Vòng loại Olympic Paris 2024: Kỳ tích từ đua thuyền

GD&TĐ - Nguyễn Thị Hương và Phạm Thị Huệ đã thi đấu xuất sắc tại vòng loại Olympic châu Á, giúp đoàn thể thao Việt Nam thêm 2 suất dự Olympic Paris 2024.

Nguyễn Thị Hương (giữa) giành vé tham dự Olympic Paris 2024. Ảnh: ITN.
Nguyễn Thị Hương (giữa) giành vé tham dự Olympic Paris 2024. Ảnh: ITN.

Trong đó, lần đầu tiên canoeing Việt Nam giành vé chính thức tham dự một kỳ Thế vận hội.

Phần thưởng xứng đáng

Ở vòng loại Olympic canoeing khu vực châu Á, tổ chức tại Nhật Bản, Nguyễn Thị Hương giành quyền vào chung kết nội dung C1 200m nữ với 8 tay chèo tới từ Uzbekistan, Kazakhstan, Thái Lan, Indonesia, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Tuyển thủ Việt Nam sinh năm 2001 này nhập cuộc quyết tâm và bằng chiến thuật hợp lý trong những mét cuối, cô đã về đích thứ 2 với thời gian 49 giây 351, chỉ nhanh hơn đối thủ Mariya Brovkova người Kazakhstan 72% giây. Ở nội dung này, Nilufar Zokirova (Uzbekistan) về nhất với 49 giây 109.

Theo quy định, mỗi nội dung sẽ chọn hai vận động viên dẫn đầu tham dự Olympic. Nguyễn Thị Hương đã giành vé đến Paris vào mùa Hè năm nay. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên, canoeing Việt Nam có suất chính thức tham dự một kỳ Olympic.

Trước đó, vận động viên canoeing đầu tiên là Đoàn Thị Cách dự Olympic Athens 2004 tại Hy Lạp nhưng theo suất đặc cách, và thời gian để canoeing Việt Nam làm nên lịch sử kéo dài đúng 20 năm.

Cũng tại Nhật Bản, Diệp Thị Hương đã xuất sắc giành Huy chương Vàng, nhưng nội dung C1 nữ 500m của cô không nằm trong khuôn khổ vòng loại Olympic lần này.

Nguyễn Thị Hương quê Sông Lô (Vĩnh Phúc) sớm bộc lộ tố chất và đam mê thể thao đặc biệt. Năm 14 tuổi, cô đã giành Huy chương Vàng môn đẩy gậy Hội khỏe Phù Đổng tỉnh, qua đó lọt vào danh sách của các nhà tuyển trạch.

Ban đầu, nữ vận động viên trẻ sinh năm 2001 này được “quy hoạch” vào đội tuyển vật Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, sau khi trải quá một chu kỳ tập luyện khắc nghiệt, Nguyễn Thị Hương đối mặt với tình huống như “bầu trời sụp đổ”, đó là đội tuyển vật nữ Vĩnh Phúc… giải tán. 3 năm khổ luyện với biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của đô cử này coi như thành sông trôi ra biển.

Trong tình cảnh khó khăn tưởng chừng không có lối thoát, Nguyễn Thị Hương được đề nghị sang tập thử môn mới là canoeing. Cô gái trẻ quê Vĩnh Phúc sẽ bắt đầu từ con số 0, đúng hơn là số âm so với các đồng đội, trong khi canoeing đòi hỏi vận động viên rất nhiều kỹ năng dưới nước, đơn cử như chuyển sang môn này Hương vẫn chưa biết bơi, cách cầm mái chèo và ngồi trên thuyền.

Thậm chí, cô còn là tuyển thủ thấp nhất đội tuyển đua thuyền Việt Nam, với chiều cao khiêm tốn chỉ 1m51. Mặc dù vậy, với tố chất và ý chí sắt đá, Hương đã giành lại cho mình những gì cần thiết bằng sự nỗ lực gấp đôi gấp ba bình thường trong các buổi tập. Thành quả đã đến từ các giải quốc nội, điều đó giúp tay chèo này tự tin hơn vào cuộc chơi mới.

Trước SEA Games 31 năm 2022, Nguyễn Thị Hương vẫn là một gương mặt mới với làng đua thuyền Đông Nam Á. Tuy nhiên, tất cả sau đó đều dành sự ngưỡng mộ với màn trình diễn xuất sắc của cô gái sinh năm 2001 ngay trong kỳ Đại hội thể thao khu vực đầu tiên của mình.

Nguyễn Thị Hương thi đấu bùng nổ, giành trọn cả 5 Huy chương Vàng ở các nội dung đăng ký, trong đó có 3 Huy chương Vàng cá nhân (thuyền đơn 1.000m, 500m, 200m) và 2 Huy chương Vàng đồng đội (thuyền bốn 1.000m, thuyền bốn 500m). Đặc biệt, ở nội dung cá nhân, cô gái Vĩnh Phúc đều chiến thắng thuyết phục, vượt lên ngay từ đầu, một mình băng băng về đích, bỏ xa các đối thủ.

Bước vào SEA Games 32, nước chủ nhà Campuchia không đưa rowing và canoeing vào chương trình thi đấu. Nguyễn Thị Hương chuyển sang đội thuyền truyền thống (thuyền rồng) và sau một thời gian ngắn tập luyện, cô đã mang về 3 Huy chương Vàng cho đoàn thể thao Việt Nam.

Và bây giờ, vượt lên trên tất cả, cô gái đa tài Nguyễn Thị Hương đã giành suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024, thành tích thật sự đáng nể về cả chuyên môn lẫn ý chí của tay chèo với những ngã rẽ để đi từ các môn như đẩy gậy, vật hay đua thuyền rồng.

Trong ngày Nguyễn Thị Hương tạo cột mốc lịch sử trên đường đua Nhật Bản, thì từ Hàn Quốc, Phạm Thị Huệ (rowing) chính thức giành vé tham dự Olympic mùa Hè 2024.

Ở phần thi chung kết nội dung thuyền đơn nữ, Huệ tranh tài với các vận động viên của Philippines, Uzbekistan, Singapore, Nhật Bản, Iran. Tuyển thủ Việt Nam cán đích ở vị trí thứ 5 với 7 phút 53 giây 08, đủ điều kiện dự Thế vận hội tại Pháp. Trước đó ở bán kết, tay chèo quê Quảng Bình về thứ 3. Đây là thành tích ấn tượng của nữ vận động viên ngấp nghé tuổi 34 này.

Sinh năm 1990, Phạm Thị Huệ thuộc lớp cựu binh hiếm hoi của đội tuyển rowing nữ Việt Nam, sở hữu bảng thành tích đáng nể với 3 Huy chương Vàng SEA Games 28, 3 Huy chương Vàng SEA Games 31, 2 Huy chương Bạc ASIAD 18, Huy chương Đồng ASIAD 19…

Vào cuối năm 2023, trong một chia sẻ, cô vẫn chưa có ý định dừng lại bởi khát vọng một lần được dự Olympic chưa thành. Trong số các vận động viên Việt Nam từng chạm ngưỡng Olympic, có lẽ không ai “đen đủi” hoặc rơi vào tình cảnh trớ trêu như Phạm Thị Huệ.

Năm 2016, tại vòng loại Olympic Rio khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Phạm Thị Huệ về đích thứ 4 chung cuộc ở nội dung thuyền đơn nữ hạng nhẹ, qua đó giành vé dự Olympic. Tuy nhiên, quy định của ban tổ chức là mỗi quốc gia chỉ có tối đa 1 suất cho vận động viên nữ.

Tay chèo người Quảng Bình ngậm ngùi nhường vinh dự cho đồng đội Phạm Thị Thảo và Tạ Thị Huyền cũng đạt chuẩn nội dung thuyền đôi hạng nhẹ. Đến Olympic 2020, Phạm Thị Huệ có suất dự Thế vận hội sau khi về đích thứ 4/14 tại vòng loại, nhưng một lần nữa phải... ở nhà để nhường suất cho bộ đôi Đinh Thị Hảo - Lường Thị Thảo tham dự nội dung thuyền đôi.

Sau hai lần phải đứng ngoài cuộc chơi Thế vận hội, lần này không gì có thể ngăn cản Phạm Thị Huệ được nữa. Cô gái 34 tuổi đĩnh đạc giành vé đại diện cho rowing Việt Nam góp mặt tại Olympic Paris 2024.

Đây thực sự là phần thưởng xứng đáng, nhiều ý nghĩa cho tay chèo bền bỉ, luôn khát vọng vươn cao này. Phạm Thị Huệ nói rằng, cô rất tiếc nuối khi không thể góp mặt ở Olympic 2016, 2020. Và giờ đây, cô có thể nở nụ cười hạnh phúc.

Phạm Thị Huệ tham dự Thế vận hội 2024 ở tuổi 34. Ảnh: ITN.

Phạm Thị Huệ tham dự Thế vận hội 2024 ở tuổi 34. Ảnh: ITN.

Cuộc đua gay cấn

Trong tuần qua, Nguyễn Thùy Linh chính thức mang về cho thể thao Việt Nam một suất dự Olympic. Tay vợt nữ số 1 của cầu lông Việt Nam thông báo trên trang cá nhân về kết quả thi đấu tích điểm dự Olympic 2024 đã khép lại với 48.350 điểm.

Thùy Linh xếp hạng 17/35 tay vợt được Liên đoàn Cầu lông thế giới trao vé tới Paris. Đây là lần thứ 2 liên tiếp kể từ Olympic Tokyo, Thùy Linh có vinh dự được góp mặt thi đấu ở Thế vận hội và thành tích chuyên môn có sự tiến bộ thông qua vị trí trên bảng xếp hạng cá nhân thế giới.

Trước đó, gần 40 vận động viên của 7 đội tuyển quốc gia đã xuất ngoại thi đấu, gồm: Cử tạ, bắn súng, vật, Judo, rowing, canoeing, thể dục. Tuy nhiên, nhiều đội tuyển, nội dung thế mạnh không đạt kết quả như sự kỳ vọng.

Như ở môn bắn súng, đương kim vô địch ASIAD 19 Phạm Quang Huy (10m súng ngắn hơi) hay những gương mặt triển vọng như Hà Minh Thành (25m súng ngắn bắn nhanh), Phí Thanh Thảo (50m súng trường hơi 3 tư thế) không thành công ở vòng loại cuối cùng Olympic 2024 diễn ra tại Brazil.

Việc Phạm Quang Huy thất bại ở vòng loại đã đẩy thể thao Việt Nam vào bài toán khó nữa, ai sẽ lĩnh trọng trách huy chương Thế vận hội tại Pháp? Bởi thông số xạ thủ này đạt được khi giành chức vô địch ASIAD 19 tiệm cận thành tích nhóm giành huy chương nội dung 10m súng ngắn hơi Olympic 2020.

Thậm chí, nếu trong một ngày đẹp trời và thi đấu xuất thần, Huy còn được kỳ vọng sẽ giành Huy chương Vàng. Phần thưởng cứng mà đoàn thể thao Việt Nam treo 1 tấm Huy chương Vàng Thế vận hội lên đến 1 triệu USD. Riêng Liên đoàn Bắn súng Việt Nam treo thưởng mức này là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, Huy đã lỡ hẹn chuyến tàu đến Pháp mùa Hè này.

Ở môn thể dục, Đặng Ngọc Xuân Thiện là người có thành tích tốt nhất trong số 3 tuyển thủ dự Cúp Thế giới tại Qatar, từ 17 đến 20/4 khi vào chung kết và xếp hạng 7 chung cuộc nội dung ngựa tay quay. Hai gương mặt triển vọng khác Nguyễn Văn Khánh Phong và Trịnh Hải Khang không thể giành vé đến Pháp.

Với môn vật, Nguyễn Thị Xuân (hạng 50kg) và Nguyễn Thị Mỹ Trang (hạng 53kg) đã lọt vào tới bán kết giải vô địch châu Á diễn ra vào đầu tháng 4. Nhưng đến vòng loại Olympic 2024 của châu Á, diễn ra tại Bishkek (Kyrgyzstan), cả 2 đô vật Việt Nam đều dừng bước ngay sau trận đấu đầu tiên.

Thể thao Việt Nam được giao chỉ tiêu giành 12 - 15 suất đến Paris. Đến lúc này chúng ta đã có 9 suất. Trong tháng 5 và tháng 6, còn khoảng 10 cuộc đấu mang tính quyết định để các tuyển thủ nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu.

Lê Đức Phát tích lũy điểm để nhiều khả năng được dự Olympic 2024. Ảnh: INT.

Lê Đức Phát tích lũy điểm để nhiều khả năng được dự Olympic 2024. Ảnh: INT.

Với cục diện như hiện nay, khả năng vượt chỉ tiêu của thể thao Việt Nam gần như là không thể. Cái đích khả dĩ nhất là đạt chỉ tiêu tối thiểu, 12 suất và sẽ thành công nếu bảo đảm con số cao nhất của chỉ tiêu là 15 suất đến Pháp.

Bóng bàn là môn có hy vọng lớn nhất khi vòng loại Olympic 2024 được tổ chức riêng cho khu vực Đông Nam Á, diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 6 đến 8/5. Tại vòng loại này sẽ có 2 suất được trao cho nhà vô địch ở nội dung đơn nam và đơn nữ.

Cơ hội lớn mở ra cho các tay vợt Việt Nam trong cuộc đua với những đối thủ cùng khu vực. Hiện tại, 4 tay vợt xuất sắc nhất gồm Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Khoa Diệu Khánh (nữ) và Nguyễn Anh Tú, Đinh Anh Hoàng (nam) đang tập huấn tại Trung Quốc.

Các tuyển thủ Judo và bắn cung sẽ phải chờ đợi kết quả tính điểm sau khi toàn bộ các giải đấu trong hệ thống vòng loại Olympic 2024 kết thúc, dự kiến vào cuối tháng 6.

Điểm số đạt được sẽ quyết định khả năng giành vé và để lọt vào danh sách 64 tuyển thủ ở môn bắn cung và 34 võ sĩ ở môn Judo được trao quyền dự Olympic 2024. Điều đó đỏi hỏi các vận động viên Việt Nam phải duy trì thành tích khả quan ở các cuộc đấu tích điểm.

Ngoài ra, thêm một hy vọng có thể đem về suất dự Olympic 2024 ở môn cầu lông. Tay vợt Lê Đức Phát hiện xếp hạng 35 trong danh sách được Liên đoàn Cầu lông thế giới trao quyền dự Thế vận hội.

Các môn còn lại như vật, quyền Anh, điền kinh, mức độ cạnh tranh sẽ quyết liệt với các giải đấu ở quy mô thế giới. Để có thể đến Pháp, các vận động viên Việt Nam phải bảo đảm có mặt ở vòng bán kết hoặc chung kết trong các cuộc thi đấu đối kháng, hoặc thành tích trong top 16 thế giới ở nội dung tiếp sức 4x400 nữ ở môn điền kinh.

Nhưng tất cả chỉ dừng ở toan tính, bởi trên thực tế, thông số chuyên môn của các đội tuyển Việt Nam ở nhóm này chưa đạt tầm đi Olympic. Có chăng, chúng ta chờ đợi sự vượt ngưỡng “thần kỳ” nào đó cũng như hy vọng vào suất đặc cách như Trần Thị Nhi Yến, người dự kiến được “mời” tham dự Olympic Paris 2024 của điền kinh Việt Nam.

Tính đến hết cuối tháng 4, thể thao Việt Nam đã có 9 tuyển thủ giành quyền dự Olympic 2024, cụ thể gồm Nguyễn Thị Thật (nội dung đua xe đạp đường trường nữ), Trịnh Thu Vinh (10m súng ngắn hơi nữ, 25m súng ngắn thể thao nữ), Lê Thị Mộng Tuyền (10m súng trường hơi nữ), Nguyễn Huy Hoàng (800m tự do nam môn bơi), Võ Thị Kim Ánh (hạng 54kg nữ môn boxing), Trịnh Văn Vinh (hạng 61kg nam môn cử tạ), Nguyễn Thùy Linh (đơn nữ môn cầu lông), Nguyễn Thị Hương (200m C1 nữ môn canoeing) và Phạm Thị Huệ (thuyền đơn nữ hạng nặng môn rowing).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ