Cách chống sốc khi xem facebook của con

GD&TĐ - Với chủ đề giao lưu trực tuyến "Hệ lụy yêu sớm"do báo Giáo dục và thời đại tổ chức, TS Trần Văn Tính – Chủ nhiệm bộ môn tâm lý Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) đã không ít lần mỉm cười khi gặp những câu hỏi thú vị của độc giả gửi đến.

Cách chống sốc khi xem facebook của con

Một phụ huynh đã “sốc” khi xem được những hình ảnh của cậu con trai chụp ảnh thân mật, tình cảm với bạn gái, gọi nhau là vợ chồng khi mới học lớp 9 trên facebook và cảm thấy hoang mang, không biết phải làm sao.

TS Trần Văn Tính thú vị trước những câu hỏi của bạn đọc. 

Nói về vấn đề này, TS Trần Văn Tính chia sẻ: Việc phát hiện con đưa những hình ảnh, cách xưng hô không hợp lý với bạn khác giới trên facebook thì gia đình cần có sự can thiệp ngay để giúp các con hiểu rõ dùng facebook để làm gì. Có thể trong những trường hợp nhất định, cha mẹ cấm con không được đưa hình ảnh không hợp lý lên facebook.

Cha mẹ có thể là những người bạn của con, để hiểu tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của các con. Đôi khi cũng như là người anh chị của con để đưa cho con những lời khuyên và là cha mẹ để đưa ra những giới hạn con được phép hoặc không.

Sự mềm dẻo này sẽ giúp chúng ta tiếp cận hơn với con của chúng ta, đặc biệt trong xã hội hiện nay là điều cần thiết. Để làm được điều này, cha mẹ nên là người biết lắng nghe con. Từ đó mới có thể định hướng tốt cho con.

Tuy nhiên, không phải bậc phụ huynh nào cũng khéo léo để nói chuyện với con về những vấn đề này. Nhiều bậc làm cha mẹ đã tỏ rõ sự lúng túng : Nên bắt đầu nói chuyện với con từ độ tuổi nào và nội dung như thế nào cho phù hợp?

TS Trần Văn Tính cho rằng: Thời gian bắt đầu nói chuyện với con về vấn đề này có thể từ tuổi mầm non. Tuy nhiên, ở mỗi độ tuổi khác nhau lại có những chia sẻ khác nhau.

Ví dụ: Tuổi mầm non, giúp các con hiểu được hành vi của giới, như: Bé gái thì phải như thế nào (nhẹ nhàng, lắng nghe, không được nóng giận); Bé trai thì nên mạnh mẽ, biết giúp đỡ, chia sẻ công việc với bạn bè trong lớp…

Tuổi tiểu học, nói cho con hiểu về cách ứng xử giữa bạn trai và bạn gái cần như thế nào. Như bạn gái thể hiện những hành vi của nữ và cũng biết tránh những cách tiếp xúc không phù hợp với bạn trai. Với bạn trai, cách thể hiện đúng bản lĩnh của nam giới.

Cuối tuổi tiểu học, có thể chia sẻ với các em về sự ra đời của một đứa trẻ như thế nào (sự kết hợp trứng và tinh trùng để sinh con).

Đến tuổi THCS, chia sẻ với các con về việc quan hệ nam nữ dẫn đến mang thai và sinh con.

Tuổi THPT, nói cho các con về cơ chế tâm lý và sinh lý, hậu quả của việc quan hệ giới tính trước tuổi, đến sức khỏe, tâm lý và tương lai của các em.

Khi trẻ “lên tiếng” đòi quyền được… yêu sớm.

Tuy nhiên, đó là quan điểm, suy nghĩ của các bậc làm cha, làm mẹ. Cũng trong chương trình giao lưu trực tuyến, các bạn trẻ cũng đã lên tiếng nhằm bảo vệ quyền được làm người lớn của mình. 

Có bạn cho rằng: Dù đã 13 - 14 tuổi nhưng sao chuyện chúng em có tình cảm nam nữ quá nhiều người can thiệp. Em tìm hiểu thì cách đây chưa phải quá lâu, ở Việt Nam, tuổi 13 - 14 là con gái đã được gả chồng cũng vẫn ổn đấy thôi, sao bây giờ lại nặng nề chuyện yêu sớm, yêu muộn quá vậy?

TS Trần Văn Tính cũng đã đặt mình vào thế hệ trẻ để tư vấn: Việc người lớn can thiệp vào chuyện của các em, đây không phải là sư nặng nề trong tình yêu hay tạo cho các em áp lực căng thẳng, mà điều quan trọng là định hướng đến tương lai của các em.

Các em còn ít tuổi, sự nghiệp, cuộc sống, thành công vẫn còn đang ở phía trước. Nếu không định hướng hợp lý, có thể cánh cửa cuộc đời, những thành công có sẽ bị khép lại. Các em có muốn như vậy hay không?

Chính vì quan tâm đến tương lai, lo lắng cho tương lai của các em, cha mẹ, người lớn mới trao đổi, chia sẻ, chỉ bảo cho các em ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, các em chưa hiểu nên cho rằng đó là sự can thiệp, gây căng thẳng, nặng nề.

Các em nên bình tĩnh hơn, biết lắng nghe những điều người lớn nói, bởi vì tất cả những cái đó đều mong muốn sự tốt đẹp cho các em.

Tuổi nào là yêu sớm?

Vẫn bàn về vấn đề yêu sớm, nhiều người thắc mắc về độ tuổi nào được phép yêu? Thế nào được gọi là yêu sớm?

TS Trần Văn Tính giải thích rõ ràng: Việc yêu sớm là ta gắn một cái tên cho trẻ để muốn cảnh báo những hệ lụy có thể xảy ra từ việc này. Thế nào là yêu sớm và tình yêu đến đâu chúng ta cần phải bàn.

Ở tuổi mầm non, bé trai bảo tôi thích bạn lắm, đấy cũng có thể là tình yêu!

Ở tuổi tiểu học, bạn trai xách cặp cho bạn gái hoặc giúp đỡ bạn gái để thể hiện tình cảm của mình.

Tuổi THCS, bạn trai quan tâm, lo lắng khi bạn gái ốm hoặc nghỉ học.

Tuổi THPT, bạn trai hoặc bạn gái trao cho nhau những kỷ vật, ánh mắt, cầm tay nhau đi dạo, thậm chí cả những nụ hôn đầu đời… Đó cũng là những tình cảm tốt.

Việc đặt chủ đề yêu sớm để chúng tôi giúp cha mẹ, học sinh hiểu được cách thể hiện tình cảm cũng như chia sẻ như thế nào cho đúng, để định hướng đến sự thành công tương lai của con cái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ