinh 3, Thảo , Nhung, Ngọc khi còn nhỏ.

Vượt qua hoàn cảnh

Sang năm 2000, được sự giúp đỡ của một doanh nghiệp, anh Trung thuê mặt bằng mở một quán ăn uống, giải khát nhỏ ở bên cạnh nhà máy thủy điện Duy Sơn (huyện Duy Xuyên). 

Nhưng rồi việc buôn bán chỉ được vài năm đã ế ẩm, khách đến ăn uống cứ nợ chồng nợ chất, lời lãi chẳng thấy đâu, khách nợ quán, chủ quán cũng nợ tiền hàng, tiền vốn. 

Cứ thế, anh Trung vỡ nợ. Khu vực anh Trung mở quán cũng là khu vực nhiều người dân quanh vùng đến mở quán ăn quán nhậu, buôn bán ế ẩm, chiêu trò cuối cùng để hút khách là phải có tiếp viên nữ phục vụ mới hòng thu hút được khách, quán anh Trung cũng không nằm ngoài vòng xoáy câu khách ấy.

Đã có một thời gian, khu vực giáp ranh nhà máy thủy điện Duy Sơn trở thành điểm nóng về tệ nạn mại dâm. Ngày 22/5/2013, Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt quả tang tại quán của anh Trung đang chứa chấp khách mua bán dâm với nữ tiếp viên của quán. 

Anh Trung bị khởi tố, bắt giam về tội “tổ chức hoạt động mại dâm”, bị tòa kết án 1 năm tù. Chồng vi phạm pháp luật rơi vào vòng lao lý, việc buôn bán kinh doanh tan vỡ, chị Đổng lại bám vào 3 sào ruộng để lần lữa nuôi con ăn học.

Thấu hiểu những sai lầm của chồng, chị thường động viên các con, phải cố gắng học tập thật tốt để sau này có được công ăn việc làm lương thiện nhất, giúp ích cho mình, cho xã hội. 

Nghe lời mẹ, đàn con đứa nào cũng nết na, hiếu thảo, ngoài giờ đi học về lại lăn ra giúp mẹ từ việc đồng áng, đến chăn con heo, con gà. 

Rồi ngày thi đại học năm 2014 đã đến, Thảo và Ngọc khăn gói lên đường ra Huế, Nhung vào Tam Kỳ (Quảng Nam). Giống như ngày 3 chị em mới sinh, bà con chòm xóm lại đến, người cho vài trăm, người cho vài chục nghìn để 3 chị em có tiền làm lộ phí, với mong ước sao cho “mấy đứa nó đỗ đạt nên người”.

Và điều bất ngờ nữa lại đến với xóm nghèo thôn 1 (Duy Trung) trong ngày cuối tháng 7/2014 này, 3 chị em sinh ba của xóm đều nhận giấy báo trúng tuyển đại học.

Nhung đậu khoa Báo chí (Đại học khoa học Huế) với 18 điểm, Ngọc đậu khoa Du lịch Đại học Khoa học Huế với 19 điểm, Nhung đậu đại học Sư phạm mầm non Quảng Nam với số điểm 16,5. 

Niềm vui của ba chị em Thảo, Ngọc, Nhung cũng nhân lên khi anh Trung được xét mãn hạn tù trở về với gia đình.

Chia tay chúng tôi, anh Trung rưng rưng nước mắt: Tôi đã một lần vấp ngã, đã quyết tâm học tập cải tạo để sửa chữa lỗi lầm của mình, tôi có tội với xã hội, với gia đình, nay nhìn đàn con biết vượt qua hoàn cảnh để học tập tiến bộ, tôi thấy mình phải quyết tâm hơn nữa, không bao giờ phạm phải những lỗi lầm để mình phải hối hận suốt cuộc đời một lần nữa...

Theo cadn.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.