Giá trị của người khuyết tật
Ông Lê Việt Cường là Giám đốc HTX Vụn (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội). Ông Cường cùng với hơn 20 thành viên đang sản xuất hơn 2.500 sản phẩm túi vải cho kịp tiến độ. Có khoảng 30 giáo viên mầm non trên địa bàn đã tới giúp đỡ HTX trong một số khâu để hoàn thiện sản phẩm.
Ông Cường tâm sự: “Bản thân tôi từ nhỏ đã bị căn bệnh bại liệt nên cũng trở thành người khuyết tật. Là cử nhân ngành Toán Tin nhưng khi ra trường không xin được việc làm, tôi đã làm qua nhiều công việc khác nhau. Mô hình Vụn Art đến nay đã hình thành và phát triển được hơn 4 năm.
Trước đó, tôi đã cho ra đời một doanh nghiệp tư nhân làm thú nhồi bông và tuyển dụng những người khuyết tật vào làm việc. Tư duy của chúng tôi là NKT nhưng sản phẩm không khuyết tật. Tuy nhiên, sản phẩm khó làm và bị cạnh tranh gay gắt nên tôi nghĩ rằng cần lập một mô hình mới, mang đến nhiều việc làm hơn cho người khuyết tật…”.
Giám đốc Vụn Art cũng cho hay, các hoạt động chính của HTX hiện nay là sản xuất ra những sản phẩm thủ công từ lụa, trong đó có thể kể tới như tranh ghép lụa, các sản phẩm liên quan đến vải mà ghép được lụa.
Mỗi sản phẩm tại đây còn là một câu chuyện hướng đến những giá trị nhân văn, giúp cho doanh nghiệp phát triển thêm các dòng sản phẩm mới như: Túi vải, áo phông, áo dài, ví vải... Các sản phẩm này đủ sức đáp ứng về chuyên môn kỹ thuật cho những đơn hàng quốc tế.
Sản phẩm của Vụn Art đã nhận được 4 sao của chương trình OCOP Hà Nội năm 2019 và được UNESCO đánh giá là một trong những mô hình sáng tạo về văn hóa và giải quyết việc làm bền vững cho NKT cần được nhân rộng. Thông qua mô hình này, người khuyết tật có thể khẳng định được giá trị của bản thân mình.
Gian nan quá trình tìm chất kết dính
Nói về việc chọn tên của HTX là “Vụn”, ông Cường phân tích, điều này có ý nghĩa: Mỗi người khuyết tật giống như một mảnh vải vụn nhỏ. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng giống như chất keo kết dính mọi ngươi lại thành mảng lớn hơn. Khi chúng ta ghép thành miếng vải lớn thì trên miếng vải đó sẽ vẽ được giấc mơ của mình. Khi đó không còn là miếng vải vụn bé nhỏ nữa.
Ông Lê Việt Cường kể về quá trình phát triển sản phẩm của HTX. Đầu tiên là làm tranh. Xác định đây là nghề dành cho người khuyết tật chứ không đào tạo người khuyết tật trở thành họa sĩ, ông chọn ghép tranh dân gian bằng lụa và giữ nguyên mẫu. Nhưng những ngày đầu tay nghề của các bạn chưa hoàn thiện, tranh không bán được, trong suốt 11 tháng không có doanh thu, đầu ra rất thấp.
Tháng 3/2019, ông với một người bạn có ý tưởng sẽ làm túi. Nhưng ghép lụa lên túi phải giặt được vì nếu không giặt được thì cũng như bức tranh. Thế rồi, khi phát triển dòng sản phẩm tiêu hao thì giặt như thế nào và keo lấy ở đâu cũng là trăn trở của ông.
“Sau những lần thất bại trong việc tìm chất liệu kết dính, tôi đã ngồi rất nhiều lần ở các cửa hàng dán decan trên áo phông. Họ nói dán lên lụa là chất liệu khó nhất. Tháng 9/2019, sau rất nhiều người giới thiệu, một anh bạn cung cấp loại keo cho ngành may mặc đã giúp tôi tìm ra một loại keo có thể cho vào máy giặt 5 lần mà không bị bung.
Tôi đã gọi điện cho giám đốc của một hãng thời trang, bên đó có các phòng lap để nghiên cứu về chất liệu để nhờ xem giặt như thế nào, định lượng bám keo ra sao. Sau khi điều chỉnh nhiệt độ và thời gian, lần đầu giặt 21 lần không bung, sau này giặt bình thường. Tôi mừng quá, về nói chuyện với anh Trường.
Sau đó, quận hỗ trợ 50% tiền mua máy cắt lazer, còn máy ép tôi mua chịu của anh bán keo. Cái máy ép 40 triệu đồng, nhóm người khuyết tật ở gia đình làm gì có tiền, tôi đã nghĩ cái bàn là để các bạn ép dính cho lụa ăn keo, khi ghép tranh hoàn tất mới mang sang ép chết” – ông Cường nhớ lại.
Là giáo viên Trường Mầm non Hoa Mai tới hỗ trợ Vụn Art từ gần hai tuần nay, cô Bích Diệp tâm sự: “Việc phối hợp, hỗ trợ Hội người khuyết tật quận Hà Đông tạo nên những sản phẩm có giá trị nghệ thuật như lần này đối với tôi là một trải nghiệm đặc biệt.
Từ những mảnh vải vụn, qua các khâu vẽ, cắt, dán và tạo hình thủ công, những chiếc túi nhỏ xinh xắn đã được ra đời. Những sản phẩm này vừa có giá trị nghệ thuật, vừa thân thiện với môi trường và mang đậm nét đặc trưng của làng lụa Vạn Phúc yêu thương.
Đặc biệt hơn nữa, sản phẩm được tạo nên bởi những người khuyết tật, mặc dù cơ thể họ không may có khiếm khuyết nhưng qua thời gian làm việc cùng, tôi nhận thấy họ thật sự rất thân thiện và khéo tay. Tôi mong rằng, họ sẽ luôn đặt niềm tin vào cuộc sống, luôn giữ được tâm hồn đẹp đẽ như bây giờ để cống hiến cho quê hương, cho cộng đồng”.
Theo đại diện người khuyết tật Vụn, việc kết nối đầu ra đóng vai trò vô cùng quan trọng. Yếu tố xã hội chỉ là một phần để cộng hưởng trong đó. Trải qua nhiều khó khăn, gian nan nhưng đến nay, HTX Vụn đã cung cấp sản phẩm cho trên dưới 20 doanh nghiệp với những sản phẩm bền đẹp và mang tính nghệ thuật.
Đại sứ quán Mỹ đã từng đặt mua 1.500 sản phẩm, Vụn Art cũng có 400 sản phẩm kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt – Mỹ vào năm 2020.