Có lẽ vì thế mà Leuven còn được coi là một thành phố trí tuệ cao bậc nhất không chỉ riêng ở Bỉ mà còn khắp Liên minh Châu Âu (EU).
Đặc biệt, thành phố năng động này còn là nơi cư trú của không ít người con đất Việt, có thể là Việt kiều, có thể là lưu học sinh sang du học…
Lẽ đơn giản, ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, sự cổ kính tuyệt đẹp, Leuven còn là nơi tập trung nhiều trường đại học danh tiếng, đặc biệt là Đại học Công giáo Leuven (KU Leuven) thu hút lưu học sinh khắp thế giới.
Thành phố của… lưu học sinh
Như Mai, một Việt kiều đã định cư ở Bỉ nhiều năm, nhận xét rằng, cô thấy Leuven là một thành phố đáng sống nhất ở Bỉ, bởi mỗi khi tới đây, cô luôn thấy vui và tràn đầy năng lượng sống.
Một thành phố tràn đầy năng lượng sống, năng lượng ấy là do sức trẻ, sự yêu đời và niềm tin của người trẻ, của những sinh viên ngời ngời sức sống từ khắp nơi trên thế giới tới Leuven học tập.
Thành phố Leuven ban đầu có tên Luvanium bắt nguồn từ năm 884, là thủ phủ của tỉnh Flemish Brabant. Nơi đây không phải là nơi có nhiều hoa thơm, trái ngọt nhưng mang trong mình một vẻ đẹp dịu dàng và rất đỗi yên ả. Leuven nhỏ bé, không ồn ào náo nhiệt. Bốn mùa ở mảnh đất nhỏ bé này âm thầm chuyển mình luôn để lại những nét thật riêng.
Như đã nói ở trên, song song cùng một nền kinh tế phát triển, nền giáo dục Bỉ hội tụ tinh hoa của khu vực Tây Âu. Nhiều trường đại học ở Bỉ cũng vươn tầm thuộc đẳng cấp quốc tế và luôn có sức hút đối với học sinh, sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam. Đến với thành phố Leuven phải kể đến Đại học Công giáo Leuven (KU Leuven).
Các dịch vụ ở Leuven cứ như được sinh ra để xoay quanh việc phục vụ các sinh viên - lượng cư dân đông đúc nhất của mình. Chính Leuven tạo ra một phong cách nhà cho thuê độc đáo, được gọi là các studio, nhỏ bé và gọn ghẽ, tiện nghi và linh hoạt, rất phù hợp với đời sống sinh viên, chỉ cần ngồi ở bàn học, giơ tay ra là có thể với được mọi thứ xung quanh.
Đặc biệt là giá thuê cũng rất sinh viên. Ngoài ra, Leuven còn có rất nhiều các quán ăn kiểu sinh viên, với mức giá một suất ăn chỉ từ 3 - 5 Euro/suất.
Trong đó, những quán bánh mỳ sinh viên đã trở thành một thương hiệu của thành phố này. Khi tới với Leuven, du khách không thể bỏ qua thú vui được thưởng thức một chiếc bánh mỳ… sinh viên.
Như Mai phân tích, bánh mỳ sinh viên có hai loại, đó là bánh mỳ kiểu “Tây” và kiểu “Ta”. Bánh mỳ sinh viên kiểu “Tây” là loại bánh baguette thông dụng, được xẻ giữa để phết bơ, nhồi nhân gồm các loại thịt nguội như ham, salami, thịt xông khói, thịt bò băm, các loại cá và sốt maionaise.
Bánh mỳ sinh viên kiểu “Ta” do người Việt làm chủ, hoặc thuê người Việt làm đầu bếp, đó là bánh mỳ phết bơ, pa-tê kẹp thịt hoặc trứng, thịt thì có thịt lợn, gà, bò... Bánh mỳ cũng là loại đặt riêng như kiểu ở Việt Nam với chiếc bánh ngắn, hai đầu nhỏ, bụng phình to để chứa nhân.
Hồn Việt nơi xứ người
Trong chuyến ghé thăm thành phố Leuven lần này, chúng tôi được dự ngày khai trương một quán bánh mỳ sinh viên có tên “Ah Quý”. Chủ quán là một thanh niên trẻ tên Quý, người gốc Hải Phòng.
Hồi mới sang Bỉ, anh đi làm thuê cho một quán ăn Thái Lan ở Leuven. Làm thuê một thời gian, tới tháng 5/2017 anh Quý mở được quán bánh mỳ sinh viên của riêng mình.
Quán rộng chừng 70 mét vuông, nằm khu trung tâm thành phố, trên đường Gieelenof, anh Quý phải trả số tiền thuê quán hàng tháng là 1.500 Euro. Quán bánh mỳ sinh viên do Quý mở ra ngay ngày đầu tiên đã đông khách, trong đó chủ yếu là giới sinh viên.
Hầu hết các lưu học sinh tại Bỉ đã từng biết đến hương vị món bánh mỳ pa - tê kẹp thịt của Việt Nam (vì nơi này cũng có những quán như thế và khá nổi tiếng, được sinh viên ưa chuộng), nay thấy có mở quán mới thì ghé ăn thử xem có ngon hơn không, thêm nữa vào ngày khai trương còn được giảm giá một nửa.
Quán của anh Quý tất nhiên có phục vụ những loại bánh mỳ kẹp như: Bánh mỳ kẹp giò, bánh mỳ thịt heo, bánh mỳ thịt gà, bánh mỳ thịt bò và bánh mỳ đậu phụ dành cho người ăn chay. Chúng tôi gọi mỗi người một suất bánh mỳ kẹp thịt.
Bánh được làm nóng giòn, phết bơ, và pa - tê, nhồi thịt lợn kho, thêm dưa leo, gỏi chua và rau mùi, còn được bổ sung maionaise, một lượng hào phóng nước sốt thịt ngọt theo kiểu Nam Bộ.
Tất cả các vị hòa vào nhau ăn khá vừa miệng, thêm nữa vỏ bánh mỳ cũng rất ngon do được chọn làm bằng loại bột mỳ tốt. Một chiếc bánh mỳ như thế này là đủ chất và no bụng.
Ngoài bánh mỳ sinh viên, quán của anh Quý còn phục vụ các món ăn đặc trưng Việt Nam như bún chả, cơm rang, gỏi cuốn. Tất cả các món đều có giá rất sinh viên, từ 2,5 Euro - 5 Euro/suất.
Ăn xong chiếc bánh mỳ sinh viên ở quán anh Quý, chúng tôi bước ra ngoài phố đầy nắng. Thành phố Leuven đang khoe sắc trong ngày nắng đẹp như thế này.
Trên vỉa hè các phố, trong công viên thành phố, trên bãi cỏ đầy nắng, từng nhóm sinh viên ngồi phơi nắng trò chuyện hoặc ăn suất ăn bánh mỳ sinh viên của mình. Ngẫu nhiên thấy vui vui trong lòng, không hẳn vì cảnh và người, chủ yếu cảm giác tự hào thầm len lên trong lòng.
Giữa thành phố hoa lệ ở châu Âu này, người Việt cũng biết cách ghi dấu ấn trong lòng bạn bè, ít nhất là từ món đặc sản bánh mỳ sinh viên Leuven kiểu Việt Nam, một phần ẩm thực độc đáo của đất Việt trên xứ người…