Bà Văn Quỳnh Giao - Hiệu trưởng THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): Hãy để trẻ sống đúng với những gì mình có

GD&TĐ - Học vấn là tiền đề một người có thể thành công trong cuộc sống. Nhưng  để thành công trong sự nghiệp thì niềm đam mê, ước muốn của cá nhân sẽ quan trọng hơn cả và đôi khi không phải học là sẽ giỏi, sẽ thành công, sẽ giàu. Trao đổi của bà Văn Quỳnh Giao – Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) với Báo GD&TĐ.

Bà Văn Quỳnh Giao - Hiệu trưởng THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội)
Bà Văn Quỳnh Giao - Hiệu trưởng THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội)

- Thưa bà, kỳ vọng mà cha mẹ đặt lên con cái không phải là một câu chuyện mới, nhưng luôn luôn gây nhức nhối, thậm chí dẫn đến nhiều thảm cảnh đau lòng. Là giáo viên, bà có bao giờ nghe được tiếng lòng của con trẻ, hiểu cho chúng hay không?

- Học sinh thời nào cũng phải đối diện với nhiều áp lực, và thời nay điều đó càng nặng nề hơn. Tôi nhớ cách đây không lâu, khi Sở GD&ĐT Hà Nội không cho tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6 mà chỉ xét học bạ, ngay lập tức học sinh bị áp lực về điểm số, buộc phải có điểm cao để có học bạ đẹp, nhờ đó mới vào được trường mà mình mong muốn.

Năm 2018, Sở GD&ĐT cho phép các trường được tổ chức cho học sinh thi tuyển vào lớp 6, các con lại phải chịu một áp lực cao hơn. Đó là phải học giỏi để làm những ngành nghề hot, kiếm được nhiều tiền.

Tôi hiểu áp lực của các con. Và tôi cũng hiểu đó là sai lầm của phụ huynh. Khi phụ huynh đặt áp lực cho con phải nghĩ đến khả năng của con mình. Tư duy và khả năng của mỗi học sinh là khác nhau, mức tiếp thu của các em chỉ ở mưc độ này nhưng cha mẹ lại đặt lên vai chúng một sức ép gấp đôi thì đương nhiên con sẽ mệt mỏi, không muốn đến trường. Đó là điều phản giáo dục.

- Có tấm gương nào nhờ “tảng đá áp lực 0 kg” mà thành đạt không, thưa bà?

- Có chứ, thậm chí rất nhiều.

Chắc hẳn mọi người còn nhớ nhân vật nổi tiếng có tên Linh Lioa, đó là con trai của một người bạn rất thân với bố tôi. Nghe bố tôi kể lại rằng, cả gia đình anh Linh Lioa theo nghiệp văn chương báo chí, bố là nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục còn mẹ là giảng viên Đại học Y Hà Nội, chú là học giả nổi tiếng Nguyễn Khắc Viện, ông là Hoàng Giáp Thượng Thư Triều Đình Huế Nguyễn Khắc Niêm. Riêng Linh “được thả lỏng” để đeo đuổi đam mê với những máy móc linh kiện điện tử. Sau này anh trở thành một người rất nổi tiếng và thành đạt ở lĩnh vực mà anh đam mê. Đáng nói, Linh mới chỉ tốt nghiệp lớp 12.

Đằng sau sự thành công của Linh Lioa là gì? Là sau khi học hết lớp 12 anh đã xin đi làm công nhân - đi ngược với con đường học vấn của cả gia đình. Điều quan trọng nhất là, bố mẹ rất tôn trọng sự lựa chọn của anh.

Tôi kể câu chuyện này để thấy rằng, phụ huynh nên nhìn nhận lại những kỳ vọng thái quá của bản thân và đem những cái đó áp đặt lên con. Nếu ngày xưa bố mẹ Linh Lioa cứ ép anh theo con đường học vấn thì đến giờ chưa chắc có một Linh Lioa thành công. Quan trọng là cha mẹ định hướng cho con theo ước mơ, niềm đam mê của con và dạy con biết nỗ lực bằng khả năng của bản thân để chạm tay vào ước mơ đó. Các con sống cuộc đời của các con và xứng đáng được theo đuổi mơ ước của mình chứ không phải của bố mẹ.

- Thưa bà, bố mẹ nào cũng lấy lý do muốn con có tương lai tốt, sống một cuộc sống sung sướng và hạnh phúc, không chấp nhận sự thất bại hay trái ý của con. Con trẻ vì thế mắc kẹt trong một mớ bòng bong, và cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình…

- Tôi hiểu đành rằng là vậy. Ví như một người nông dân đương nhiên họ muốn con họ không phải sống cuộc đời chân lấm tay bùn như mình. Nhưng họ phải nhìn nhận và chấp nhận khả năng của đứa trẻ. Khi nó không có khả năng thì người nông dân không thể bắt con đi nghiên cứu khoa học được.

Trong xã hội có rất nhiều ngành nghề để đứa trẻ vấn có thể kiếm tiền, vẫn có thể sống hạnh phúc và quan trọng là chúng khẳng định được khả năng của bản thân như những gì chúng có. Hãy để đứa trẻ sống với đúng những gì nó có.

Ở nước ngoài họ rất tiến bộ trong việc giáo dục con, họ để con tự lập từ rất sớm, cho con chọn những gì mà đứa trẻ thích. Tôi có một người bạn tại Thái Lan. Người Thái thường rất chuộng việc cho con đi học nước ngoài tại Anh, Mỹ nhưng bạn ấy lại quyết định sang Nga và rất may mắn được bố mẹ tôn trọng. Giờ đây, bạn đã trở thành người rất thành đạt. Có lần tôi hỏi “có hối hận khi sang Nga không”, bạn vẫn trả lời là “không”.

- Với phần đông bố mẹ Việt, điểm số vẫn là thước đo tuyệt đối năng lực học hành của con. Nếu con không đạt điểm số cao, họ coi đó là sự sỉ nhục, là không xứng đáng, là đồ bỏ đi… Không dễ để có sự cảm thông từ mẹ cha, những đứa trẻ ấy thật là khốn khổ…

- Tôi đã nhiều lần nói, trong việc học của con ở trường, bố mẹ đừng áp lực quá về việc bắt con phải đạt điểm 9, điểm 10. Tư duy của mỗi đứa trẻ không phải bố mẹ muốn là được, có những học sinh không học được và điểm 7, điểm 8 với chúng đã là cả một sự nỗ lực rất lớn. Người lớn chúng ta nên ghi nhận điều đó và động viên đứa trẻ chứ không phải chì chiết chúng là tại sao các bạn điểm 10 mà con chỉ điểm 8.

- Với tư cách là một hiệu trưởng, bà đã bao giờ phải tranh luận với phụ huynh về những áp lực họ vô tình hoặc cố ý đặt lên vai con mình?

- Ngay tại Trường Lương Thế Vinh, có một học sinh rất đam mê môn bóng rổ và chỉ mơ ước được hoạt động trong lĩnh vực thể thao. Tuy nhiên, mẹ của bạn này chỉ mong con sau này theo học toán. Nhờ học thêm suốt ngày đêm, bạn cũng đỗ vào lớp chuyên Toán T2 của trường.

Tuy nhiên, trong thời gian học tại lớp T2, bạn luôn xếp hạng bét và điểm số luôn luôn là 5 - 6. Tôi đã trực tiếp chia sẻ với phụ huynh rằng: “Con không có khả năng học Toán. Mẹ nên cho con học lớp thường cùng các bạn và sau này cho con theo đuổi mơ ước thể thao”. Thế nhưng mẹ bạn không nghe. Sự tình như vậy cứ kéo dài, bạn luôn nhận điểm thấp và bố mẹ luôn mắng thậm tệ. Cho đến một hôm, họ suýt nữa mất con.

Buổi sáng con vẫn đến trường. Tuy nhiên, buổi chiều bố mẹ không thấy con về, quay lại hỏi trường thì xe con vẫn để ở trường nhưng người không thấy đâu. Đến 12 giờ đêm họ mới tìm thấy con ở bờ đê sông Hồng. “Con sẽ đi, không ở cùng bố mẹ để thoát khỏi việc học chuyên Toán theo ý mẹ” – con khóc khi được tìm thấy. Tôi nghĩ đây là bài học đắt giá không chỉ với phụ huynh em này mà với nhiều phụ huynh khác.

Tôi có cảm giác bố mẹ trẻ kỳ vọng vào con nhiều hơn thế hệ già. Bởi lẽ, nhiều bố mẹ trẻ rất giỏi, có bằng tiến sĩ ở Anh, Mỹ và họ nghĩ rằng một điều dĩ nhiên là con họ phải giỏi giống họ. Đó là một nhận thức sai lầm.

- Xin cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ