Các trường đại học rộng cửa tuyển sinh bao nhiêu thì cửa trường cao đẳng sư phạm hẹp lại bấy nhiêu. Từ vài ba năm nay, do không tuyển được sinh viên, đa phần các trường cao đẳng đều tổ chức liên kết đào tạo với các trường đại học, bồi dưỡng cán bộ để giáo viên có việc làm thêm nhưng hình thức này cũng rất bấp bênh.
Năm năm trước, tuyển sinh đã khó, bắt đầu từ năm 2019, Luật Giáo dục quy định trình độ chuẩn của giáo viên được nâng lên, tức là giáo viên dạy tiểu học lẫn trung học cơ sở đều phải có bằng đại học; vì vậy các trường cao đẳng sư phạm không còn chức năng đào tạo giáo viên tiểu học và trung học cơ sở như trước, chỉ được tuyển sinh hệ cao đẳng mầm non nên các trường cao đẳng đứng trước nguy cơ giải tán!
Giải tán một đơn vị trường học thì không khó nếu xét ở góc độ thủ tục hành chính. Cái khó nằm ở chỗ, hàng trăm giáo viên của trường sẽ đi về đâu trong khi các trường THPT thì “kín” chỗ cả rồi. Vả lại, cơ ngơi của các trường cao đẳng khá khang trang, giờ chả lẽ bỏ hoang?
Để tự cứu mình, các trường cao đẳng mở lối thoát bằng cách xin cơ chế để tuyển sinh từ lớp 6 đến bậc THPT. Các thầy cô giáo dạy cao đẳng buộc phải thích nghi với việc “dạy cấp nhỏ trong trường lớn” này. Ban đầu có thể còn lúng túng vì từ đối tượng dạy là sinh viên giờ chuyển sang dạy đám học trò vừa mới qua bậc tiểu học nhưng tình thế như vậy thì không còn lựa chọn nào khác.
Việc làm của Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị như phát tín hiệu đầu tiên cho mô hình “trường phổ thông liên cấp” này khi năm học 2020 - 2021, họ đã tuyển được 200 học sinh khối 6 và khối 10. Các em được học 2 buổi/ngày, có cả bán trú và nội trú.
Cơ sở vật chất của một trường cao đẳng sư phạm sẽ mang lại lợi thế cho mô hình mới này. Hơn 130 giáo viên của trường được thắp lên chút hy vọng nhỏ nhoi là mình sẽ còn cơ hội để gắn bó với phấn trắng, bảng đen cho đến khi về hưu.
Tiếp bước theo Quảng Trị, mới đây, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt cũng đã kiến nghị với Sở GD&ĐT và UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép nhà trường mở thêm hệ THCS và THPT trong trường này. Có thể trong thời gian tới, khi mà đầu vào các trường cao đẳng bị hẹp lại thì mô hình trường liên thông như Quảng Trị hay Đà Lạt sẽ là hướng mà các trường cao đẳng sư phạm trong cả nước hướng đến.
Lối thoát hiểm cho các trường cao đẳng đã hé mở. Tuy nhiên, các trường ấy rồi cũng sẽ đối mặt trước thực tế là liệu có tuyển đủ học trò phổ thông vào trường hay không khi mà các tỉnh hầu như mở toang cửa để đón các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục với những “ưu đãi vượt trội”?
Từ mục tiêu phấn đấu mỗi tỉnh có “một nhà máy đường, một trường đại học” đến thực tế nhà máy đường bị dẹp gần hết, trường đại học của tỉnh cũng khó tuyển đủ sinh viên, làm thế nào để các trường cao đẳng tồn tại? Để trả lời cho câu hỏi ấy không phải đơn giản và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.