Học sinh bị stress ngày càng nhiều
Từ sau khi thi hết học kỳ 1, chị Nguyễn Thị H. (Cầu Giấy) thấy cô con gái học lớp 9 trầm buồn, ít giao tiếp với mọi người và thỉnh thoảng than mất ngủ, đau đầu và học bài không vào. Chị đưa con đi khám cơ sở y tế tư nhân nhưng không phát hiện bệnh. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần trở lại đây, con gái chị gầy rộc, ngoài giờ đến lớp thường đóng cửa trong phòng, đặc biệt rất hay nổi đóa, cáu gắt mỗi khi bố mẹ hỏi về việc học tập, chọn trường cho kỳ thi đầu cấp III sắp tới. Hai vợ chồng chị đưa con tìm tới bác sĩ tâm lý và được khuyên cho con tới Viện Tâm thần thăm khám vì con chị có dấu hiệu rõ nét về stress.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. BS. Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai cho biết: “Áp lực học và thi cử khiến học sinh căng thẳng và bị stress ngày càng nhiều hơn. Nếu trước đây Viện hay điều trị cho học sinh bị stress trước kỳ thi đại học và sau đại học do rối loạn phân ly, sợ trượt, xấu hổ do không thi đỗ. Nhưng nay đã khác, độ tuổi bị stress đã sớm hơn, nhiều cháu THCS đã mắc”.
Theo chia sẻ của ông Tâm, các bác sĩ ở viện đã từng gặp và điều trị cho những học sinh giỏi, học trường chuyên, trường top trên với bệnh hay mắc nhất là rối loạn lo âu. Nhiều bệnh nhân trẻ đã chia sẻ, “con thấy nhà trường dạy quá nhiều thứ, cha mẹ bắt con học rất nhiều. Thế nhưng, con thấy người lớn ít sử dụng những thứ học trong trường. Vì thế, con không tìm thấy ý nghĩa và mất định hướng trong việc học”.
Theo phân tích của ông Tâm, trẻ ngày nay bị động, thường chạy theo kế hoạch của bố mẹ, nhà trường đặt ra. Điều này đã vô tình gây áp lực tâm lý cho trẻ. Hay giai đoạn định hướng nghề nghiệp, lựa chọn trường để học cũng dễ gây stress cho trẻ. Ngoài việc học hành, quan hệ mâu thuẫn với bạn bè, nhà trường, cha mẹ dẫn tới xung đột cá nhân cũng là nguồn cơn gây ra rối loạn cảm xúc, hành vi, dẫn tới trẻ bị stress, trầm cảm.
“Điều đáng nói, nếu trẻ không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng tới việc học, giảm khả năng làm việc, giảm chất lượng cuộc sống. Tình trạng stress kéo dài sẽ khiến trẻ dễ có suy nghĩ và hành động tiêu cực, thậm chí nghĩ đến cái chết... Để ngăn ngừa trẻ bị rối loạn tâm thần, cha mẹ cần quan tâm đến cảm xúc của con, động viên con học hết mình nhưng đừng quá áp lực về điểm số, học thì học nhưng chơi cứ chơi. Đặc biệt, đừng so sánh sức học của con với người khác, phải hiểu sức học của con ở mức độ nào, tránh đặt ra mục tiêu quá sức. Nếu thấy con có dấu hiệu mất tập trung, bồn chồn, mất ngủ… cần đưa trẻ đến Viện Tâm thần thăm khám kịp thời”, BS. Tâm khuyến cáo.
Thủng dạ dày vì căng thẳng học tập
Mới đây, cháu N.V.H. 16 tuổi (ở HN) nhập viện cấp cứu vì bị đau bụng dữ dội. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp chiếu các bác sĩ phát hiện nam sinh này bị thủng dạ dày. “Đây là ca bệnh loét, thủng dạ dày tuổi còn rất trẻ”, Ths.BS. Nguyễn Đình Liên, Khoa Ngoại, BV Đại học Y Hà Nội chia sẻ.
Qua khai thác tiền sử của nam sinh này thì được biết, do đang trong giai đoạn chuẩn bị thi vào cấp III với thời gian học choán gần hết cả ngày nên việc ăn uống, sinh hoạt của cháu H. thất thường. Mẹ H. cho biết: “Trước mấy ngày vào viện, cháu H. đã có biểu hiện đau âm ỉ vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua nhiều. Khi cháu đau bụng dữ dội ở trên rốn, gia đình vội cho đi cấp cứu. Đến viện, bác sĩ chẩn đoán thủng tạng rỗng, phải mổ nội soi, và phát hiện lỗ thủng ở dạ dày. May mắn vào viện kịp thời”.
Theo BS. Nguyễn Đình Liên, trường hợp thủng dạ dày ít gặp hơn, nhưng đau hoặc viêm loét dạ dày ở lứa tuổi học sinh ngày càng phổ biến và có xu thế xuất hiện càng nhiều ở trẻ nhỏ tuổi. Nguyên nhân gây bệnh do ăn uống không khoa học, thiếu vệ sinh, ngoài ra có do trạng thái lo âu, sức ép học tập lớn. Việc phụ huynh thúc ép trẻ học hành tạo cảm giác căng thẳng, khiến trẻ luôn rơi vào trạng thái lo lắng thái quá dễ dẫn tới bệnh dạ dày. Nếu không được lưu ý chăm sóc tốt, tiếp tục khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí thủng dạ dày…
“Để phòng bệnh, phụ huynh cân đối thời gian cho trẻ giữa việc học, nghỉ ngơi, chơi; bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý. Cha mẹ nên khuyến khích cho trẻ vận động, tham gia thể dục thể thao và các trò chơi giải trí lành mạnh để bớt tâm lý căng thẳng, lo âu vì áp lực học hành cho trẻ”, BS. Liên khuyến cáo.