Chàng trai không chân "đứng vững" với xà phòng thảo dược

GD&TĐ - Năm 18 tuổi, Nguyễn Văn Chung (SN 1984) mất đi đôi chân sau một vụ tai nạn. Bằng nghị lực, anh đã rèn luyện để trở thành một vận động viên bơi lội chuyên nghiệp.

Anh Chung nấu xà phòng thảo dược ngay tại hội chợ.
Anh Chung nấu xà phòng thảo dược ngay tại hội chợ.

Giải nghệ, Chung khởi nghiệp với xà phòng thảo dược. Qua bao khó khăn, giờ thương hiệu xà phòng thảo dược Sam-Sôn do anh gây dựng đã có chỗ đứng trên thị trường.

Mất đi đôi chân

Nguyễn Văn Chung sinh ra và lớn lên tại thôn Trần Phú, xã Minh Cường, huyện Thường Tín (Hà Nội) trong một gia đình thuần nông có sáu anh chị em. Chung là con út nên thường được gọi là Sáu Chung. Bố mất sớm, một mình mẹ anh gồng gánh nuôi sáu người con… Năm Chung 18 tuổi, tuổi đẹp nhất cuộc đời, thì tai họa ập đến.

Trong một lần đi làm đồng, gần Trạm bơm xã Minh Cường, Chung lặn xuống nước để vớt chiếc cờ-lê cho một người hàng xóm. Nước chảy xiết cuốn anh vào máy bơm, đôi chân của anh bị nghiền nát. Mọi người tức tốc đưa anh tới bệnh viện.

Biết tin con gặp tai nạn, mẹ anh như chết lặng. Bà chạy ngược chạy xuôi, vay mượn khắp nơi để có tiền chữa trị cho con. Chung phải cắt bỏ đôi chân đến bẹn. “Hai tuần ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, sáu tháng nằm liệt ở nhà, không còn thấy đôi chân, tôi rất tuyệt vọng.

Mọi người nhìn tôi với ánh mắt thương hại. Tôi từng nghĩ đến chuyện kết thúc cuộc đời như một sự giải thoát. Nhưng nghĩ về tình mẹ, tôi không cho phép bản thân vô trách nhiệm như thế - tôi phải sống. Người ta chỉ tập đi một lần trong đời, còn tôi sẽ tập đi hai lần”, anh Chung kể.

Tháng 11/2002, anh bắt đầu tập đi bằng chân giả tại Bệnh viện Bạch Mai. Nhưng chân giả làm đau và chảy máu nên sau đó anh đã tập đi bằng tay. Thấy Chung yêu thích thể thao, một số người gợi ý anh tham gia Câu lạc bộ (CLB) Thể thao khuyết tật Hà Nội để những người cùng cảnh ngộ động viên, giúp đỡ nhau.

Trong một lần tham gia lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật tổ chức tại Công viên nước Hồ Tây, nhìn thấy nước anh tự hỏi: “Không biết mình còn bơi được nữa không?”. Mất một lúc do dự, anh nhảy xuống nước vùng vẫy, lấy đôi tay thay chân để bơi ếch, thế là vẫn nổi và vào bờ được. Anh rất vui mừng.

Ngay sau khi tham gia CLB, Chung đã tập luyện nhiều môn như: Bơi, ném lao, đẩy tạ... để trở thành một vận động viên chuyên nghiệp. Mỗi ngày, dù mưa hay nắng, anh Chung đều tự lăn xe từ Bệnh viện Bạch Mai đến CLB ở phố Khúc Hạo để tập luyện, rồi lại tự quay về. Anh giỏi cả bộ môn ném lao - đẩy tạ và môn bơi.

Khi được gọi vào cả hai đội tuyển ném lao - đẩy tạ và bơi tham dự Para Games năm 2003 được tổ chức ở Hà Nội, Chung đã quyết định chọn bơi. Bởi, “vì bơi mà tôi mất đi đôi chân, vì vậy, tôi sẽ chọn bơi lội để bắt đầu lại cuộc sống”.

Sau đó, anh đã giành Huy chương Bạc và được thưởng 30 triệu đồng. Những năm tiếp theo, anh còn tham dự thêm các kỳ thi Para Games tại Philippines năm 2005, tại Thái Lan năm 2008 và Indonesia năm 2011 và giành được nhiều loại huy chương.

Anh Chung với các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Anh Chung với các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Khởi nghiệp với xà phòng

Xà phòng thảo dược Sam-Sôn đã có chỗ đứng trên thị trường.

Xà phòng thảo dược Sam-Sôn đã có chỗ đứng trên thị trường.

Chung kể, có một lần đi hội chợ bị khách cũ “mắng”. Bởi, vị khách sau khi dùng sản phẩm của anh thấy rất phù hợp nhưng lại không thể liên lạc để mua tiếp. Vị khách đó nói đã đi rất nhiều hội chợ tìm anh để mua sản phẩm mà không được...

Hơn chục năm làm vận động viên thể thao, Chung sống bằng tiền thưởng từ các giải đấu. Tuy nhiên, giống như các vận động viên khác, anh biết thi đấu thể thao “có tuổi” và cần phải kiếm nghề mưu sinh sau khi giải nghệ.

Chung dần làm quen với nhiều việc như: Giặt khô là hơi, chở hàng thuê, lau dọn nhà... Anh ấp ủ ý định trở thành huấn luyện viên thể thao. Tuy không còn tham gia thi đấu chuyên nghiệp, anh vẫn duy trì tập luyện tại CLB Thể thao khuyết tật Hà Nội.

Chung tình cờ quen một người bạn ở xóm trọ tên Vũ Trung Đức, khi đó, anh Đức đang là sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Thấy anh thường xuyên ngâm mình dưới nước bể bơi và hay bị mẩn ngứa, da khô nứt nẻ, rát...

Anh Đức đã tặng cho Chung bánh xà phòng, lọ tinh dầu handmade làm từ thảo dược để cải thiện da dẻ. Dùng thử, Chung thấy làn da mềm mại hẳn và không còn cảm giác khó chịu, nứt nẻ. Gác lại dự định làm huấn luyện viên, Chung nuôi ý định khởi nghiệp với xà phòng thảo dược tập trung vào hai tiêu chí: Xà phòng an toàn cho da nhạy cảm và thân thiện với môi trường.

Thế rồi, với sự giúp đỡ và chia sẻ công thức sản xuất của anh Đức, Chung đã miệt mài nấu thử xà phòng với số vốn ít ỏi tích lũy được sau bao năm thi đấu thể thao. Anh tìm mua các loại thảo dược như dầu dừa, bồ hòn, bột nghệ, dầu cọ, mật ong, mướp đắng... nấu những mẻ xà phòng đầu tiên. Ban đầu, anh đã nấu hỏng nhiều mẻ, đổ đi khá nhiều… tiền.

Mỗi lần như thế, anh lại rút ra được kinh nghiệm để kiên trì hơn. “Công đoạn nấu là khâu khó nhất. Nhiệt độ phải vừa đủ, ngồi canh liên tục cho phôi tan ra rồi mới cho nguyên liệu vào. Để sôi quá thì nhão xà bông, lơ là để phôi tràn ra thì coi như mẻ đó hỏng. Phải mất chừng một năm tôi mới thành thạo được việc nấu”, anh Chung cho biết.

Nhắc lại quãng thời gian một năm “học nghề”, anh tỏ ra rất lạc quan rằng “tôi thấy cũng bình thường chứ không phải gian nan hay khổ luyện”. Ra được thành phẩm nhưng để khách hàng yêu thích và chấp nhận lại là một việc khác. Xà phòng thảo dược ít bọt khiến ban đầu ngay cả người thân, bạn bè anh đều không có nhiều ấn tượng.

Chung nói với anh Đức: “Tại sao không cho thêm chất tạo bọt vào?”. Anh Đức bảo: “Muốn nhiều bọt thì phải cho thêm hóa chất và như thế không còn là xà phòng thiên nhiên 100% nữa”. Chính câu nói đó khiến anh quyết tâm theo đuổi sản phẩm thiên nhiên tinh khiết, tuyệt đối không sử dụng hóa chất hay chất tạo bọt.

Nói về sản phẩm “thân thiện với môi trường”, Chung cho biết: Ngoài việc hiệu quả cải thiện da, tôi thấy môi trường sống ngày một bị ô nhiễm nặng do sản phẩm công nghiệp quá nhiều hóa chất, chất tạo mùi tạo màu, những chất đó làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và hủy hoại môi trường.

Tôi chọn khởi nghiệp với dòng xà phòng thảo dược này để cùng mọi người bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Để tiếp cận khách hàng, Chung tìm đến các hội chợ. Lần đầu tiên anh đi hội chợ ở công viên Thống Nhất khoảng gần chục năm trước. Nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng, anh mang nguyên liệu, nồi xoong, chảo nấu trực tiếp xà phòng thảo dược cho khách xem. Cắt bánh xà phòng ra đến đâu bán hết ngay đến đó.

Tuy nhiên, lúc đó sản phẩm chưa có bao bì - thương hiệu nên chẳng ai biết, ai nhớ. Họ chỉ nhớ xà phòng thảo dược của một chàng trai khuyết tật. Không dừng lại ở các sản phẩm chăm sóc da cho người lớn Chung còn nghiên cứu để sản xuất xà bông cho trẻ em làm từ muối đun ở nhiệt độ cao. Sản phẩm này phù hợp với trẻ em bị rôm sảy, mẩn ngứa, mề đay và rất an toàn.

Năm 2015, anh bắt đầu thành lập xưởng sản xuất xà phòng thảo dược và làm thương hiệu cho sản phẩm - bán hàng trên các kênh mạng xã hội. Việc đặt tên cho sản phẩm xà phòng thảo dược cũng liên quan rất nhiều đến cuộc đời anh Chung.

“Sam-Sôn vốn là một nhân vật trong Kinh Thánh, từng phải trải qua rất nhiều thử thách của Chúa giống như tôi phải trải qua nhiều thử thách trong đời, đặc biệt là sau khi mất đi đôi chân. Tôi thấy giữa chúng tôi có sự tương đồng. Vì vậy, tôi quyết định đặt tên cho sản phẩm là Sam-Sôn”, anh Chung nói.

Lan tỏa lòng nhân ái

Chàng trai không chân "đứng vững" với xà phòng thảo dược ảnh 3

Bản thân là người khuyết tật, đi lại khó khăn nhưng Chung luôn cố gắng tự làm mọi việc để không phải phiền đến ai. Thời gian đầu mở xưởng, anh tự làm từ A đến Z: Tìm nguồn nguyên liệu, nấu, bán hàng - giao hàng, quảng cáo thương hiệu... Đến nay, xưởng của anh đã có hàng chục lao động và một khu dược liệu được trồng tại hợp tác xã ở Ninh Bình. Doanh thu những năm trước khi dịch bệnh xảy ra của anh Chung dao động ở mức 400 - 500 triệu đồng/năm.

Hễ thấy ai khó khăn, anh Chung đều cố gắng giúp đỡ. Như trong đợt dịch Covid-19, anh đã giúp đỡ một số người bị kẹt lại Hà Nội có chỗ ăn, ở qua mấy tháng giãn cách xã hội. Chung bảo: “Tôi chẳng giàu có gì nhưng hễ cứ thấy ai khó khăn là tôi lại muốn giúp đỡ họ được chút nào hay chút ấy. Lúc thì yến gạo, lúc thì ít nhu yếu phẩm, hoặc vài trăm nghìn cho họ qua cái khó khăn trước mắt”.

Chia sẻ về dự định sắp tới, anh cho biết, giờ dịch bệnh đã được kiểm soát nên sẽ lại tham gia bán hàng ở các hội chợ. Thị trường chính của anh ở TPHCM, Đà Nẵng, Đà Lạt... Hiện, có một đối tác đang muốn cùng anh đưa xà phòng Sam-Sôn sang thị trường châu Âu phục vụ tại các khách sạn. Anh rất hy vọng việc này sớm được hiện thực hóa.

Chung tâm sự, anh không còn tiếc nuối phần cơ thể mất đi ngày xưa nữa, cũng không cho rằng mình thiệt thòi. Giờ anh luôn lạc quan trong cuộc sống và tập trung vào công việc, giúp đỡ những người thiếu may mắn quanh mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.