Những người khuyết tật tỏa sáng

GD&TĐ - Người lành lặn để thành công cần cả quá trình rèn luyện miệt mài. Còn đối với người khuyết tật, thành công không chỉ là nghị lực phi thường mà còn là cả một cuộc đời tỏa sáng.

Anh Trần Tuấn Kiệt.
Anh Trần Tuấn Kiệt.

Đoàn Ngọc Bảo tỏa sáng bằng… một chân

Đoàn Ngọc Bảo (sinh năm 1993) sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghiệp ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Từ khi mới sinh, chân trái Bảo đã bị vẹo. Cả gia đình đều hy vọng qua phẫu thuật, chân Bảo sẽ chuyển biến tốt hơn.

Nhưng qua nhiều lần phẫu thuật, chân trái của Bảo lại càng có nhiều di chứng, cuối cùng gộp lại thành rất nhiều bệnh như: Phù chân voi, tắc mạch máu, mọt xương, không có mắt cá.

Khi là học sinh THCS, Ngọc Bảo ước mơ được lành lặn giống bạn bè. Nhưng cuối cùng đổi lại là sự thất vọng. Anh tâm sự: “Ngày bé thấy buồn lắm! Làm việc gì cũng phiền đến anh chị. Ngay cả đi đến trường cũng phải nhờ đến bạn bè trong xóm đưa đi giúp. Tôi cảm thấy mình là gánh nặng cho mọi người”.

Năm lớp 10, kinh tế gia đình khó khăn, trường lại quá xa nhà khiến quá trình đi lại của Bảo gặp nhiều gian khó. Anh quyết định nghỉ học để phụ giúp gia đình. Anh bắt đầu bằng việc làm tăm. Dù công việc khá ổn định, nhưng lại không phải là sở thích của Ngọc Bảo. Anh đắn đo lựa chọn chuyển sang nghề mới.

Năm 2010, Ngọc Bảo gom hết số tiền dành dụm mở một cửa tiệm kinh doanh ăn uống. Nhưng do nhiều yếu tố, quán cũng không được như mong đợi nên phải ngừng buôn bán.

Năm 2012, anh được một tổ chức từ thiện tài trợ sang Hàn Quốc phẫu thuật cắt bỏ chân giúp cho việc di chuyển dễ dàng hơn. Từ đó, anh bắt đầu tập luyện thể thao để rèn luyện sức khỏe.

Sau một thời gian thích ứng với việc hoạt động chỉ bằng một chân, cơ duyên may mắn đã đến với Đoàn Ngọc Bảo. Anh trở thành vận động viên của đoàn thể thao Việt Nam tham gia tập huấn trượt băng ở Hàn Quốc để tham dự Thế vận hội năm 2018 dành cho người khuyết tật.

Anh Đoàn Ngọc Bảo.
Anh Đoàn Ngọc Bảo.

Tình yêu thể thao của Đoàn Ngọc Bảo lại càng được nhân lên. Anh vui vẻ nói, bây giờ thể thao đã trở thành máu thịt, một ngày mà không luyện tập sẽ rất bứt rứt khó chịu.

Đoàn Ngọc Bảo chính thức hoạt động thể thao chuyên nghiệp từ năm 2015 với môn trượt patin tại sân trượt của quận Bình Thạnh (TPHCM). Mỗi buổi sáng, Bảo đều mang giày ra sân tập, khởi động bằng những động tác giữ thăng bằng rồi đến những động tác khó hơn.

Ban đầu ngã liên tục, vì khối lượng chân giả lên tới 3,5 kg nên cử động khớp gối rất khó khăn. Tuy nhiên, Ngọc Bảo vẫn luôn kiên trì tập luyện, đến nay Ngọc Bảo đã không cần dùng chân giả mà chỉ dùng một chân vẫn biểu diễn patin điệu nghệ.

Đoàn Ngọc Bảo chia sẻ: “Tôi mất bảy ngày để làm quen với đôi giày patin và hơn nửa tháng để có thể di chuyển mà không ngã. Nhiều bạn trẻ đến tập trượt được vài bữa đã bỏ về vì chịu không nổi những cú ngã đau điếng. Thế nhưng họ thấy tôi dù ngã vẫn đứng dậy tập tiếp, đã tò mò kéo nhau đến xem rồi kiên trì tập cùng. Thấy vậy tôi cũng cảm thấy mình được tiếp thêm sức mạnh”.

Giữ thăng bằng trên đôi giày patin, cũng như việc giữ cân bằng trong cuộc sống, rất khó khăn nhưng nếu có quyết tâm thì chắc chắn sẽ sớm làm chủ được mình. Ngọc Bảo không may mắn để có một cơ thể lành lặn nhưng không vì thế mà anh đầu hàng số phận. Từ việc chơi patin, Bảo bắt đầu học leo cột, leo núi giả, leo xà đơn và bơi lội. Nhờ sự lạc quan, kiên trì mà giờ Ngọc Bảo cũng trở thành một kình ngư.

Anh Quách Tiến Huy – một trong những huấn luyện viên môn patin của Đoàn Ngọc Bảo cho biết: “Lúc đầu tôi nghĩ Bảo không trượt được. Bởi người trượt hai chân đã khó mà Bảo lại chỉ có một chân. Nhưng cậu ấy mạnh mẽ khẳng định với tôi là sẽ làm được.

Nhờ ý chí đó, tôi đã kèm cặp hết mình. Mới chỉ hai, ba ngày mà Bảo đã trượt thành thạo. Nhiều lần nhìn Bảo ngã, tôi cũng thấy đau thay. Thấy vậy tôi khuyên Bảo không nên trượt dốc cao nhưng cứng đầu lắm, vẫn kiên trì học nhờ thế mà cậu ấy trở thành một vận động viên giỏi như hôm nay”.

Trong những năm gần đây, Đoàn Ngọc Bảo đã trở thành một vận động viên giỏi của hội thể thao những người khuyết tật Việt Nam. Anh tham gia Para Games trượt tuyết 2015 – 2016. Chàng trai trẻ cũng tự tin tham gia chương trình Không giới hạn Sasuke Việt Nam 2016 – 2017.

Bên cạnh đó, anh còn tham gia hội thảo “Sửa đổi quyền của người chưa thành niên” trong Bộ luật Lao động; các giải chạy ủng hộ cho người có hoàn cảnh khó khăn... Anh còn tham gia nhiều chương trình truyền hình về tinh thần và nghị lực sống lạc quan, tích cực truyền cảm hứng tới cộng đồng. Năm 2021, anh được vinh danh trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”.

Những người khuyết tật tỏa sáng ảnh 2

Đặc biệt, anh Bảo còn trở thành người khuyết tật đầu tiên và duy nhất tham gia Liên đoàn trượt băng Việt Nam năm 2018 – 2019. Đồng thời xây dựng dự án kết nối cộng đồng, dạy patin miễn phí cho người khuyết tật mất một chi và khiếm thính. Theo anh, mục đích chương trình nhằm truyền cảm hứng, tạo sự tự tin cho người khuyết tật cũng như mang lại giá trị cho cộng đồng.

“Con học giỏi thì không ai dám trêu”

Những người khuyết tật tỏa sáng ảnh 3

Bằng nghị lực và phấn đấu, anh Trần Tuấn Kiệt (sinh năm 1983, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đã hoàn thành việc học và trang trải kinh tế cho gia đình dù phải đi lại bằng xe lăn.

Trần Tuấn Kiệt kể, năm lên 3 tuổi, bỗng dưng căn bệnh quái ác viêm tủy cắt ngang, liệt dây thần kinh vận động đã khiến anh phải ngồi xe lăn, không thể đi lại bình thường. Dù bố mẹ đã bán những thứ gì có thể của một gia đình nhà nông nghèo để chạy chữa cho con nhưng đều vô vọng. Tưởng chừng cuộc đời anh sẽ trôi qua trong sự buồn tẻ thì năm 7 tuổi, bố mẹ anh động viên con đi học.

Con đường đến trường học cách nhà anh 1,5km. Nhà nghèo không có xe đạp nên dù nắng hay mưa bố mẹ vẫn thay phiên nhau cõng anh đến trường. Học được một thời gian, anh muốn xin nghỉ học vì nghĩ đến lời hàng xóm khuyên can bố mẹ: “Nó đã bị như thế rồi thì cho đi học làm gì”. Rồi những lời trêu chọc của bạn bè, cũng như nỗi sợ hãi khi ngồi một mình ở trường để chờ có người đến đón về.

Bố mẹ anh động viên: “Con học giỏi thì không ai dám trêu con”. Thương bố mẹ, anh chú tâm vào việc học. Quả thực với những thành tích học tập của mình, bạn bè kính nể, thầy cô luôn lấy anh ra làm gương cho các bạn khác noi theo. Trong 3 cấp học, anh luôn duy trì thành tích học tập xuất sắc.

Năm 2001, anh nhận được tin vui khi đậu vào Khoa Toán - Lý, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Để có tiền cho anh nhập học, bố mẹ đã phải bán đôi nhẫn kỷ niệm ngày cưới. Anh tính chuyện đi làm thêm, nhưng khi tìm đến nơi xin việc, họ nhìn đôi chân tật nguyền của anh và lắc đầu.

Chán nản, được 1 năm, anh bỏ học về quê. Ở nhà, nhìn các em nheo nhóc, anh quyết định lên TP Quảng Ngãi thi và đậu vào Khoa Tin học, Trường Cao đẳng Cộng đồng Quảng Ngãi rồi tốt nghiệp với tấm bằng loại Khá.

Sau những bôn ba, anh tiếp tục học Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cơ sở miền Trung và Trường Đại học Khoa học Huế liên kết đào tạo tại Quảng Ngãi. Thời gian này, Trần Tuấn Kiệt phải đi làm gia sư để kiếm thêm tiền trang trải.

Gia đình nghèo khó, bà nội bị tai biến, mẹ bị thần kinh tọa, bố thì già yếu và một em đang phải sống cuộc sống thực vật. Cuộc sống tưởng như màn đêm không tìm thấy đường đi. Thế nhưng, với những con người có nghị lực phi thường, họ sẽ tự tìm đường để tiến về phía trước.

“Vừa học vừa làm thêm, nhưng tôi cũng gom góp tiền để cho bố mẹ sửa lại căn nhà cấp 4. Cũng phải mất hơn 1 năm, căn nhà mới hoàn thành. Trong suốt những năm đi học cho đến nay, ngoài việc lo trang trải kinh phí đi học và sinh hoạt của bản thân, tôi còn phụ giúp kinh tế cho ba mẹ và nuôi 2 em ăn học. Nhưng tôi coi đó là trách nhiệm và mục tiêu trong cuộc sống của mình nên thấy rất có ý nghĩa”, anh Kiệt nói.

Năm 2007, sau nhiều năm đi dạy kèm tại nhà học sinh, anh Kiệt mở lớp dạy tại nhà mình đồng thời dạy miễn phí cho trẻ khuyết tật và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Vừa học, vừa làm nhưng anh không sao nhãng việc học. Cũng trong năm này, anh đứng ra thành lập và làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người khuyết tật.

Bằng nguồn quỹ do các thành viên tự nguyện đóng và vận động từ các tổ chức cá nhân, anh cùng Câu lạc bộ thường xuyên thăm hỏi động viên người khuyết tật, tổ chức vui Trung thu, ngày tựu trường cho trẻ khuyết tật….

Nhìn thấy anh chị em khuyết tật trong câu lạc bộ của mình không có nghề nghiệp và thu nhập, anh đã cùng một vài anh em chung vốn mở cửa hàng photo vi tính cho người khuyết tật. Tại đây, anh vừa là kỹ thuật chính, vừa là người đào tạo hướng dẫn cho các anh chị em khuyết tật.

Với những đóng góp của mình, anh Kiệt vinh dự nhận Bằng khen của Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Bằng khen của Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, Giấy khen của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ngãi và được vinh danh trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ