VNEN đã xóa bỏ nhiều bất cập trong cách dạy học truyền thống, tăng cường sự tương tác giữa giáo viên với HS, giữa các HS trong lớp, tạo bầu không khí học tập thân thiện.
Quyết tâm đảm bảo điều kiện cho VNEN phát triển
VNEN được triển khai ở Việt Nam theo quan điểm: Lựa chọn nội dung phù hợp, những cách làm hay của các nước trên cơ sở đảm bảo những nguyên lý, quy luật nhận thức và những thành tựu khoa học GD tiên tiến trên thế giới; đồng thời, kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm tốt của GD Việt Nam, vận dụng mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước.
Qua 4 năm học thí điểm và áp dụng mở rộng trên toàn quốc, VNEN đã chứng tỏ sự phù hợp với Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, tương thích và phù hợp với Đổi mới Chương trình – SGK; đồng thời lại có sự giao thoa hết sức đặc biệt với đổi mới đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30. Nhận thấy hiệu quả cao từ mô hình này, ngành GD các tỉnh đã quyết tâm tiếp tục triển khai mạnh mẽ trong những năm học tới.
Ngành GD&ĐT Lào Cai chủ trương chủ động tiếp cận, ứng dụng, triển khai phương pháp, hình thức tổ chức GD tiên tiến, hiện đại; chuẩn bị thực hiện đổi mới chương trình GD phổ thông; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động GD, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; nâng cao chất lượng GD toàn diện.
Hướng theo mục tiêu chung này, ngành GD&ĐT Lào Cai đặt kế hoạch đến năm 2020, triển khai VNEN tại 180/225 trường có cấp tiểu học (đạt 80% tổng số trường có cấp tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh); số lượng HS được học theo VNEN ở cấp tiểu học sẽ tiếp tục được học theo mô hình này ở cấp THCS và vận dụng mô hình này vào các trường THPT.
Cùng với những con số nêu trên, Lào Cai quyết tâm đảm bảo các điều kiện để triển khai VNEN như bố trí sắp xếp đủ cán bộ quản lý/ giáo viên, tổ chức tập huấn - bồi dưỡng thường xuyên, đảm bảo cơ sở vật chất/ thiết bị dạy học tối thiểu để triển khai VNEN; đồng thời nâng cao chất lượng GD toàn diện theo định hướng phát triển năng lực người học: HS được phát triển toàn diện các năng lực, phẩm chất cá nhân, tất cả các em hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, tốt nghiệp THCS được đánh giá các năng lực, phẩm chất phù hợp cấp học, 85% học sinh tiểu học, 100% học sinh THCS được học tin học, ngoại ngữ.
Lào Cai phát triển mạng lưới trường/ lớp Mô hình Trường học mới
Hướng tới áp dụng VNEN ở tất cả các trường THCS
Cùng chung nỗ lực phát triển mô hình GD tiên tiến này, ngành GD&ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã huy động được sự quan tâm, tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành; tạo sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội để triển khai VNEN.
Trong năm học 2015 - 2016, ngành GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai mô hình ở 75 trường tiểu học với các lớp 2, 3, 4; có 75 (trên tổng số 111 trường dạy 2 buổi/ ngày) áp dụng mô hình cho lớp 2 và lớp 3.
Năm học 2016 - 2017, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến khích tất cả 111 trường tiểu học dạy học 2 buổi/ ngày thực hiện áp dụng Mô hình Trường học mới đại trà cả 4 khối lớp (trừ khối lớp 1).
Năm học 2016 - 2017, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng quyết tâm duy trì và phát triển 67 trường THCS đã áp dụng VNEN cho khối lớp 6 từ năm học trước, đồng thời mở rộng ra để đảm bảo tất cả các trường còn lại đều áp dụng mô hình này cho khối lớp 6 và lớp 7.
Ngành GD&ĐT tỉnh nỗ lực để đến năm học 2017 - 2018, triển khai đồng bộ Mô hình Trường học mới cho tất cả các khối lớp của các trường THCS trong tỉnh.