Hai trường ĐH tuyển sinh giáo dục sẻ chia: Ai hưởng lợi?

GD&TĐ - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) và Trường ĐH Kiên Giang (KGU) vừa ký kết thỏa thuận đào tạo đại học sẻ chia. Theo đó, SV sẽ học 2 năm tại KGU và 2 năm tại HCMUTE. PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng HCMUTE cho biết: Đây là lần đầu tiên hai cơ sở GDĐH tại Việt Nam có sự hợp tác trong việc sẻ chia nguồn lực, đồng thời công nhận tín chỉ đào tạo của nhau.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và Trường ĐH Kiên Giang ký kết thỏa thuận đào tạo đại học sẻ chia. Ảnh: Công Chương
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và Trường ĐH Kiên Giang ký kết thỏa thuận đào tạo đại học sẻ chia. Ảnh: Công Chương

Công nhận chương trình đào tạo

- Thỏa thuận giữa HCMUTE và KGU cụ thể là gì, thưa ông?

- Thỏa thuận hợp tác được áp dụng ngay từ kỳ tuyển sinh năm 2020, theo hướng đào tạo chương trình 2+2. Cụ thể, SV học 2 năm tại KGU và 2 năm tại HCMUTE theo đúng tiến độ.

Mục tiêu của chương trình hợp tác này là tuyển 200 chỉ tiêu mỗi năm, áp dụng cho trình độ đại học chính quy các ngành của HCMUTE (đã được Bộ GD&ĐT cấp phép) bao gồm: Quản lý công nghiệp, Kỹ thuật y sinh (Điện tử y sinh), Năng lượng tái tạo, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.

Người học đăng ký xét tuyển theo 2 phương thức: Xét tuyển bằng điểm học bạ (theo Đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2020 của KGU) hoặc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Phương thức tổ chức đào tạo: 50% khối lượng chương trình tổ chức học tại KGU (giai đoạn 1), 50% chương trình còn lại, SV học tại HCMUTE (giai đoạn 2). 

Đội ngũ tham gia giảng dạy bao gồm giảng viên của KGU và HCMUTE. Về học phí, giai đoạn 1, KGU thu học phí theo quy định của KGU và sử dụng cho hoạt động tổ chức đào tạo. Giai đoạn 2, HCMUTE thu học phí và sử dụng theo quy định .

Hai trường phối hợp tổ chức Lễ khai giảng các lớp học tại KGU, Lễ phát bằng tốt nghiệp tại HCMUTE. Khi tốt nghiệp, người học sẽ được nhận bằng do HCMUTE cấp. Người học được tạo điều kiện thuận lợi để chuyển sang học các chương trình đào tạo của KGU nếu có nguyện vọng.

- Việc hợp tác này mang lại lợi ích gì cho sinh viên?

- Chúng ta hay đề cập đến những sẻ chia trong cuộc sống, sẻ chia giữa người với người như một ý niệm về tình cảm, tình thương. Tuy nhiên, việc tạo ra mô hình ĐH sẻ chia giữa các trường ĐH tại Việt Nam đặc biệt ở TPHCM là một câu chuyện khá mới. Nghĩa của từ sẻ chia trong GDĐH sẻ chia trước tiên bao hàm yếu tố tình thương đối với SV. 

Thêm vào đó, với cơ chế linh hoạt trong việc chọn nơi học sau khi ký kết công nhận tín chỉ, SV sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian đi lại và có thể dùng thời gian này cho việc làm thêm. Việc này cũng sẽ giảm gánh nặng cuộc sống của SV và gia đình. 

Sự ra đời của GDĐH sẻ chia là tất yếu để các trường tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh tự chủ theo Luật GDĐH sửa đổi. Nó phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng số đang tạo ra những công nghệ mới trong dạy học, cho phép các em học bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Công nghệ thông tin cũng cho phép các trường chuyển đổi và công nhận tín chỉ của nhau.

Thay đổi tư duy và nhận thức

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.

- Ngoài tiết kiệm chi phí cho sinh viên, chương trình này còn có ưu điểm gì? 

- Ưu điểm lớn nhất của mô hình này là các trường tiết kiệm kinh phí rất lớn trong đầu tư các phòng thí nghiệm. Nếu các trường cùng hợp tác trong việc sử dụng phòng thí nghiệm, hiệu quả sẽ tăng lên. Thêm vào đó, sự ra đời của các ngành mang tính xuyên ngành (nhưng các trường ĐH của nước ta vẫn còn theo mô hình của Liên Xô cũ nên hầu hết là đơn ngành), đòi hỏi các trường phải chia sẻ nguồn lực, hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu, chất lượng đào tạo các ngành xuyên ngành mới được bảo đảm.

Ví dụ, các ngành giao thoa giữa kỹ thuật công nghệ và kinh tế nếu có sự phối hợp giữa hai trường ĐH khối kỹ thuật công nghệ và khối kinh tế sẽ giúp tiết kiệm chi phí và tăng chất lượng đào tạo. 

Ngoài ra, việc áp dụng dạy học số, online & mobile learning ở các trường hiện nay cũng là điều kiện giúp SV theo học ở các cơ sở đào tạo khác nhau theo thời gian thuận lợi cho SV. GDĐH sẻ chia cũng giúp SV tiết kiệm chi phí và thời gian, đồng thời làm giảm áp lực giao thông của thành phố. 

- Cách xa nhau về địa lý, lại là mô hình mới, ĐH sẻ chia cũng đối mặt với khó khăn?

- Việc triển khai GDĐH sẻ chia sẽ gặp nhiều trở ngại và thách thức. Đầu tiên là chậm thay đổi tư duy của lãnh đạo và cán bộ viên chức, giảng viên. Hai là tâm lý sợ áp lực cạnh tranh từ các trường khác khiến giảng viên trường mình giảm thu nhập. Ngoài ra, mức độ tự chủ của các trường khác nhau dẫn đến mức học phí khác nhau; mức độ liên thông chương trình đào tạo giữa các trường thấp khiến việc xác định môn học tương đương sẽ khó khăn. Cơ sở vật chất, trình độ giảng viên của các trường vẫn còn sự chênh lệch khá lớn. Chính sách vĩ mô chưa thay đổi kịp với mô hình GDĐH sẻ chia. 

- Kỳ vọng của ông về tương lai mô hình này? 

- Nếu chúng ta - các trường ĐH bỏ qua các rào cản, sức ỳ, tư duy cũ, cùng đồng lòng và quyết tâm thực hiện, GDĐH sẻ chia sẽ là cuộc cách mạng trong thay đổi tư duy và nhận thức, giúp các trường tiết kiệm chi phí để đầu tư có định hướng cho phát triển của trường mình. GDĐH sẻ chia cũng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng quan trọng hơn cả là tính nhân văn của GDĐH sẻ chia - tất cả vì người học!

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.