Ép con học bằng mọi cách
Mặc dù công việc kinh doanh bận rộn, nhưng chị Nguyễn Thị Ngoan (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) vẫn đều đặn hàng ngày đưa đón cậu con trai lớp 5 đến trường. Không chỉ học trên trường, Nam Anh - con trai chị còn tham gia nhiều lớp học năng khiếu, học thêm tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ.
Những mong con học hành chăm chỉ, không thua bạn kém bè, chồng chị cũng đồng tình việc cho con tham gia các lớp học thêm bằng cách nhận trọng trách đưa đón con đi học vào các buổi tối và ngày cuối tuần. Cứ như vậy, lịch học của cậu bé dày đặc, hai vợ chồng chị Ngoan thay nhau làm “xe ôm” đưa đón con bất kể nắng mưa.
Chị Ngoan tâm sự: Chồng tôi làm công chức Nhà nước, giờ giấc khắt khe không đưa đón con những ngày trong tuần thì nhận chở con đi học thêm ngoài giờ hành chính và ngày cuối tuần. Cứ đi học về là thằng bé ăn uống vội vàng, ba chân bốn cẳng lao vào làm bài về nhà để tối có thời gian học tiếng Anh và Toán tư duy tại trung tâm. Điều kiện kinh tế gia đình không dôi dư nhưng cố gắng chắt bóp cho con học hành tử tế, không thua kém bạn bè. Cũng may mắn cháu học tốt, không phụ công mong mỏi của hai vợ chồng.
Giống như chị Ngoan, chị Huyền Trang (quận Ngô Quyền) không tiếc tiền của, công sức đầu tư cho con. Gặp chị ở trung tâm tiếng Anh, nhiều người cứ ngỡ chị là trợ giảng hoặc nhân viên bởi sự có mặt thường xuyên của chị vào các buổi tối trong tuần. Khi trò chuyện mới biết, chị có hai con, một bé lớp 2 và một bé lớp 5 đều học tại trung tâm. Một tuần mỗi bé học 2 buổi nên tối nào chị cũng đưa hai con đến trung tâm theo học.
Chị Huyền Trang chia sẻ: “Trẻ con phải được rèn luyện vào khuôn khổ, học hành nghiêm túc từ bé. Tôi thường đưa ra lịch học và nghiêm khắc yêu cầu con thực hiện đúng, kể cả học thêm ngoài nhà trường. Con gái học cuối cấp, tôi tăng cường hơn môn Tiếng Anh, Toán, Văn để định hướng cho cháu đi theo ban D ngay từ đầu cấp 2”.
Trò chuyện cùng chị Ngoan, chị Huyền Trang mới thấy, mặc dù năm học mới vừa khởi động nhưng kế hoạch học tập cả năm học, thậm chí cho năm học tiếp theo đã được các chị vạch lộ trình rõ ràng, chặt chẽ. Cứ vậy, các bé gồng mình theo lịch học dày đặc mà bố mẹ đặt ra.
Áp lực điểm số đè nặng vai trẻ
Gần 30 năm công tác trong nghề, cô giáo Vũ Thị Loan (GV Trường THCS Trần Phú, quận Lê Chân, Hải Phòng) luôn được học sinh tin yêu, quý trọng. Điều khiến các trò luôn gần gũi không chỉ vì cô là giáo viên dạy Hóa giỏi, luôn tạo động lực giúp trò say mê và học giỏi môn Hóa học, mà cô còn là “chuyên gia tâm lý” gỡ rối cho các em. Theo cô Loan, ngoài một số vấn đề như tâm lý tuổi mới lớn, những xung đột tình cảm với bạn khác giới, việc học sinh bị áp lực học hành từ phía gia đình tạo nên tâm lý bất thường là vấn đề thường gặp.
Cô Loan kể, trong lớp cô từng chủ nhiệm, có em là cán bộ lớp, học rất giỏi nhưng bị các bạn xa lánh. Khi tìm hiểu, cô mới biết, do bị áp lực điểm số từ bố mẹ, em thường tìm mọi cách để có điểm cao, thậm chí thỏa thuận trao đổi đề cho bạn khác. Khi phát hiện bạn đó có những gian dối trong thi cử để đạt điểm cao, nhiều bạn cùng lớp xa lánh. Cứ như thế, em trở nên cô độc, không có bạn chơi, nhiều lúc nghĩ đến cái chết.
Tôi nhận thấy biểu hiện tâm lý không bình thường của em và gần gũi, động viên để tìm hiểu nguyên do. Nhiều đêm, tôi thức khuya để nhắn tin tâm sự cùng em. Cởi bỏ mọi lo âu, áp lực học tập, giúp em lấy lại cân bằng trong học tập. Đồng thời, động viên học sinh trong lớp, dạy các em tình yêu thương, đoàn kết bằng chính những hành động nhỏ của mình. Sau một thời gian, em lấy lại sự cân bằng về tâm lý và học giỏi bằng thực lực của mình.
Những năm gần đây, có nhiều trường hợp bị trầm cảm, stress thậm chí tự tử vì áp lực học hành. Theo TS Nguyễn Thị Quỳnh Phương - Trưởng khoa Tâm lý giáo dục học, Trường Đại học Hải Phòng: Việc các phụ huynh mong muốn con em mình chăm ngoan, học giỏi là chính đáng.
Tuy nhiên, cha mẹ không được tạo áp lực học hành lên vai trẻ quá mức. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của các con. Nhiều trẻ sẽ cảm thấy chán nản, coi việc học chỉ là nghĩa vụ để làm hài lòng cha mẹ mà không có niềm say mê, hứng thú. Thậm chí, trẻ có những suy nghĩ và biểu hiện tiêu cực khi điểm số không được như mong muốn của cha mẹ.
TS Nguyễn Thị Quỳnh Phương