Tôi nhớ lại mình của những ngày xưa, khi còn là một đứa trẻ, điều đầu tiên tôi làm sau khi xuống giường là chạy đi tìm má, và gian bếp chính là nơi má tôi đang chuẩn bị bữa sáng cho bầy heo, chứ không phải cho tôi… Thiệt buồn cười đúng không? Nhưng điều đó là thật, và tôi cũng không muốn tô vẽ cho khác đi những gì mình từng trải qua.
Bữa sáng của tôi nằm ở cạnh gốc hồng. Việc tiếp theo mà tôi sẽ làm sau khi thức dậy là chạy ra gốc hồng xem hôm nay bầy vịt của ba đẻ được bao nhiêu quả trứng? Những quả trứng luộc chung với nồi cháo heo đang sôi sùng sục trên bếp của má là món ăn sáng khoái khẩu của chị em tôi ngày bé.
Đó là món quà sáng xa xỉ của nhiều đứa trẻ quê. Thường thì chúng tôi sẽ vác cái bụng rỗng đến trường cho đến hơn 11 giờ trưa vẫn còn dư năng lượng để cuốc bộ về nhà dưới cái nắng gay gắt của tiết trời miền Trung.
Tôi chẳng phải đang kể lể cho tuổi thơ cơ cực của mình. Vì tôi không xem đó là nỗi bất hạnh mà ngược lại luôn trân trọng những tháng ngày như thế, luôn hoài niệm về kí ức đơn sơ một thời trẻ dại. Bởi hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc vốn dĩ luôn hiện diện trong những điều giản dị, bé nhỏ nhất.
Quay trở lại với câu hỏi ban đầu, mỗi sáng thức dậy việc đầu tiên bạn sẽ làm là gì? Trong nhịp sống hối hả này, khi mà công nghệ lên ngôi thì việc mà nhiều người chọn làm đầu tiên mỗi sáng có lẽ là tìm đến chiếc điện thoại… lướt xem hôm qua trong lúc ngủ, mạng xã hội đã cập nhật những drama gì?
Dường như từ ngày có điện thoại thông minh, từ ngày ta biết dùng đến nó, thì khoảng cách giữa ta và những người thương yêu đã kéo giãn ra thêm một chút. Sự hiện diện của họ, những cuộc trò chuyện, những cử chỉ quan tâm săn sóc, những ánh nhìn thấu hiểu không còn là điều khiến ta để tâm đến nhiều nhất.
Thay vào đó, ta lại dành hàng giờ để soi câu chuyện của những người ở tận đẩu tận đâu, thậm chí là những câu chuyện đã được dàn dựng, cắt ghép hướng đến mục đích xấu.
Chiếc điện thoại thông minh dường như đang dần biến chúng ta thành những kẻ ngốc, tưởng đang thật gần nhưng lại hóa thật xa. Có những khoảng cách vô hình đã đặt ra khiến con người dường như đang sống không thật với cuộc đời của mình.
Hiện nay, ta không khó để bắt gặp hình ảnh những người dù đang trong cuộc trò chuyện với người đối diện nhưng mắt lại dán vào màn hình điện thoại, tay vừa lướt, thi thoảng gật gù theo vài câu nói, nhưng thực ra tâm trí đã để những lời nói kia trôi tuột vào không gian.
Cảm giác người khác không mấy bận tâm đến những điều ta nói thật không dễ chịu chút nào, đúng không? Tôi tự hỏi, liệu đó có phải là hệ quả của sự phát triển hiện đại, hay là nạn nhân của công nghệ, và liệu đó có phải là một cách sống đúng, liệu đó có phải là một nền văn minh cần được duy trì?
Mạng xã hội giúp ta thỏa mãn cảm giác ngay tức thời, những video dài hay những bài viết dài với nội dung sâu sắc, dần dần không còn là chủ đề được người ta quan tâm. Bởi người trẻ luôn muốn được thỏa mãn ngay tức khắc, nếu cảm xúc không đến nhanh thì họ sẽ mất hứng thú và ngay lập tức chuyển sang video khác.
Điều này về lâu về dài sẽ dẫn đến một hệ quả vô cùng nghiêm trọng. Chúng ta đánh mất đi sự kiên nhẫn. Chúng ta không còn muốn ngồi hàng giờ đồng hồ chỉ để đọc một quyển sách. Chúng ta không muốn mất thời gian để lắng nghe câu chuyện của một người thân. Ta phớt lờ nỗi buồn của họ, lãng quên câu chuyện của họ chỉ vì ham thích nhất thời một video của những người ta chưa từng gặp.
Ta khóc thương cho những người ta chưa từng quen, thầm ngưỡng mộ và tung hô những kẻ phông bạt. Mạng xã hội, thế giới ảo, dần khiến chúng ta trở thành những kẻ giả dối, không dám sống thực với chính mình, để cảm xúc của mình dễ dàng chi phối bởi những điều không đâu.
Ta mải mê chìm đắm vào những drama, mải mê soi xét từng video, từng hình ảnh, từng bài đăng, từng bình luận của người khác, mà quên mất việc phải để tâm đến những người thân yêu còn hiện diện bên cạnh mình.
Chúng ta mất đi sự kiên nhẫn, và cũng dần mất đi góc nhìn sâu về mọi thứ đang diễn ra. Ta dễ dàng buông ra những lời phán xét hơn, thay vì chọn cách ngẫm nghĩ, suy xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra một lời bình luận nào đó. Chúng ta dễ bị dẫn dắt, dễ trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.
Xin hãy buông chiếc điện thoại xuống, nhất là người trẻ, xin hãy dành quỹ thời gian ít ỏi của thanh xuân khám phá bản thân mình, khám phá những điều tươi đẹp của cuộc sống, của thiên nhiên.
Hãy rời mắt khỏi màn hình điện thoại, hãy thoát khỏi những video đầy cám dỗ của TikTok… Hãy bỏ điện thoại xuống, nâng niu lấy quyển sách hay, đắm chìm trong vẻ đẹp của ngôn từ, hãy để trí óc được tự do vẽ ra những hình dung đẹp đẽ do sách mang lại… hãy kiên nhẫn đọc trọn vẹn chúng.
Bạn sẽ thấy tâm hồn mình như được tưới tắm trong vẻ đẹp của tri thức, trong trẻo hơn, thư thái hơn so với việc ngồi hàng giờ lướt web trong trạng thái tinh thần mụ mị. Hãy dành thời gian khám phá xem mình thực sự đam mê ở lĩnh vực nào, mình sẽ làm được điều gì có giá trị trong quỹ thời gian sống ngắn ngủi này.
Hãy nhớ rằng, chúng ta đến đây là để sống, chứ không phải để nhìn người khác sống cuộc đời của họ để rồi nhìn lại bản thân thật yếu kém và tiếp tục lướt web để tìm động lực. Hãy rời khỏi màn hình điện thoại, tập trung vào công việc bạn đang làm thay vì những cuộc tán gẫu, bới móc chuyện đời tư của người khác qua góc nhìn hạn hẹp của bản thân mà cứ nhân danh là chính nghĩa.
Hãy bỏ chiếc điện thoại xuống, bước ra bên ngoài, hãy thử vun xới đất, và trồng một cái cây. Hãy nhìn chúng nảy mầm, chăm cho chúng lớn lên, hãy nhìn vẻ đẹp của những bông hoa, sự kì diệu của những chiếc lá, hãy lắng nghe âm thanh của tiếng côn trùng trong đêm, điều đó tựa như một bản giao hưởng tuyệt diệu.
Hãy thử nói chuyện với những người ta thương, lắng nghe giọng nói của họ, nhìn ngắm nụ cười của họ, hãy dùng đôi mắt của mình nhìn sâu vào nét buồn trong đôi mắt của những người quanh ta, nhìn sâu vào những mảnh đời còn lắm cơ cực, nhìn sâu vào những nỗi khổ đau mà họ đang cố giấu đi bằng những nụ cười… để ta học được cách phải sống bao dung với con người, với cuộc đời, với chính ta.