Chế độ cán bộ Đoàn, Hội trường học còn nhiều bất cập

Chế độ cán bộ Đoàn, Hội trường học còn nhiều bất cập
Công tác Đoàn, Hội có vai trò rất lớn trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống cho HSSV. Ảnh: gdtd.vn
      Công tác Đoàn, Hội có vai trò rất lớn trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống cho HSSV. Ảnh: gdtd.vn

Cán bộ Đoàn, Hội trong nhà trường vẫn thiệt thòi

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc triển khai thực hiện Quyết định 61 tại nhiều tỉnh còn gặp khó khăn, vướng mắc; chưa đồng đều thống nhất giữa các trường do điều kiện mỗi trường khác nhau, đặc biệt có sự chênh lệch khác biệt giữa hai hệ đào tạo công lập và ngoài công lập, trong đó, các trường ngoài công lập thực hiện chậm, nhiều nơi thậm chí không thực hiện.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: gdtd.vn
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: gdtd.vn

Một ví dụ cụ thể như việc thực hiện chế độ giảm giờ, có trường áp dụng mức giảm giờ thấp hơn quy định hoặc mới chỉ tập trung vào việc giải quyết chế độ vượt giờ, cán bộ Đoàn vẫn phải đứng lớp với số tiết không giảm. Giải quyết chế độ thừa giờ cũng chưa có sự thống nhất. Điều đáng nói nhất là, đối tượng được giảm giờ, tính vượt giờ chưa nhất quán, mới tập trung thực hiện phần lớn với đội ngũ Bí thư Đoàn trường ; chế độ chính sách cho đội ngũ Phó Bí thư, Chủ tịch Hội LHTN, Hội Sinh viên VN được thực hiện rất chậm.

Tuy nhiên, được nhiều người quan tâm nhất, gây tranh cãi nhiều nhất vẫn là vấn đề phụ cấp cho  cán bộ Đoàn, Hội trong trường học. Sự chênh lệch về phụ cấp cho đội ngũ này có thể thấy rõ vì nó tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi trường. Đại diện trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành cho biết, hàng năm, trường chi khoảng 2,5 tỷ đồng cho công tác Đoàn, Hội và cái lợi trường thu được từ việc đầu tư này còn lớn hơn nhiều. ĐH Lạc Hồng mạnh tay trả 10 triệu đồng cho vị trí Bí thư Đoàn trường chưa tính lương. Thế nhưng, cũng có trường như ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thẳng thắn nói rằng, người làm công tác đoàn của trường chỉ là kiêm nhiệm và trường không có lương để trả cho chức vụ này...

Bộ GD&ĐT thống kê, có 2252 trường thực hiện quy định về phụ cấp cho cán bộ Đoàn, Hội, đạt tỷ lệ 83,96%. Một số trường quy định mức tiền cụ thể trợ cấp theo tháng cho cán bộ Đoàn, Hội giao động từ 100 đến 300 nghìn đồng/tháng. Một số trường chỉ tính hệ số phụ cấp ưu đãi cho cán bộ Đoàn, Hội như một số chức danh chuyên môn mà không tính hệ số phụ cấp ưu đãi ngành...

Cũng theo Bộ GD&ĐT, phần lớn các trường chưa thực hiện chế độ, chính sách cho các trường hợp Bí thư, Phó Bí thư Đoàn; Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội sinh viên; Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội LHTN VN cấp trường là sinh viên học sinh. Một số trường có thực hiện nhưng mới chỉ tập trung ở đối tượng giữ chức vụ Bí thư, Chủ tịch. Việc thực hiện về hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho tổ chức Đoàn, Hội hoạt động còn yếu, tỷ lệ các trường thực hiện thấp; phần lớn kinh phí hoạt động của các trường đều chưa được quy định cụ thể trong ngân sách của trường, việc hỗ trợ từ nhà trường đều mang tính thời vụ, kỳ cuộc theo cơ chế “xin- cho”...

Trên 90% các trường báo cáo chưa thực hiện tốt Quyết định 61 đưa ra nguyên nhân vì hạn chế về kinh phí.

Nên xác lập mức kinh phí tối thiểu cho hoạt động Đoàn – Hội

Để giải quyết vướng mắc trong hoạt động Đoàn, Hội, khuyến khích hoạt động này, nhiều đại biểu đã đưa ra những đề xuất như: Giảm học phí cho các cán bộ Đoàn, Hội là sinh viên; bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng như các Bí thư Liên chi Đoàn...; đưa vào Quyết định chỉ tiêu kinh phí hoạt động...

Riêng ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí Thư TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho rằng, nên xác lập mức kinh phí tối thiểu cho các cán bộ Đoàn, Hội, cho hoạt động Đoàn, Hội và khuyến khích các trường tùy điều kiện có thể có chế độ tốt hơn.

Nói về quan điểm khi chuyển đổi sang phương thức đào tạo tín chỉ, ông Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, cấp đoàn trường về nguyên tắc không thay đổi nhiều nhưng sẽ thay đổi nhiều ở cách tổ chức đoàn viên. Chi đoàn cũng không thể phá vỡ được, vấn đề là ta sẽ thiết lập như thế nào. Nhiều trường đào tạo tín chỉ vẫn lập chi đoàn theo khóa học của sinh viên. Ông Vinh cũng cho biết sẽ sớm ban hành hướng dẫn mô hình tổ chức Đoàn trong điều kiện đào tạo tín chỉ...

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động Đoàn, Hội trong trường học, Thứ trưởng Trần Quang Quý đồng thời yêu cầu các trường cần nhạy cảm, nhanh chóng thích nghi để thực hiện tốt công tác Đoàn, Hội trong điều kiện đào tạo tín chỉ; bám sát yêu cầu đổi mới quản lý giáo dục để điều chỉnh hoạt động cho phù hợp; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục thanh thiếu niên lòng yêu nước, giữ gìn bản sắc dân tộc, truyền thống đoàn kết, hiếu học...; tích cực tham gia thực hiện chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam...

Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để tiếp tục kiến nghị Chính phủ bổ sung, hoàn thiện các chính sách cho hoạt động Đoàn, Hội. Đặc biệt, Thứ trưởng cho biết sẽ đề nghị bổ sung thêm chế độ cho đối tượng HSSV làm công tác Đoàn, Hội; cố gắng tiến tới mỗi trường có một biên chế về công tác này. Riêng đối với các trường ngoài công lập, kể các các trường có yếu tố nước ngoài, Thứ trưởng đề nghị dành một phần kinh phí cho hoạt động Đoàn, Hội...

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ