Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Sau nhiều tranh luận, cuối cùng Hạ viện Mỹ cũng thông qua dự luật viện trợ quân sự cho Ukraine, tiếp tế cho đồng minh đang cạn vũ khí trong cuộc đối đầu quân sự với Nga.

Trước diễn biến mới này, ngày 23/4 phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng đưa ra quan điểm chính thức của Nga khi tuyên bố rằng điều này sẽ không thể tạo ra khác biệt nào trên chiến trường và Ukraine sẽ vẫn thất bại. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tự tin rằng sau quyết định viện trợ thì Ukraine vẫn có cơ hội chiến thắng Nga.

Hồi kết của cuộc chiến với phần thắng sẽ nghiêng về bên nào trong cuộc xung đột hiện nay thì phải một thời gian dài nữa mới ngã ngũ, khi cả hai đã đối đầu dai dẳng suốt hơn 2 năm qua và đang ở giai đoạn chiến tranh tiêu hao. Tuy nhiên, có một điều gần như chắc chắn mà các nhà phân tích khẳng định là cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ tiếp tục khốc liệt sau khi Ukraine được bơm thêm viện trợ.

Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD. Trong số này có khoảng 23 tỷ USD sẽ được sử dụng để bổ sung vũ khí, khí tài dự trữ và cơ sở vật chất cho quân đội Ukraine từ kho vũ khí của Mỹ và gần 14 tỷ USD dùng để giúp Ukraine mua vũ khí hiện đại và các phương tiện phòng thủ từ các nước khác.

Điều này đồng nghĩa hơn một nửa trong số tiền gần 61 tỷ USD của gói viện trợ là dùng để bơm thêm vũ khí cho Ukraine. Khoản viện trợ này được Nhà Trắng đề xuất từ tháng 10 năm ngoái và hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua vì coi đây là vấn đề an ninh quốc gia.

Nhưng phải mất nửa năm tranh cãi cuối cùng dự luật này mới được phê chuẩn, phản ánh sự chia rẽ trong quan điểm ủng hộ cuộc chiến trong chính giới Mỹ, khác với sự đồng thuận của các đảng ở giai đoạn đầu xung đột.

Đại diện phát ngôn của phía Nga liên tục cho rằng quyết định viện trợ của Mỹ sẽ chỉ hủy hoại Ukraine hơn nữa khi kéo dài cuộc chiến và qua đó làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng toàn cầu. Trong khi đó, chiến trường Ukraine đang tiếp tục cho thấy đây thực sự là “lò xay” nhiều nhất các loại vũ khí tiên tiến trên thế giới hiện nay.

Trong cuộc đối đầu có phần hụt hơi trước Nga vốn có tiềm lực quân sự dồi dào hơn, quân đội Ukraine luôn rơi vào tình trạng thiếu hụt vũ khí đạn dược. Ngay trước khi Hạ viện Mỹ phê chuẩn viện trợ, Tổng thống Ukraine Zelensky thông báo với các đồng minh rằng nước này đang cần nhiều hơn hệ thống phòng không và tên lửa tầm xa để giảm thiệt hại nhân lực trên tiền tuyến.

Ông Zelensky cũng thừa nhận bối cảnh xung đột là quân đội Ukraine đang hứng chịu nhiều thương vong do thiếu vũ khí, nhất là vũ khí tầm xa. Với gói viện trợ khổng lồ mới, Ukraine sẽ được bơm thêm nhiều vũ khí đạn dược nhưng giới chuyên gia không mấy lạc quan về khả năng xoay chuyển tình thế của Ukraine trên chiến trường.

Quân đội Ukraine từng nhận nhiều đợt viện trợ quân sự của Mỹ và các đồng minh khác như Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản… để chuẩn bị cho cuộc phản công hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, kết quả đã không được như kỳ vọng khi nhiều chiến tuyến của Ukraine không những không được mở rộng mà bị sụp đổ ở một số cứ điểm thời gian gần đây. Do đó, các chuyên gia nhận định nhiều khả năng gói viện trợ mới chỉ có tác dụng khiến cuộc chiến thêm khốc liệt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ