(GD&TĐ) - Công tác tổ chức cai nghiện ở Việt Nam được triển khai đã hơn 20 năm. Mô hình chủ yếu là đưa người nghiện vào trung tâm (thường gọi là trung tâm 06) để cai bắt buộc, nhưng hiệu quả rất hạn chế. Gần đây, với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, nhất là Liên Hiêp Quốc, Chính phủ quyết định đổi mới công tác cai nghiện. Cuối tháng 3/2012, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 396/QĐ-LĐTBXH thành lập Ban nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy.
Các đối tượng cai nghiện được dạy nghề để tái hoà nhập cộng đồng |
Đổi mới hình thức cai nghiện
Nhìn từ thực tiễn có thể thấy, công tác tổ chức cai nghiện mà chúng ta hiểu từ trước tới giờ là cách ly khỏi môi trường thuốc, cai nghiện cắt cơn, tách họ ra thời gian dài nhất định như 12, 24 tháng với hy vọng khi trở về cộng đồng họ có thể cai nghiện. Nhưng đến bây giờ, các bằng chứng khoa học cho thấy, chúng ta nhận thức chưa đúng. Thế giới có đủ căn cứ để hiểu nghiện ma túy là bệnh mãn tính của não bộ, để chữa trị phải mất nhiều năm, công phu. Đã là bệnh mãn tính, điều trị phải thường xuyên, gần như người nghiện phải sống chung với phác đồ điều trị nào đó.
Trao đổi về sự cần thiết phải đổi mới mô hình cai nghiện, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thực tế 4 năm gần đây khi được hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm của các nước đã chứng minh với người nghiện heroine nếu dùng thuốc thay thế như methadone (một loại thuốc đặc trị), hiệu quả sẽ cao hơn. Do vậy, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong Đề án tới là sẽ đi theo hướng giảm dần việc điều trị bắt buộc trong các trung tâm, tăng dần điều trị tự nguyện tại cộng đồng; ưu tiên mở rộng điều trị nghiện các thuốc dạng thuốc phiện bằng methadone; kết hợp các hỗ trợ khác như tâm lý, tư vấn cho họ về các lĩnh vực khác trong quá trình cai như: chăm sóc sức khỏe, đề phòng bệnh kèm theo vấn đề nghiện cũng như tư vấn hỗ trợ kỹ năng sống, hỗ trợ nghề nghiệp… mà phải làm ở cộng đồng. Với việc thay đổi nhận thức, chúng ta coi họ là người bệnh, cung cấp dịch vụ chữa bệnh ở cộng đồng với mạng lưới tổ chức làm sao tiện lợi, phục vụ đa dạng người bệnh và để cho họ có thể hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
Đối với các trung tâm cai nghiện tập trung đã tồn tại nhiều năm nay, ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết đã có lộ trình để giảm dần số lượng. Các trung tâm này sẽ chuyển từ cai nghiện bắt buộc sang tự nguyện và cung cấp dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng hỗ trợ cai nghiện. Theo ông, bản thân các trung tâm cũng phải tự đổi mới; ngoài quản lý hỗ trợ còn có hoạt động khác giống như các trung tâm cộng đồng để làm sao có một bộ phận vẫn phải cai nghiện trong trung tâm theo luật quy định, nhưng phần lớn cai nghiện tại cộng đồng.
Thuốc đặc trị chỉ là thứ yếu
Từ bắt buộc (tập trung tại các trung tâm) sang tự nguyện (tại cộng đồng, gia đình) là cả một vấn đề khác biệt; nhất là đối với người nghiện ma tuý vốn từ lâu đã bị xã hội coi là “bỏ đi”. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Trọng Đàm, xã hội cần thống nhất với nhau về quan điểm và nhận thức là nghiện ma túy là bệnh mãn tính, bệnh mang tính xã hội và chữa bệnh này bằng thuốc chỉ là thứ yếu, mà còn cần sự tập trung hỗ trợ của cả cộng đồng, gia đình và cả Nhà nước.
“Họ có thể trở thành người có ích nếu cộng đồng coi họ là thành viên. Quan trọng là để họ không tách ra khỏi cộng đồng. Chính vì vậy mô hình chúng ta làm ở cộng đồng đạt được những điều này và người nghiện vẫn sống, sinh hoạt, nhận được sự trợ giúp về các dịch vụ xã hội một cách bình thường. Việc đưa họ vào trung tâm trong một thời gian nên khi trở lại họ sẽ ngỡ ngàng. Hơn nữa, cách nhìn của mọi người về họ như là đã đi tù về, né tránh, không sẵn sàng giúp đỡ họ. Do vậy, mô hình cai nghiện ở cộng đồng ưu việt hơn hẳn” – ông Đàm cho biết.
Theo báo cáo tình hình sử dụng ma túy toàn cầu do Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc vừa công bố, hiện trên thế giới 315 triệu người nghiện ma túy. Còn riêng tại Việt Nam theo số liệu của Bộ Công an, số người nghiện hiện là 170.000 người, nhưng con số thực tế chắc chắn lớn hơn rất nhiều. |
Lưu Nguyễn