Biến buổi chào cờ thành "diễn đàn thanh niên"

Biến buổi chào cờ thành "diễn đàn thanh niên"

(GD&TĐ) - Biến buổi sinh hoạt dưới cờ truyền thống đầy khô cứng, thành buổi sinh hoạt sôi nổi, hấp dẫn do chính học sinh làm chủ. Đó là cách làm hay và sáng tạo của trường THPT Ngô Gia Tự (TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) nhằm đẩy mạnh phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Đến dự buổi chào cờ đầu tuần tại trường THPT Ngô Gia Tự vào một ngày đầu tháng 12. Cũng giống như tiết sinh hoạt dưới cờ truyền thống khác. Ban đầu diễn ra bình thường, lần lượt chào cờ, hát quốc ca, Đoàn thanh niên tổng kết điểm thi đua, rồi đến ban giám hiệu triển khai một số nội dung mới. Tuy nhiên, không khí bỗng dưng sôi nổi hơn khi buổi chào cờ chuyển sang phần “diễn đàn thanh niên”, lúc mà học sinh được “làm chủ” buổi chào cờ.

Kể từ đầu năm học 2011 – 2012 trường THPT Ngô Gia Tự đã thay đổi tiết sinh hoạt dưới cờ truyền thống đầy khô cứng thành một tiết sinh hoạt hấp dẫn ý nghĩa. Với mỗi lần chào cờ như vậy, sau khi nhà trường triển khai nội dung, còn một nửa thời gian còn lại dành cho học sinh. Mỗi tuần là một chủ đề đại diện mỗi lớp trình bày và trao đổi những câu chuyện trong cuộc sống về cách ăn mặc, giao tiếp và nhiều vấn đề trong học sinh như:  thanh niên với giao thông, bạo lực học đường, tiêu cực trong thi cử, ứng xử trong bạn bè, tôn sư trọng đạo, tình bạn tình yêu... Hay mới gần đây nhất “Diễn đàn thanh niên” đã tổ chức buổi kêu gọi toàn bộ học sinh, giáo viên cùng nhắn tin bầu chọn vịnh Hạ Long trở thành 7 kỳ quan thiên nhiên mới thế giới. Ngoài ra trong tháng có những ngày kỉ niệm thì “diễn đàn thanh niên” còn là dịp ôn lại truyền thống những ngày đó. 

Em Nguyễn Thị Thu Trà (học sinh lớp 11B2) bày tỏ “Với mỗi giờ chào cờ hiện nay em cảm thấy thật sự thú vị khi mà qua những bài tham luận, thuyết trình của nhiều bạn học sinh bản thân em học được nhiều kinh nghiệm sống. Trước kia em không biết vì nguyên do gì mà bạo lực học đường lại diễn ra, nhưng qua đây em biết được rằng nó đã diễn ra khá phổ biến và cách ứng xử giữa các bạn với nhau trách đi xích mích”.

Đối với Nguyễn Thục Nguyên (học sinh lớp 10B4) cho biết “Đến với “Diễn đàn thanh niên” không chỉ giúp cho học sinh tự trang bị những kiến thức, kỹ năng sống mà còn qua đó tạo điều kiện mỗi học sinh mạnh dạng tự tin đứng trước đám đông thuyết trình, trình bày quan điểm, suy nghĩ cá nhân”. 

Lồng ghép các bài tham luận, thuyết trình là các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”, những ca khúc nói về tình bạn, tình thầy cô đều được học sinh trình bày trong mỗi tuần. Huỳnh Thị Kim Ngân (học sinh lớp 10A1) bày tỏ “Rất mong đến thứ 2 đầu tuần đê có dịp sinh hoạt, lắng nghe những ca khúc đầy ý nghĩa, tạo không khí sôi nổi  cho tuần mới với những tiết học tiếp theo”. 

“Diễn đàn thanh niên” còn là nơi gửi gắm những tâm tư suy nghĩ cảm xúc của học sinh, nỗi quyết luyến năm cuối cấp học sinh 12. Em Nguyễn Đăng Tú (học sinh lớp 12A1) chia sẻ “Những lời gửi gắm tâm sự trong lòng được giải bày mà bấy lâu không có dịp nói ra”.

 “Từ khi “diễn đàn thanh niên” ra đời thầy cô có thể nắm bắt được tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của học sinh mà có hướng giải quyết can thiệp điều chỉnh kịp thời” - Anh Phạm Anh Tuấn (bí thư Đoàn trường THPT Ngô Gia Tự) cho biết ý nghĩa và mô hình này. 

Phạm Duy Tài (phó ban thành Đoàn TP. Tuy Hòa) nói “Cách làm đổi mới của trường THPT Ngô Gia Tư là một cách làm hay và ý nghĩa cần được nhân rộng ở các trường học khác”.

Lê Văn Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ