Cẩm nang “lọt lưới” nhà tuyển dụng

GD&TĐ - Người sử dụng lao động quan tâm nhiều tới hai yếu tố đó là kỹ năng và thái độ. Kỹ năng ở đây bao gồm kỹ năng cứng là khả năng làm việc thực tế và kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình...

Thầy Nguyễn Việt Vương trong một lần trao quà cho học sinh miền núi.
Thầy Nguyễn Việt Vương trong một lần trao quà cho học sinh miền núi.

Tăng cường kỹ năng và thái độ

Thách thức chủ yếu cho những sinh viên tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đó là ít kinh nghiệm làm việc. Điều này gây khó khăn khi muốn thể hiện với nhà tuyển dụng thấy tất cả những gì họ có.

Giảng viên Nguyễn Việt Vương – Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại (Vĩnh Phúc) chia sẻ: Những năm gần đây, các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp bắt đầu có những yêu cầu cao hơn đối với sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nếu như trước đây việc đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp truyền thống mang nặng tính hàn lâm thì ngày nay rất nhiều trường nghề đã tập trung đào tạo cái mà xã hội cần.

Theo đó, học sinh, sinh viên được thực hành ngay trong nhà trường với thiết bị máy móc được đầu tư cập nhật, được đi thực tập doanh nghiệp tại các doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất tương ứng với ngành học… Do vậy, sinh viên các trường nghề khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm hơn. Nhờ đó, doanh nghiệp không phải mất thời gian công sức đào tạo lại giống như trước đây.

Tuy nhiên thuận lợi ở chỗ này lại có thể là khó khăn ở chỗ khác. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành; cũng không có sự hợp tác với doanh nghiệp sử dụng lao động để tổ chức tham quan thực tập doanh nghiệp… sẽ khiến sinh viên gặp nhiều khó khăn hơn khi ra trường.

Giảng viên Nguyễn Việt Vương cũng cho biết, người sử dụng lao động quan tâm nhiều tới hai yếu tố, đó là kỹ năng và thái độ. Kỹ năng ở đây bao gồm kỹ năng cứng là khả năng làm việc thực tế và kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình...

Trong thời đại ngày nay, chỉ giỏi chuyên môn thôi là chưa đủ, bạn cần có những kỹ năng mềm nhất định. Đó là tập hợp những phẩm chất, thói quen, quan điểm và sức hút xã hội của một cá nhân. Điều này giúp người đó trở thành một nhân viên tốt và có khả năng thích nghi với đồng nghiệp và công ty.

Các doanh nghiệp đề cao vai trò của kỹ năng mềm vì một số nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng, kỹ năng mềm cũng quan trọng không kém gì các kỹ năng cứng về chuyên môn.

Trong bối cảnh nền kinh tế dịch vụ và vai trò ngày càng lớn của việc làm việc theo nhóm, các công ty lớn càng coi trọng những người có khả năng xây dựng các mối quan hệ, biết thích nghi và sáng tạo trong giải quyết vấn đề.

Về thái độ, người sử dụng lao động nào cũng muốn nhân viên của mình là những người tích cực ham học hỏi, hết lòng vì công việc, có ý thức tự giác kỷ luật, tinh thần xây dựng tập thể...

Để “lọt vào mắt” nhà tuyển dụng

Giảng viên Nguyễn Việt Vương nhấn mạnh, muốn được nhà tuyển dụng “để mắt”, cần xác định vị trí mình ứng tuyển có những yêu cầu gì. Để từ đó có kế hoạch rèn luyện bồi dưỡng bản thân cho phù hợp với yêu cầu chung của xã hội cũng như nhu cầu riêng của nhà tuyển dụng.

Rèn luyện kỹ năng thái độ là cả một con đường dài cần duy trì bằng ý chí và nghị lực của mỗi người học. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng cần thời gian để nhìn thấy điều đó ở bạn. Vì vậy, đối với sinh viên nói chung và sinh viên tốt nghiệp trường nghề nói riêng, cần có “mẹo nhỏ” để gây thiện cảm với doanh nghiệp trong một vài lần gặp gỡ ngắn.

Bước nộp hồ sơ, sinh viên nên “đầu tư” một bản CV (mô tả về lý lịch bản thân) thật đẹp. Đẹp ở đây không chỉ là hình thức, mà còn là nội dung chính bên trong. Bản CV này hãy thể hiện bản thân là một người nghiêm túc, ham học hỏi, có trách nhiệm và tinh thần cầu tiến.

Phần kỹ năng trong CV của bạn bao gồm các khả năng của bạn, có liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển. Trong phần này, bạn nên liệt kê các kỹ năng phù hợp với vị trí hoặc lĩnh vực nghề nghiệp mà bạn quan tâm.

Nhiều khi, bạn chỉ thể hiện được kỹ năng làm việc thực tế của mình khi đã vượt qua vòng tuyển dụng. Vì vậy, cần để cho họ thấy ngay được là bạn có khả năng làm được những gì trong hồ sơ của mình.

Tuy nhiên, nên lưu ý rằng, nhà tuyển dụng không đủ “kiên trì” để đọc tất cả những gì bạn nói về mình. Hãy gây ấn tượng một cách trọng tâm. Muốn vậy, hãy tìm hiểu xem họ đang cần gì ở bạn và thể hiện đúng những điều họ cần.

Tiếp đến là buổi phỏng vấn. Sinh viên ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều hạn chế về khả năng giao tiếp. Thực tế, có rất nhiều sinh viên có kỹ năng, tay nghề tốt nhưng “trượt” phỏng vấn.

Hiện nay, một số trường nghề thấy được điểm yếu này nên đã tích cực rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho sinh viên. Nhiều ngành nghề đòi hỏi rất cao về giao tiếp, quan hệ khách hàng… Vì vậy, buổi đầu gặp gỡ đã thiếu tự tin sẽ khó gây được thiện cảm với nhà tuyển dụng.

Thầy Nguyễn Việt Vương cũng cho rằng, ngoài việc nhà trường tăng cường dạy thực hành, sinh viên cũng cần tự thân vận động, tìm hiểu nhu cầu kỹ năng thực tế của công việc, hướng đến rèn luyện để hoàn thiện.

Từ thực tế này, các trường nghề cũng cần có chiến lược cụ thể trong việc kết nối với doanh nghiệp, đào tạo, phát hiện nhu cầu để đào tạo kỹ năng, kiến thức cho thích hợp.

Ngoài ra, nếu bạn có ngoại ngữ tốt là một lợi thế vô cùng lớn. Ngoại ngữ là chìa khóa để bạn phát triển trong nghề nghiệp, đến với những vị trí cao hơn. Vì vậy, hãy dành thời gian để học tiếng Anh hoặc tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung...

“Hơn bao giờ hết, sinh viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động để tự tạo cơ hội cho mình. Không những chăm chỉ học tập, nâng cao trình độ tay nghề, mà còn cần tăng cường các kỹ năng mềm, nắm rõ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để thành công” – thầy Nguyễn Việt Vương nhấn mạnh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ