Cảm phục thủ khoa "cơm nguội muối vừng" ước mơ làm bác sĩ

Mỗi sáng, thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến ăn cơm nguội muối vừng. Buổi trưa em ăn suất cơm 15.000 đồng rồi nhịn đến 10h đêm trong khi học, về nhà ăn cùng bố mẹ.

Hai anh em Nguyễn Hữu Tiến (bên trái) và Nguyễn Hữu Tiền.
Hai anh em Nguyễn Hữu Tiến (bên trái) và Nguyễn Hữu Tiền.

Năm 2013, câu chuyện về gia đình thủ khoa ĐH Y có sức lay động nhất trong mùa thi đại học. Bố của Nguyễn Hữu Tiến là chú Nguyễn Hữu Định hơn 10 năm sống trong ống cống, tạm bợ nơi vỉa hè, lều bạt Thủ đô để kiếm tiền nuôi gia đình.

Hoàn cảnh của gia đình Tiến được giới truyền thông và dư luận quan tâm, ủng hộ. Độc giả trên cả nước vui mừng vì gia đình Tiến được sum họp trong căn phòng miễn phí, đồng thời trông xe và bảo vệ cho khu chung cư mini với mức thu nhập 2,5 triệu/tháng trên phố Pháo Đài Láng. 

Căn phòng gia đình Tiến ở chỉ rộng 12m2 nhưng rất gọn gàng, đầy đủ tiện nghi bao gồm tủ lạnh, ti vi, bếp ga, quạt điện, công trình phụ khép kín và gác xép. Những đồ dùng này đều do chủ nhà để lại.

Một năm trôi đi, hiện tại cuộc sống, việc học hành của Tiến và gia đình ra sao.

Thủ khoa mỗi sáng ăn cơm nguội muối vừng

Thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến sắp kết thúc năm học đầu tiên tại ĐH Y Hà Nội. Một ngày học bận rộn nhất của em là từ 6h sáng đến 10h đêm bao gồm việc học trên lớp và ôn tập tại thư viện. 

Tiến đạt học lực loại khá trong kỳ I và vươn lên loại giỏi trong kỳ II. Cũng bận rộn như anh, cậu em song sinh Nguyễn Hữu Tiền học đồng thời 2 trường là ĐH Bách khoa Hà Nội và Aptech.

Dù vậy, cuộc sống của hai anh em vẫn còn rất khó khăn. Thương bố mẹ lam lũ, Tiến và Tiền đều đi dạy gia sư từ online đến trực tiếp tại các hộ gia đình. Do việc học khá bận rộn nên 2 anh em chỉ dạy 2 buổi/tuần với số tiền 150.000 đồng/buổi. 

Mỗi tháng kiếm được 1,2 triệu đồng, Tiến và Tiền dùng số tiền đó để ăn trưa tại trường, còn lại tiết kiệm. Tiến vui vẻ cho biết: "Gia sư là công việc khá đơn giản, em muốn làm nhiều hơn để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nhưng thời gian không cho phép".

Mỗi sáng, hai anh em ăn lưng bát cơm nguội cùng muối vừng trước khi đến trường. Ở lại buổi trưa, cậu học trò nghèo chỉ dám ăn suất cơm trị giá 15.000 đồng, sau đó nhịn đến 21-22h về nhà ăn cùng bố mẹ. Ngày nào Tiến cũng học tối trên thư viện, Tiền học ca thứ 2 tại Aptech đều với bụng rỗng.

Hỏi về suất cơm 15.000 đồng ăn liệu có no không, Tiến và Tiền hồn nhiên đáp: “Chỗ cơm đó chỉ hơn một bát được xới tơi, trong khi ở nhà em ăn 4 bát. Hai anh em đều bị gầy đi nhưng em nghĩ rồi, phải 6 năm nữa ra trường rồi em mới béo được”.

Giữa cuộc sống nhiều lo toan, Tiến mong muốn sớm có việc làm thêm trong thời gian học để có cơ hội học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Tiền cố gắng ổn định sớm sau khi kết thúc ngành lập trình để tiếp tục học hết ĐH Bách khoa. Cả hai đều cô gắng thực hiện mong muốn của mẹ: "Tôi đặt tên con là Tiến, Tiền với hi vọng các con sẽ luôn tiến lên và tương lai sẽ có nhiều tiền cho gia đình đỡ khổ".

Tiến kể lại kỷ niệm về phương tiện di chuyển duy nhất của hai anh em bị hỏng: “Năm ngoái em được một bác sĩ ở viện tư tặng cho chiếc xe đạp thể thao trị giá 4,5 triệu đồng. 

Nhưng đúng ngày 14/3 - sinh nhật 2 anh em thì Tiền bị xe máy tông, chiếc xe đạp va văng ra và bị xe buýt nghiến lên nát vụn. May em Tiền không bị thương, còn lại gia đình phải bán chiếc xe hỏng cho đồng nát để mua xe đạp khác trị giá 200.000 đồng”.

Hằng ngày Tiến và Tiền đi học bằng xe đạp và buýt. Con đường đến trường của Tiền khá vất vả: “Buổi chiều sau khi tan trường ở Bách khoa em đến Hoàng Quốc Việt để học Aptech. Vì thấy xe đạp đi nhanh hơn nên ngày nào gần bị muộn giờ em sẽ phóng xe thay vì đi buýt”.

Nỗi lo về phòng trọ giữa thủ đô

Trong căn nhà 12 m2, 5 người trong gia đình chú Định cùng chung sống. Căn phòng tuy nhỏ nhưng gia đình đều vui vẻ vì được sum họp đông đủ.

Chú Định kể: "Ở đây tôi không phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất, có mái nhà che nắng, che mưa, có quạt điện và ăn uống đầy đủ". Nhưng mùa hè năm nay, gia đình Tiến lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi chỉ còn một tuần để tìm phòng trọ mới.

Chú Định lo lắng về cuộc sống trước mắt đầy khó khăn.
Chú Định lo lắng về cuộc sống trước mắt đầy khó khăn.

Những ngày qua, gia đình thủ khoa ĐH Y đang tất bật tìm nhà nhưng không được phòng nào giá rẻ, hợp lý. Sắp tới, khi không còn trông xe, mẹ Tiến sẽ về quê trồng cấy. Hiện tại, việc tìm nhà và chuẩn bị cho cuộc sống mới đầy khó khăn khiến chú Định lo lắng.

Chú bày tỏ: “Tôi muốn thuê gần khu ĐH Y để Tiến và Tiền đi học cho tiện. Phòng rẻ nhất cũng phải 2 triệu đồng/tháng cho 4 bố con ở bao gồm cả chị gái của Tiến. Tôi không muốn cho con ở ký túc xá vì tính 2 đứa đều rất tiết kiệm, tiền ăn ngoài khá đắt nên sợ con nhịn đói mà ảnh hưởng đến sức khỏe".

Trong căn nhà 12m2, Tiến và bố ngủ trên gác xép.
Trong căn nhà 12m2, Tiến và bố ngủ trên gác xép.

Đối với gia đình chú Định, số tiền chi tiêu khi chuyển ra ở trọ trong căn nhà mới không phải là nhỏ vì tổng thu nhập của các thành viên còn thấp. Nhìn quãng đường học tập dài 5 năm trước mắt của con, chú Định chia sẻ: “Thật may mắn vì năm 2013, gia đình được mọi người ủng hộ cả về tinh thần lẫn vật chất nên các con không phải bỏ học vì nghèo. 

Hai cháu vào trường đại học cũng được tạo điều kiện tốt nhất như miễn giảm học phí. Tôi sẽ ở lại Hà Nội mưu sinh, chăm lo cho con đến khi nào còn có thể. Về phía Tiến và Tiền, tôi cũng định hướng để các con dần tự lập".

Theo news.zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ