Là tác giả của hàng nhìn bức ảnh về Hà Nội khiến người xem say mê, thổn thức nhưng Cao Anh Tuấn chưa dám nhận mình là nhiếp ảnh gia. Tuấn vẫn nghĩ mình là người nhìn mảnh đất kinh kì bằng con mắt của một kẻ si tình, yêu cuồng nhiệt, tha thiết và có phần… tôn thờ.
Tuấn ví: “Nếu như Sài Gòn là một cô gái hiện đại, trẻ trung; Huế là một thiếu nữ dịu dàng, thùy mị thì với tôi, Hà Nội như một người phụ nữ ngoài 30 tuổi, đằm thắm, quyến rũ và đầy bí ẩn”.
Hiện là Giám đốc kinh doanh của một ngân hàng tại Hà Nội nhưng nhiếp ảnh là một phần máu thịt trong cuộc sống của Tuấn.
Năm 2006, Cao Anh Tuấn sang Pháp theo đuổi bằng thạc sĩ. Anh chàng “ham chơi” tận dụng khoảng thời gian này đi du lịch ở nhiều nước châu Âu. Tuấn bắt đầu đam mê cầm máy để lưu lại những cảm xúc, khoảnh khắc nơi mình qua.
Trở về Việt Nam, nỗi nhớ Hà Nội vỡ òa. Tuấn chụp “ngấu nghiến” mảnh đất “chôn rau, cắt rốn” như một nụ hôn nồng cháy cho thỏa bao cách xa, nhung nhớ…
“Tôi chụp Hà Nội một cách bản năng, bằng tình yêu thực tại và cả hoài niệm tuổi thơ ngấm trong máu. Tôi luôn tìm tòi để làm chủ về mặt kỹ thuật nhưng trong nghệ thuật, kỹ thuật không phải là tất cả” -Tuấn nói.
Nhìn ảnh của Cao Anh Tuấn, người xem bị “hớp hồn” bởi “chất” Hà Nội, trầm mặc, bình dị, hoài cổ… Nhiều người đồ rằng, phải chăng, tác giả đang cố gắng níu giữ Hà Nội nguyên sơ với bề dày văn hóa?
Chất riêng của Hà Nội qua ống kính chàng giám đốc đẹp như một bức tranh lắng đọng cả sự suy tư, trong trẻo, lơ đãng, ấm áp mà rất đỗi nồng nàn.
Đó đơn giản là những góc rêu phong, quán cóc vỉa hè, tà áo dài, gánh hàng hoa hay nếp sống thường ngày của người Hà Nội. Tuấn hiếm khi dàn dựng cảnh mà thường chịu khó quan sát và rất có duyên khi luôn “chớp” được những khoảnh khắc rất thật.
Là một 8x đời đầu (SN 1980) sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Gai, chứng kiến mảnh đất kinh kì thay da đổi thịt đón gió thời đại, tình yêu Hà Nội trong Tuấn luôn thường trực, thiêng liêng.
“Tôi may mắn được sinh ra và chứng kiến những bước chuyển mình rất lớn của Hà Nội giai đoạn 1986 - 2000. Tôi đủ “già” để cảm được cái nét xưa, và nếm vị bao cấp để hiểu những câu chuyện cũ mà ông bà, bố mẹ kể lại nhưng cũng đủ “trẻ” để tiên phong, hoà mình vào thời kì đổi mới.
Có lẽ, đây cũng chính là một phần nguyên nhân mà ảnh của lớp tác giả 8X, nhất là 8X đời đầu như tôi, có nét hài hoà hơn giữa cái mới và cái cũ, so với các anh chị 7X hay của các em 9X”.
Tuấn nói, nhiếp ảnh là niềm say mê của anh, còn Hà Nội làm anh “nghiện”, đến mức không thể thiếu và không thể “cai nghiện”… đúng như câu hát “Hà Nội chưa xa đã nhớ…”. Đến nay, Tuấn đã có hơn 8 năm cầm máy về Hà Nội.
Mang niềm trăn trở sẽ bị chai lì cảm xúc hay không vượt qua chính mình, Tuấn tâm sự: “Cũng đã có những lúc tôi đi qua một góc quen Hà Nội, giơ máy lên nhưng tự biết rằng mình sẽ không chụp được đẹp hơn một tấm ảnh trước đây của chính mình nên lại hạ máy xuống.
Tôi sẽ đi nhiều nơi hơn, nghiên cứu sâu hơn về văn hoá, thể hiện những góc nhìn mới hơn về một Hà Nội sôi động, tràn hơi thở thời đại hay bằng các kỹ thuật chụp khác lạ hơn trong thời gian tới.
Tôi chỉ chắc chắn một điều là sẽ chụp đến khi nào không đủ sức giơ máy ảnh lên nữa.
Nhưng ngay cả khi ngày ấy có đến thì “người tình” thì vẫn luôn đủ sức làm say lòng tôi…
Và tôi lại… ngã vào lòng Hà Nội…
Bất cứ lúc nào”.