(GD&TĐ) - Chỉ còn ít ngày nữa các sĩ tử sẽ bước vào kì thi đại học đợt 2 với rất nhiều những trăn trở và lo lắng. Là người đã từng có điểm số cao trong kì thi năm trước, Lê Thị Minh Vượng (sinh viên lớp Y1A trường Đại học Y Hà Nội, thủ khoa trường ĐH Y kì thi tuyển sinh năm học 2010 – 2011) sẽ chia sẻ cũng các sĩ tử những kinh nghiệm học tập đã, đang và sẽ giúp Vượng luôn là người thành công trên con đường chinh phục đỉnh cao của tri thức.
>>>Những lưu ý quan trọng trước ngày thi
PV: Trong kì thi năm trước, để hoàn thành xuất sắc bài thi hai khối A và B, Vượng đã cân bằng thời gian biểu của mình như thế nào?
Minh Vượng: Trước mỗi việc cần làm mình luôn đặt ra mục tiêu, chính mục tiêu đó sẽ giúp mình có động lực và phân bổ thời gian một cách hợp lí trong thời gian dài. Mình nghĩ rằng để đạt được kết quả thi đại học cao thì ai cũng phải chăm chỉ học hành nhưng không có nghĩa là phải học quá sức và quá nhiều thời gian. Gia đình mình cũng khó khăn, bố mẹ làm nông nghiệp, nhà còn có đứa em trai kém mình 4 tuổi nên mình cũng dành khá nhiều thời gian trông em, dọn dẹp nhà cửa giúp gia đình. Tuy nhiên mình không bao giờ có suy nghĩ hứng lên là học. Học không chỉ trong một lúc, thời gian ôn thi đại học, mình cũng dành nhiều thời gian xem lại kiến thức cũ như phương pháp, công thức tính nhanh trong các môn tự nhiên. Kiến thức sẽ được tích lũy dần qua quá trình trau dồi. Có niềm đam mê, niềm tin sẽ đạt được tất cả.
PV: Với 1 lượng kiến thức khổng lồ của cả hai khối, Vượng có cách học như thế nào để nhớ được tất cả những công thức đó?
Minh Vượng: Để nhớ được công thức bản thân mình phải hiểu được bản chất của vấn đề, đọc và hiểu tại sao lại có công thức như thế. Sau đó mình làm nhiều bài tập áp dụng cho thật nhuần nhuyễn công thức. Một bài tập luôn có nhiều cách giải, sau khi đã nắm chắc công thức mình luôn đi tìm cách giải nhanh nhất để không tốn thời gian. Ví dụ như môn Sinh, đề thi đại học chỉ lấy trong chương trình lớp 12, chủ yếu là phần di truyền và biến dị với nhiều công thức tính toán. Mình cũng chủ yếu học thuộc các bản chất, công thức. Dần dần qua quá trình làm bài, mình thâu tóm lại các ý chính của công thức để rút ngắn thời gian tính toán. Làm nhiều sẽ rút ra cho mình kinh nghiệm và tổng hợp các kiến thức có liên quan đến nhau.
Để đạt kết quả cao, Vượng luôn đặt ra mục tiêu cho mình |
PV: Những kinh nghiệm đó do đâu mà có?
Minh Vượng: Mình học hỏi thầy cô, bạn bè hay những người đi trước để từ đó rút ra kinh nghiệm. Ngay từ ngày học cấp 3, mình đã xác định mục tiêu muốn thi vào trường gì và muốn học ngành như thế nào. Từ đó mình sẽ tìm hiểu trường đó lấy bao nhiêu điểm và đặt ra mục tiêu cho bản thân. Buổi sáng đi học, các thầy cô ra đề xong chữa. Ngoài ra mình còn sưu tập các đề thi các bạn copy trên mạng hoặc các đề thi thử đại học để về làm.
PV: Trong kì thi tuyển sinh đại học năm học 2010 – 2011, Vượng đã đỗ thủ khoa trường ĐH Y Hà Nội, trường ĐH Ngoại Thương HN cũng đạt được điểm rất cao. Tại sao Vượng lại chọn trường Y?
Minh Vượng: Việc chọn trường hay chuyên ngành theo học cũng là quan điểm, sở thích của từng người. Mình chọn trường Y cũng một phần do hoàn cảnh gia đình. Mình không bao giờ so sánh trường này với trường khác vì mỗi trường đều có những điểm mạnh khác nhau, nhưng mình tự nhận thấy lượng kiến thức thực tế của mình còn ít để có thể theo đuổi được chuyên ngành kinh tế. Hơn nữa mình luôn có ước mơ được chữa bệnh cho người nghèo nên có lẽ mình đã chọn Y. Nghề Y là nghề cao quý, nghề chữa bệnh cứu người.
PV: Vậy Vượng có thể chia sẻ cùng các bạn cách chọn ngành nghề cho phù hợp?
Minh Vượng: Tới giờ phút này thì hồ sơ của các sĩ tử đã được “niêm yết”, nhưng có lẽ kinh nghiệm cũng là dành cho nhiều thế hệ cùng đúc rút và áp dụng nên theo mình trước khi đặt bút ghi hồ sơ các bạn nên tham khảo ý kiến của thầy cô, gia đình, bạn bè, các phương tiện thông tin đại chúng, những người đi trước,… Họ là người ngoài cuộc lại có kinh nghiệm thực tế và có cái nhìn tổng quan nên sẽ đưa ra được những lời khuyên dựa trên chính sở thích của bản thân chúng ta.
PV: Điều quan trọng trước mỗi kì thi mà Vượng rút ra được từ chính kinh nghiệm bản thân mình?
Minh Vượng: Ngoài việc xác định mục tiêu cần đạt được, mình luôn cố gắng bình tĩnh, tự tin và đặt quyết tâm trong mỗi kì thi. Mình sẽ làm hết khả năng dù sau đó kết quả có như thế nào thì mình cũng không bao giờ hối tiếc vì mình đã cố gắng hết sức. Việc đảm bảo sức khỏe, ăn uống đầy đủ trước mỗi kì thi cũng là yếu tố rất quan trọng. Mình thường chọn ăn những món ăn thường xuyên, tuyệt đối không ăn những món lạ vì mình rất sợ tới gần ngày thi bị đau bụng hay có bất kì vấn đề gì xảy ra với sức khỏe. Với nhiều bạn, khi xa nhà thường hay chọn món ăn nhanh như phở nhưng mình vẫn trung thành với cơm vì cơm sẽ giúp mình no lâu và luôn tỉnh táo.
Theo mình, trước mỗi kì thi các bạn nên thư giãn vì khi đó có cố gắng học lượng kiến thức vào đầu cũng không nhiều đôi khi còn làm ta phân tán tư tưởng. Hãy dành chút thời gian thư giãn như đi chơi cùng bạn bè, chơi những môn thể thao mình yêu thích,… Điều ấy cũng thật sự cần thiết giúp các sĩ tử bớt căng thẳng.
PV: Vượng có thể chia sẻ cùng các bạn những kinh nghiệm làm bài thi đã giúp em có được điểm số rất cao.
Minh Vượng: Với những bài thi tự luận, mình nắm chắc các dạng bài cơ bản, mình học thêm cách trình bày của thầy cô, bạn bè để có được những lời giải cô đọng, súc tích nhất, ý giữa các phần luôn rõ ràng, người chấm thi sẽ nhìn thấy ngay kết quả bài làm. Mình luôn chú ý tới những phần nhỏ như phần điều kiện vì đó là những phần dễ ăn điểm nhất nhưng cũng dễ bị các thí sinh bỏ qua hay không xác định được. Ví dụ như môn toán, biết trước cấu trúc đề thi là bao nhiêu câu nên mình phải xác định trước thời gian dành cho mỗi câu. Giả sử 1 câu đáng lẽ phải làm trong 18 phút thì mình cố gắng chỉ làm trong vòng 15 phút. Khi đọc đề, mình đọc lại toàn bộ một lượt đề. Câu nào có khả năng làm mình sẽ đọc thêm 1 lượt và làm trước. Những câu nào nhìn lướt qua và cảm thấy mình chưa nghĩ ra, mình tránh đọc lại dễ gây cảm giác sợ sệt, lo lắng.
Với những bài thi trắc nghiệm đòi hỏi tính chính xác, nhanh vì đã có sẵn đáp án. Nhưng để chọn được đáp án chính xác đòi hỏi người làm bài phải hiểu được bản chất vấn đề rồi áp dụng công thức sao cho nhanh. “Sai một li đi một dặm”, là thử thách của bài thi trắc nghiệm vì chỉ có một đáp án đúng. Phải biết cách phân bổ thời gian.
PV: Sau một năm ngồi trên giảng đường đại học, Vượng đã rút ra thêm cho mình được những kinh nghiệm gì để phục vụ tốt hơn cho nghiên cứu và học tập?
Minh Vượng: Học đại học không giống như học cấp 3, đây là quá trình đòi hỏi sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu để đạt được mục tiêu mình đã đặt ra. Nhưng quan trọng hơn hết là đức tính chăm chỉ mà mỗi sinh viên nên rèn giũa cho mình khi ngồi trên giảng đường đại học.
PV: Khi công nghệ thông tin phát triển, games, chát chít cũng trở thành phổ biến, Vượng có bị ảnh hưởng bởi các yếu tố đó?
Minh Vượng: Theo em nghĩ với bất kì cái gì cũng có tính hai mặt của nó, games hay chát chít cũng là một trò giải trí, nếu biết phát huy và sử dụng nó trong phạm vi cho phép sẽ giúp bộ óc mình nhanh nhạy hơn. Nhưng nếu đã trở thành “nghiện games” thì đó thực sự là hậu quả khó lường và kéo theo nhiều hệ lụy. Cũng có thể mình là con gái, hơn nữa trước đi học cấp 3, quán internet xa nhà nên những điều đó cho tới giờ vẫn không ảnh hưởng và chiếm thời gian của mình. Mình vẫn dành nhiều thời gian cho nghiên cứu và học tập.
PV: Đặt ra mục tiêu, chăm chỉ học tập, vượt qua được những cám dỗ bên ngoài,… đã giúp Vượng có được thành tích học tập như thế nào trong năm học qua?
Minh Vượng: Khi biết kết quả thi đại học mình rất mừng, nhưng sau khi nghe mọi người nói tới áp lực của thủ khoa mình cũng lo lắm. Mình lo vì sợ không làm tròn trách nhiệm trước sự mong đợi của gia đình, cũng như tình cảm mà mọi người dành cho mình. Nhưng qua quá trình học tập thực tế, được gia đình, thầy cô, bạn bè, người thân,… ủng hộ và đưa ra rất nhiều lời khuyên mình cũng dần thấy thoải mái hơn. Mình cố gắng hết mình trong khả năng có thể để không làm thất vọng ai. Với điểm tổng kết kì 1 là 8.47 mình đứng thứ hai của lớp vì môn tiếng Anh mình học ở quê nên nền tảng không được tốt, mình phải cố gắng thật nhiều hơn nữa.
PV: Vượng đã từng tham gia học nhóm? Bạn có thể chia sẻ những cảm nhận của mình về việc học nhóm?
Minh Vượng: Học nhóm có rất nhiều cái hay vì nó giúp mình loại bớt được những băn khoăn hay những sai lầm hay mắc phải trong phương pháp làm bài và học tập. Trong nhóm học có thể bạn này có ý tưởng chưa hay nhưng lại có cách làm bài rất tốt, có phương pháp tổng hợp kiến thức nhanh và hiệu quả nhất. Các bạn sẽ tự bổ sung những thiếu hụt cho nhau. Nhưng học nhóm không đồng nghĩa với tụ tập hay buôn chuyện đâu các bạn ạ.
PV: Trước khi các thi sinh bước vào kì thi đại học, Vượng muốn gửi gắm tới các bạn điều gì?
Minh Vượng: Trước tiên mình xin chúc các thí sinh bình tĩnh, tự tin, có sức khỏe tốt để đạt được mục tiêu mình đã đặt ra. Hãy làm bài hết khả năng các bạn nhé, dù kết quả thế nào cũng hãy làm hết sức mình. Chúc các bạn đạt điểm cao trong kì thi sắp tới!
PV: Cảm ơn Minh Vượng vì những chia sẻ rất bổ ích này!
Nguyễn Huệ