Nghị lực vươn lên
Sinh ra trong một gia đình nghèo đông con ở thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), Ngọc - người con thứ ba đã không may mắn khi phải gánh chịu căn bệnh ung thư tủy.
Nửa năm trở lại đây, Ngọc sống cùng căn bệnh quái ác nhưng không buông tay hoặc rơi vào bế tắc, Ngọc thậm chí còn mang lại nhiều niềm vui cho mọi người vì những việc làm tốt đẹp.
Tốt nghiệp THPT, Ngọc thi đỗ vào trường Đại học Quảng Bình nhưng do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn nên Ngọc đành phải gác lại ước mơ.
Một năm sau, tinh thần ham học lại trỗi dậy trong con người chàng trai miền Trung, Ngọc nộp hồ sơ dự thi vào Trường Cao đẳng Truyền hình ở Hà Nội và kết quả là cậu cầm trên tay tờ giấy trúng tuyển.
Bắc tiến, Ngọc tạm xa gia đình và bỏ lại những công việc làng quê, hành trang Ngọc mang theo mình là ý chí tự lực và quan điểm sống thoải mái, yêu đời.
Trong suốt những năm tháng sinh viên, Ngọc không xin bất cứ một khoản trợ cấp nào từ gia đình, cậu vừa học vừa làm thêm lấy tiền trang trải cho cuộc sống, đóng các khoản học phí và làm tình nguyện.
Ngọc chia sẻ, khi biết tin mình mắc bệnh ung thư tủy, Ngọc không tin đó là sự thật, đau khổ buồn chán đóng cửa mấy ngày liền không liên lạc với ai. Đã có những lúc Ngọc muốn buông xuôi, nhưng lý trí không cho phép cậu làm vậy. Bởi Ngọc còn nhiều việc dang dở chưa làm.
Rồi một ngày chợt nhận ra giá trị cuộc sống, Ngọc bắt đầu suy nghĩ lạc quan, yêu đời hơn.
“Hình ảnh những em bé vùng cao trong ngày lạnh giá không có đủ áo ấm, những con người kém may mắn không có đủ ăn rồi cuộc sống khổ cực của những người đã gặp trong chuyến đi thiện nguyện khiến tôi thay đổi suy nghĩ; tạo động lực cho tôi đứng dậy và bước tiếp trong những ngày tháng khỏe mạnh” - Ngọc tâm sự.
Vì "Quảng Bình quê ta ơi"
|
Bữa trưa vội của Nguyễn Bảo Ngọc |
Ngọc lên kế hoạch làm từ thiện để gây quỹ cho người dân Minh Hóa trong chương trình “Quảng Bình quê ta ơi”. Những đồng tiền tích góp từ công việc làm thêm, quỹ tiền, đồ dùng, quần áo của bạn bè quyên góp đã giúp Ngọc tổ chức được nhiều chương trình từ thiện.
Để tăng quỹ hoạt động, sinh viên nghèo Nguyễn Bảo Ngọc bắt đầu tham gia chạy xe ôm với nhóm sinh viên Trường Đại học Công Nghiệp.
Dù mệt nhọc nhưng Ngọc vẫn thức dậy từ 5 giờ sáng, chạy xe từ Thường Tín lên cổng trường Đại học Công Nghiệp đợi khách và kết thúc ngày làm việc của mình trở về phòng trọ khi đồng hồ điểm 2 giờ sáng. Mới đầu hình ảnh chàng trai với tấm biển “Tôi xe ôm” khiến mọi người hết sức ngạc nhiên, có người còn e dè nhưng rồi ai cũng quen dần với hình ảnh của Ngọc. Hầu như khách mà Ngọc chở đều là sinh viên nên giá cả là tùy tâm.
Ngọc cho biết: “Có lúc mình không lấy tiền, còn lại tùy khách trả, thường từ 30 đến 50 nghìn đồng, tính tới nay cả vốn lẫn lãi mình được 700 nghìn đồng. Biết không đáng là bao nhưng công sức mình bỏ ra kiếm được những đồng tiền đó mình thấy ý nghĩa và hạnh phúc".
Để kiếm được số tiền trên làm từ thiện là cả niềm vui lẫn nước mắt của Ngọc, bởi cái lạnh khiến nhiều hôm cậu bị ngất do sức khỏe yếu, hay đau đầu và choáng váng.
Chia sẻ về quá trình làm xe ôm, Ngọc cho biết: “Chưa bao giờ mình nghĩ mình sẽ làm xe ôm, là người không thuộc đường Hà Nội, đôi khi khách gọi điện đến đón tìm mãi mới ra được chỗ.
Kỷ niệm khiến mình nhớ nhất là ngày thứ hai vào vai xe ôm, có khách thuê mình trở hàng hóa cồng kềnh, bị đổ mấy lần phải mất gần tiếng mình mới mang hàng đến được cho khách dù cách có 10 km”.
Ngoài chở khách, Ngọc còn kêu gọi bạn bè quyên góp quần áo, chăn màn để tặng cho những người dân ở Minh Hóa. Toàn bộ số tiền và quần áo quyên góp được Ngọc đều trao lại cho chương trình “Quảng Bình quê ta ơi”.
Khi nói về chương trình tình nguyện, ánh mắt của Ngọc chứa đựng bao nhiêu niềm khát khao được sống, được cống hiến và được hưởng hạnh phúc. Có lẽ, đằng sau ánh mắt sáng và nụ cười ngại ngùng, Ngọc đã giấu đi nỗi buồn đau đáu về căn bệnh quái ác của mình.
Theo giaothongvantai.com.vn