Yếu tố “then chốt” để tính ngày cách ly

GD&TĐ - Một số trường hợp có yếu tố dịch tễ di chuyển phức tạp, tiếp xúc nhiều yếu tố nguy cơ, khó xác định được thời điểm tiếp xúc với người bệnh.

Kết quả F1 trước khi vào khu cách ly tập trung là yếu tố cần chú trọng. Ảnh: HCDC.
Kết quả F1 trước khi vào khu cách ly tập trung là yếu tố cần chú trọng. Ảnh: HCDC.

Khi đó, thời gian cách ly của họ sẽ tính từ ngày vào khu cách ly tập trung.

Thời điểm cuối tiếp xúc F1

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), thời gian ít nhất 21 ngày tính từ lúc vào khu cách ly tập trung được áp dụng với nhóm nhập cảnh. Lý do là bởi, không thể xác định thời điểm tiếp xúc lần cuối với người nhiễm SARS-CoV-2.

Đối với các F1 tiếp xúc gần với F0 ở trong nước, hiện nay sẽ áp dụng cách ly 21 ngày tính từ thời điểm tiếp xúc lần cuối với người nhiễm Covid-19.

HCDC nhấn mạnh, việc xác định thời điểm tiếp xúc cuối cùng F1 là rất quan trọng. Bởi, đây là yếu tố sẽ quyết định thời gian cách ly tập trung. Những trường hợp có yếu tố dịch tễ rõ ràng, biết thời điểm tiếp xúc cuối cùng với người nhiễm SARS-CoV-2, thì thời gian cách ly sẽ được tính ít nhất 21 ngày sau lần tiếp xúc cuối cùng với F0.

Tuy nhiên, với một số trường hợp F1, điều tra không xác định được thời điểm tiếp xúc cuối cùng. Một số trường hợp F1 có thể tiếp xúc nhiều lần với một F0. Thậm chí, một F1 có thể tiếp xúc với nhiều F0 khác nhau.

Với các trường hợp có yếu tố dịch tễ di chuyển phức tạp, tiếp xúc nhiều yếu tố nguy cơ, khó xác định được thời điểm tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2, thời gian cách ly sẽ tính từ ngày vào khu cách ly tập trung.

Trước đó, ngày 5/5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã ban hành công điện về việc điều chỉnh thời gian cách ly tập trung, thời gian quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung và xét nghiệm phòng, chống Covid-19.

Theo công điện, các trường hợp phải cách ly tập trung theo quy định điều chỉnh thời gian từ ít nhất 14 lên ít nhất 21 ngày liên tục. Thời gian được tính từ ngày vào khu cách ly hoặc tiếp xúc lần cuối với người nhiễm SARS-CoV-2.

Mới đây, một bác sĩ 28 tuổi, đang làm việc tại một phòng khám TPHCM phản ánh cơ quan chức năng về việc bị tính sai ngày cách ly tập trung so với quy định của Bộ Y tế.

Theo đó, người này tiếp xúc với bệnh nhân ngày 22/5. Ngày 2/6, nam bác sĩ được phát hiện mắc Covid-19. Bệnh nhân được đưa đi cách ly tập trung, yêu cầu ở đủ 21 ngày kể từ lúc vào khu cách ly.

Chú ý tới kết quả F1

Ngày 3/6, Bệnh viện quận Gò Vấp phải tạm dừng hoạt động vì liên quan đến một bệnh nhân từ F3 thành F0. Cụ thể, bệnh nhân 30 tuổi (ngụ phường 12, quận Gò Vấp) là nhân viên văn phòng một công ty ở Quận 5.

Bệnh nhân cũng làm công việc giao hàng bán thời gian cho một ứng dụng. Ngày 31/5, người này được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 do tiếp xúc với một F2 từ 25/5.

Sáng 29/5, bệnh nhân đi khám sức khỏe tại Bệnh viện quận Gò Vấp nhưng không khai báo dịch tễ đầy đủ, sau đó về nhà. Sau khi ghi nhận trường hợp này, Bệnh viện quận Gò Vấp đã tạm ngừng nhận bệnh nhân để tiến hành khử khuẩn.

Mới đây, HCDC cũng cho biết, thành phố ghi nhận một bệnh nhân Covid-19 là F5. Người này có liên quan đến chuỗi lây nhiễm Hội truyền giáo Phục Hưng. Trường hợp này đã được cách ly từ trước.

F5 này liên quan đến BN 6288 - thành viên Hội truyền giáo Phục Hưng. BN 6288 đã lây bệnh cho 5 trường hợp F1. Sau đó, 5 người này lây cho 19 người tiếp xúc - F2 của BN 6288, 3 người F3, một người F4.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), nếu F3 dương tính, F2 phải dương tính. Trong trường hợp F2 âm tính, điều đó nghĩa là F3 lây từ F0 khác.

“Quan trọng nhất là kết quả của F1 trước khi vào khu cách ly. Nếu trước khi vào khu cách ly, F1 âm tính, tức là họ không phát tán virus ra môi trường. Lý do F2 cần cách ly tại nhà là vì cần có thời gian xét nghiệm F1. Nếu F1 âm tính, nhưng F2 dương tính, tức là người đó đã lây từ nguồn khác”, chuyên gia giải thích.

Bác sĩ Khanh dẫn chứng, trong một số tình huống, sau khi tiếp xúc với mọi người 10 ngày, F0 mới có kết quả dương tính. Thời gian từ 10 ngày đó trở lại, nếu F1 bị lây, tức là họ đã ủ bệnh từ trước.

Do đó, chuyên gia nhấn mạnh, không cần thiết yêu cầu F1 cách ly 21 ngày từ thời điểm tiếp xúc cuối cùng với F0. Thay vào đó, F1 cần được yêu cầu cách ly 21 ngày từ lần đầu tiếp xúc với F0.

Về trường hợp F5 trở thành F0, bác sĩ Khanh cho biết, cần xem xét trường hợp đó có ở trong khu phong tỏa không. Nếu có, những người trong khu phong tỏa nên thực hiện đúng hướng dẫn của ngành Y tế, vì có thể sẽ mở rộng xét nghiệm.

Người nào đến khu phong tỏa nên tự đánh giá, liệu thời gian mình ở đó có nguy cơ bị virus tấn công không. Bởi, khi F5 mắc Covid-19, chứng tỏ virus đã tồn tại ở đó một thời gian. Bác sĩ Khanh khuyến cáo, người dân cần khai báo y tế chính xác.

Nếu F5 không nằm trong khu phong tỏa, chứng tỏ, F4, 3, 2, 1 đã trở thành cầu nối đưa virus tỏa đi nhiều hướng. Vì vậy, mọi người được khuyến cáo cần kiểm tra lại nơi mình đã đi.

“Khi nghe lây đến F5 thì vai trò của cộng đồng càng quan trọng và đương nhiên ban ngành liên quan phải quyết liệt”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.