Cùng dọn rác đến ... 2 giờ sáng
Chia sẻ về những ngày đầu triển khai mô hình này, anh Trương Tiến Mạnh - Bí Thư đoàn Trường CĐSP Trung ương - cho biết đã gặp không ít những phản hồi tiêu cực.
Anh Mạnh kể: Có sinh viên xả rác ngay cạnh thùng rác. Tôi trông thấy vậy không nhắc nhở gì, lẳng lặng cầm rác vứt vào thùng dưới cái nhìn khó hiểu của các bạn.
Có thể một hai câu nói nhắc nhở, các bạn sinh viên sẽ nghe theo một cách thụ động, nhưng hành động của tôi sẽ lại có tác động lớn đến ý thức và có cái nhìn tích cực hơn
Nói vậy, nhưng kỷ niệm vui thực sự nhiều hơn buồn. "Nhớ nhất kỷ niệm trong Chương trình kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn 26/3. Thực ra, Đảng ủy – Ban Giám hiệu nhà trường và phòng Quản trị cũng bố trí thuê lực lượng chuyên nghiệp để dọn dẹp vào ngày hôm sau.
Tuy nhiên, sau chương trình, dù đã rất mệt mỏi, các bạn sinh viên vẫn hô hào nhau, rồi một “biệt đội” được thành lập bao gồm cả cán bộ trẻ và sinh viên nhà trường, cùng nhau dọn dẹp, lau chùi, quét, bốc rác bằng tay, phân loại rác, xử lý rác,…
Khi không gian thoáng đãng, sạch sẽ vốn có của trường được trả lại, lúc đó đã 2 giờ sáng" - anh Trương Tiến Mạnh kể lại
Thay đổi ý thức
Anh Trương Tiến Mạnh chia sẻ: Thật ra sinh viên của trường, ý thức bảo vệ môi trường chưa được hình thành rõ nét. Do vậy, khó khăn đầu tiên để triển khai phong trào là vừa phải bồi dưỡng kiến thức, vừa thay đổi thói quen và vừa nâng cao ý thức cho đoàn viên sinh viên nhà trường; rồi làm sao để có một mô hình “3 xanh” đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, có sự tham gia hưởng ứng bằng việc làm cụ thể; lôi kéo 100% đoàn viên, thanh niên nhà trường hưởng ứng, tham gia.
Tuy nhiên, thật mừng là sau 1 năm triển khai, mô hình đã tạo bước chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống.
Công tác vệ sinh môi trường được nhà trường và đoàn thanh niên đặc biệt chú trọng. Trước và sau mỗi dịp lễ tết quan trọng, trong mỗi năm học, đoàn trường tổ chức 4 đợt tổng vệ sinh môi trường lớn.
Các đợt tình nguyện "Vệ sinh nhanh" huy động được sự tham gia của gần 10.000 lượt đoàn viên sinh viên. Trong mỗi đợt, các bạn đoàn viên ở chi đoàn tự lau chùi, dọn dẹp đồ dùng, dụng cụ, học tập như bảng viết, bàn ghế, lau dọn quạt, rèm cửa, vệ sinh các phòng học, phòng chức năng, vệ sinh khu nhà hiệu bộ, tưới cây xanh… làm thay đổi và mang lại một “bộ mặt” mới và sạch sẽ cho trường, lớp.
Bên cạnh đó, đội tình nguyện xung kích của trường luôn đi đầu trong các công việc chăm sóc, tưới cây, dọn rác quanh khuôn viên sân trường và kiểm tra vệ sinh các phòng ở tại kí túc xá với phương châm và khẩu hiệu: “Nhìn tôi nhé!”.
Đội thanh niên tình nguyện “Vì giảng đường thân yêu” cũng thường xuyên chủ động kiểm tra, nhắc nhở các phòng học tắt điện, quạt sau mỗi giờ học. Các hoạt động cụ thể và thiết thực đã thực sự có tác động rõ rệt tới ý thức của các bạn đoàn viên sinh viên trong nhà trường.
Đặc biệt, trong năm học vừa qua, đoàn viên sinh viên Liên chi đoàn khoa Xã hội & Nhân văn tích cực tham gia chương trình sáng tác truyện “Chung tay tích cực bảo vệ môi trường tại trường CĐ Sư phạm Trung ương" đóng góp cho đề tài cấp bộ của TS. Trần Thị Nga – nguyên Phó Bí thư Đảng ủy – nguyên Phó Hiệu trưởng Nhà trường với đề tài giáo dục vệ sinh môi trường cho học sinh sinh viên.
Giảng viên cũng làm ... kế hoạch nhỏ
Đối với mô hình "Văn phòng xanh" dành cho cán bộ giảng viên, anh Trương Tiến Mạnh cho biết, mỗi cán bộ xây dựng một góc làm việc sạch sẽ, ngăn nắp, sắp xếp khoa học và thường xuyên lau dọn, vệ sinh.
Đồng thời, mỗi cán bộ, giảng viên đều tuân thủ nghiêm ngặt việc tiết kiệm sử dụng điện, nước, như tắt các thiết bị không cần thiết, kiểm tra chéo lẫn nhau các thiết bị máy móc, điện, quạt trước khi ra về.
Thậm chí, nhà trường còn phát động trong các chi đoàn cán bộ giảng viên tiết kiệm đồ dùng văn phẩm phẩm, như thu giấy đã sử dụng gây quỹ "Kế hoạch nhỏ", hay tiết kiệm tái sử dụng giấy một mặt đã dùng cho những văn bản nháp...
Bên cạnh đó, các chi đoàn cán bộ đẩy mạnh hình thức làm việc, trao đổi nội dung công việc giữa các ekip qua các phương thức thông tin điện tử vừa tiết kiệm thời gian, chi phí vừa đẩy nhanh tiến độ và tăng hiệu suất công việc.
"Với các hoạt động vô cùng thiết thực và cụ thể như trên, đoàn viên sinh viên và cán bộ giảng viên đã thực sự tạo ra một cảnh quan hoàn toàn mới cho nhà trường.
Mô hình bước đầu đã có những tác động tích cực và hiệu quả tới ý thức của đoàn viên sinh viên, các phong trào thi đua ngày càng sôi nổi và thực sự có sức lan tỏa" - anh Trương Tiến Mạnh vui mừng cho biết.
Phương châm triển khai: Làm - làm và làm
Bí quyết thành công của mô hình "3 xanh", theo anh Mạnh vô cùng đơn giản, đó là: Làm - làm và làm. Sinh viên làm, cán bộ làm, phòng ban làm, toàn nhà trường làm.
Tất cả cùng chung tay làm, làm từ những điều nhỏ nhặt nhất như nhặt cái vỏ kẹo vứt vào thùng rác; quay lại tắt bóng đèn khi không còn sử dụng,… cho đến việc trực tiếp cùng sinh viên tham gia, đóng góp, khuyến khích sinh viên sáng tạo vào các chiến dịch bảo vệ môi trường...
Đồng thời, chú trọng và đẩy mạnh tuyên truyền, các hoạt động, các cuộc thi có nội dung sâu sắc và thiết thực để giáo dục đoàn viên sinh viên nâng cao kiến thức và ý thức trong việc thực hiện và xây dựng mô hình “3 xanh”.
"BCH Đoàn thanh niên triển khai mô hình "3 canh" đến các chi đoàn dựa trên các tiêu chí cụ thể và phương châm “3 không” và “3 có”. “3 không” là không hút thuốc lá, không xả rác bừa bãi và không xâm phạm cảnh quan chung. “3 có” là có đăng ký chăm sóc hoặc trồng hoa, cây xanh, có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và có không gian học tập, làm việc, sinh hoạt ngăn nắp.
Đồng thời, mô hình cũng bao gồm nội dung tổ chức hoạt động tình nguyện “Ngày thứ bảy vì đường phố không rác - không bụi - không lộn xộn" tại các điểm công cộng trên địa bàn phường, quận" - anh Trương Tiến Mạnh.