Anh Phạm Xuân Thành tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc TPHCM năm 2014 với chuyên ngành Quy hoạch vùng và đô thị. Ra trường với công việc làm đúng chuyên ngành nhưng anh thường cùng gia đình mang tôm từ quê lên bán tại TPHCM và cuối cùng “bén duyên” gắn bó với con tôm luôn đến giờ.
Theo Thành, các loại hải sản như tôm, cua, cá, các loại khô… của Cà Mau đã “có tiếng” về số lượng cũng như chất lượng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, thực tế hầu như không nhiều người biết và quan tâm đến giá trị làm nên những sản phẩm này. “Chính những trăn trở ấy, tôi quyết tâm làm sản phẩm sạch, trước hết phục vụ gia đình, xã hội. Xa hơn nữa muốn thay đổi tư duy làm truyền thống (sử dụng hóa chất và phơi khô) sẽ làm giảm giá trị, uy tín đối với đặc sản Cà Mau. Đặc biệt là muốn phục vụ người dân sản phẩm sạch”, Thành bộc bạch.
Bên cạnh đó, tại các khu vực rừng ngập mặn, các chủ rừng đã thực hiện tốt liên kết hợp tác các doanh nghiệp triển khai mô hình nuôi tôm sinh thái được chứng nhận dưới tán rừng, đến nay đã thực hiện khoảng 20.000ha. Với mô hình này, người nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, hạn chế các hành vi vi phạm rừng. Tuy nhiên thực tế hiện tại, diện tích rừng ngập mặn càng ngày càng giảm, người dân khai thác rừng để xây đô thị, để ở và đặc biệt họ chuyển dần từ mô hình nuôi tôm thiên nhiên dưới tán rừng sang nuôi công nghiệp và không còn trồng rừng nữa.
“Chính những cánh rừng ngập mặn và mô hình nuôi tôm dưới tán rừng đã hình thành nên chất lượng hải sản ở Cà Mau. Khác hoàn toàn với hải sản ở biển hoặc nuôi công nghiệp. Hơn nữa, nguồn thức ăn trong rừng ngập mặn hoàn toàn sạch, hải sản chủ yếu ăn rong, tảo và các sinh vật phù du ở trong rừng để phát triển”, Thành nói.
Thành kể, ở địa phương các sản phẩm này được thu mua trực tiếp tại các hộ dân và xuất khẩu, kể cả xuất khẩu sang Trung Quốc. Tại thị trường Việt Nam, người tiêu dùng vẫn chỉ nghe chứ chưa thật sự biết về những đặc sản của Cà Mau, vẫn phải sử dụng các sản phẩm nuôi công nghiệp không tốt cho sức khỏe và các sản phẩm kém chất lượng gắn mác Cà Mau.
Bản thân Thành mong muốn truyền đi thông điệp về những con tôm thiên nhiên, về cách nuôi truyền thống dựa vào thiên nhiên, về cách người dân trồng rừng để nuôi tôm. Mặt khác, anh muốn tận dụng những lợi thế hiện có khi gia đình đã có 26 năm kinh nghiệm và 9ha rừng ngập mặn nuôi tôm thiên nhiên trong khi nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay là muốn có nguồn thực phẩm sạch từ tự nhiên.
Sau 2 năm, nguồn lãi thu về từ công việc buôn bán tôm online không nhiều. Qua một thời gian ngồi ngoài vỉa hè gần chợ để bán tôm, Thành tìm đến các phiên chợ sạch ở TPHCM và tình cờ biết đến Phiên chợ xanh tử tế của BSA - Trung tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nơi giúp thành hoàn thiện các sản phẩm sạch. “Kiến thức chuyên môn về kinh tế cũng như kiến thức về sản phẩm lạnh hoàn toàn ở con số 0, vì thế chủ yếu là tự học và tự làm theo kinh nghiệm của bản thân”, Thành tâm sự. Cũng từ những vấp váp trải nghiệm đó đã đặt ra yêu cầu Thành phải hợp thức hóa kinh doanh thực phẩm của mình về vấn đề về pháp lý. Đến nay, con tôm của Thành đã có thương hiệu.
Hiện nay, doanh thu trung bình mỗi tháng của Thành khoảng 100 triệu đồng, đồng thời sản phẩm cũng đã có mặt ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng… thông qua các kênh phân phối như cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị…
Ngoài ra, Thành còn đang ứng dụng khoa học công nghệ để lắp đặt các thiết bị sản xuất theo dây chuyền tự động, đóng gói bao bì công nghiệp, kho lạnh đạt chuẩn để bảo quản sản phẩm. “Bản thân mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm của Cà Mau ở trong nước, đồng thời cũng nâng cao giá trị rừng ngập mặn để mọi người có thể nhận thức và ý thức được việc bảo vệ rừng và môi trường. Sau đó góp phần phát triển du lịch Cà Mau, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng”, Thành bộc bạch.