Điểm cao chẳng thể chủ quan

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng
Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Đặt nguyện vọng hiệu quả

Đạt 905 điểm kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức cuối tháng 3/2024, N. - học sinh lớp 12 tại TPHCM nằm trong nhóm khoảng 1.500 thí sinh có điểm cao nhất kỳ thi. Theo phổ điểm được công bố, trong số hơn 93.800 bài thi được chấm, điểm trung bình của thí sinh là 643,4 điểm; 80 thí sinh đạt trên 1.000 điểm (thang điểm 1.200).

Nam sinh tự tin đỗ vào ngành Hệ thống thông tin, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM). Năm ngoái, ngành này lấy điểm chuẩn 855 theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực. Đồng thời, với mức điểm đạt được ở kỳ thi đánh giá năng lực, N. cũng tự tin đỗ vào các ngành Hệ thống thông tin ở nhiều trường đại học khác theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực.

“Em nghĩ điểm chuẩn năm nay nếu có tăng cũng không nhiều, khoảng 10 - 20 điểm, bởi mức điểm ngành em kỳ vọng đã khá cao”, nam sinh chia sẻ và cho hay sẽ đặt tất cả nguyện vọng ngành Hệ thống thông tin ở các trường theo thứ tự yêu thích nhất từ trên xuống dưới trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, em cũng dự phòng một số ngành khác như Khoa học dữ liệu, Khoa học máy tính… ở những trường đại học tầm trung.

Giống như N., nhiều thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực có cảm giác “chắc suất” vào đại học, khi mức điểm giành được vượt xa điểm chuẩn những năm trước ở ngành đặt mục tiêu. Các em cho biết, thời gian này sẽ tập trung ôn tập tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Thi tốt nghiệp THPT được điểm cao cũng là cơ hội để vào đại học, phòng trừ trường hợp điểm chuẩn phương án thi đánh giá năng lực tăng mạnh. Việc tốt nghiệp THPT là điều kiện bắt buộc để vào đại học nên em phải cố gắng”, Đinh Trâm Anh (nữ sinh quận Tân Phú, TPHCM, giành 810 điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho rằng, thí sinh đạt điểm cao tại các kỳ thi đánh giá năng lực nên tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngay cả khi các em được công bố đủ điều kiện trúng tuyển đại học theo các phương thức xét tuyển sớm, Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn có ý nghĩa rất quan trọng.

“Phải tốt nghiệp THPT trước, đừng chủ quan khi đỗ đại học rồi chểnh mảng việc học hành. Các bạn đã đủ điều kiện trúng tuyển thì phải theo dõi thêm thông tin trên cổng thông tin của trường đại học, báo chính thống và nhất là cổng thông tin của Bộ GD&ĐT để nắm vững quy trình tuyển sinh đại học. Các em phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT”, ông Sơn nói.

Như những năm trước, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất và chỉ được trúng tuyển nguyện vọng duy nhất. Theo ThS Phạm Thái Sơn, nếu thí sinh tiếp tục đạt kết quả cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả kỳ thi này xét tuyển đại học, cần cân nhắc với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực trước đó.

“Nếu thí sinh tự tin với phương thức xét thi tốt nghiệp THPT ở ngành mình yêu thích hơn thì có thể đặt nguyện vọng đó lên vị trí cao nhất, nguyện vọng đã trúng bằng phương thức xét điểm thi năng lực ở thứ tự tiếp theo. Khi đó, thí sinh mới trúng tuyển những ngành nghề mình yêu thích nhất”, ông Sơn lưu ý.

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đợt 1 năm 2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đợt 1 năm 2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Phân biệt điểm sàn, chuẩn

Sau khi Đại học Quốc gia TPHCM công bố điểm thi kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024, nhiều trường đại học đã công bố mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn) theo phương thức xét điểm kỳ thi này. Ngày 19/4, Đại học Kinh tế TPHCM là một trong những trường công bố sớm với mức điểm sàn khá cao.

Theo đó, Đại học Kinh tế TPHCM quy định 3 mức điểm sàn, tùy từng ngành: 730 điểm; 700 điểm và 500 điểm. Trả lời thắc mắc của phụ huynh về điểm sàn phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, nhà trường chỉ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1/2024 của Đại học Quốc gia TPHCM.

Năm 2024, nhà trường dành 10% chỉ tiêu theo chương trình đào tạo để xét tuyển dựa theo phương thức này. “Ngưỡng điểm mà trường đưa ra là ngưỡng nộp hồ sơ, có thể hiểu đây là số điểm tối thiểu cần có để nộp hồ sơ vào các ngành mà nhà trường công bố. Ngưỡng điểm này không nói lên xác suất hay cơ hội nhiều hay ít để trúng tuyển”, ông Bảo nói.

ThS Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tài chính - Marketing cũng lưu ý học sinh cần phân biệt điểm chuẩn và điểm sàn. Năm nay, Trường Đại học Tài chính - Marketing có 6 phương thức xét tuyển. Hiện, trường thông báo về việc nhận hồ sơ cho 5 phương thức xét tuyển sớm từ ngày 22/4 (trừ phương thức xét điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT), trong đó có ngưỡng điểm sàn xét tuyển.

Cụ thể, với phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM, nhà trường nhận hồ sơ từ 700 điểm. Với phương thức xét học bạ THPT, điểm nhận hồ sơ từ mức 18. Riêng phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi V-SAT và Kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường sẽ công bố trong thời gian tới.

“Thí sinh cần lưu ý phân biệt giữa điểm sàn xét tuyển và điểm chuẩn trúng tuyển. Trong đó, điểm sàn là mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ, từ thực tế thí sinh đăng ký hội đồng tuyển sinh các trường mới xác định điểm chuẩn trúng tuyển từng ngành. Có trường hợp trường công bố điểm chuẩn bằng mức điểm sàn nhưng nhiều ngành có điểm chuẩn cao hơn điểm sàn. Thí sinh cần theo dõi thông tin cụ thể từng trường, tránh tình trạng bị nhầm lẫn giữa 2 ngưỡng điểm này”, ThS Phụng cho biết.

GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Đại học Kinh tế TPHCM) trao đổi: “Giả sử khi đến ngày công bố kết quả của các phương thức xét tuyển sớm, trường công bố thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào chương trình đào tạo Truyền thông số và Thiết kế đa phương tiện hoặc Luật kinh doanh quốc tế, thì đây chỉ là đủ điều kiện trúng tuyển, hoàn toàn chưa đỗ vào trường”.

Từ ví dụ này, theo ông Bảo, để chính thức trúng tuyển vào đại học, thí sinh cần thêm 2 điều kiện: Tốt nghiệp kỳ thi THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT; Phải đăng ký nguyện vọng trúng tuyển chương trình đào tạo trên cổng xét tuyển quốc gia ở thứ tự ưu tiên cao nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ