Xuôi dòng Kôn Giang

Xuôi dòng Kôn Giang
(GD-TĐ) - Trong tâm thức người dân “xứ nẫu” Bình Định, sông Kôn không chỉ là một dòng sông lớn nước chảy tự nhiên khi hiền hòa, khi dữ dội mà nó còn là một dòng sông tràn đầy nền văn hóa. Đi dọc dài dòng Kôn Giang mới thấy điều đó quả thật không ngoa…
Nói về dòng sông lịch sử này, chúng tôi xin bắt đầu từ ngọn nguồn của nó. Kôn Giang nằm trên địa bàn xã Vĩnh Sơn huyện miền núi Vĩnh Thạnh – Bình Định, cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Trong cuốn biên khảo làng Cây Dừa (tên gọi ngày xưa của huyện miền núi Vĩnh Thạnh) của tiến sĩ Diệp Đình Hoa đã thể hiện những cứ liệu minh chứng rằng thuở xa xưa, biển cả đã từng “có mặt” ở đây, tại chân núi rừng Vĩnh Thạnh này. Rồi theo thời gian, biển cứ lùi xa núi rừng, chỉ còn lại mỗi một con sông hùng tráng mạnh mẽ vươn mình ra biển lớn có tên là sông Kôn bây giờ. Tháng ngày trôi qua, con sông ấy cứ chảy mãi nên làng. Làng làm nên các vương triều
 Suốt mười mấy thế kỉ trôi qua, sông Kôn đã chảy qua kinh đô của nhiều vương triều, chảy qua bao dấu tích phế hưng, sau nhiều vật đổi sao dời chỉ còn thấp thoáng trong những trang sử ngắn hoặc mơ mơ hồ hồ trong truyền thuyết. Nhưng bây giờ, dòng sông vẫn còn giữ lại những giá trị lớn làm nên diện mạo một vùng đất.
Ở thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) vẫn còn dấu tích một bến sông đã làm nên lịch sử vĩ đại của dân tộc: Bến Trường Trầu. Về lại chốn xưa, chúng tôi được nghe ông lão Mạc Cứ, đã ngấp nghé “bát thập” ở khối 1, thị trấn Phú Phong kể về bến Trường Trầu bằng những câu chuyện xa xưa mà ông được nghe những người xưa kể lại: “Ấy là vào thế kỉ XVIII, làng Kiên Mỹ (thị trấn Phú Phong) là vùng đất nối giữa miền xuôi và miền ngược giữa vùng Tây Sơn Thượng Đạo (An Khê – Gia Lai ngày nay) và Tây Sơn Hạ Đạo (Tây Sơn bây giờ). Sông Kôn ngày ấy gần như là con đường giao thương giữa 2 vùng đất với các món hàng trầm hương, trầu nguồn, mật sáp, ngà voi ở vùng thượng đạo mang xuống và lúa, gạo, hàng hóa tiêu dùng hạ đạo mang lên. Thế nhưng trong món hàng ấy, nhiều nhất vẫn là mặt hàng trầu nên mới có cái tên là bến Trường Trầu.
Thân sinh ba anh em nhà Tây Sơn là ông Hồ Phi Phúc, vốn làm nghề buôn bán trầu thường xuyên xuôi ngược trên sông Kôn đã gặp gỡ rồi bén duyên với bà Nguyễn Thị Đồng ở thôn Phú Lạc, xã Bình Thành (Tây Sơn). Ba anh em nhà Tây Sơn trải qua thời niên thiếu bên dòng sông này. Lớn lên, Nguyễn Nhạc nối nghiệp cha làm nghề buôn trầu. Thuở ấy, chợ Kiên Mỹ mỗi tháng có 3 phiên chợ vào các ngày mùng 8, 18 và 28 Âm lịch. Vào những ngày này, anh Hai Trầu (Nguyễn Nhạc) cùng 2 người em là Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ chở những xuồng trầu từ huyện An Khê (Gia Lai) vùng Tây Sơn Thượng Đạo cập bến Trường Trầu để mang về chợ Kiên Mỹ bán. Bến Trường Trầu không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi 3 anh em nhà Tây Sơn tụ nghĩa mở ra cuộc đấu tranh nông dân. Chính đây là nơi nhà Tây Sơn đã tập trung những anh hùng kiệt xuất. Chùa Tịnh Xá nằm sau di tích bến Trường Trầu hiện nay chính là nhà kho chứa trầu ngày xưa của 3 anh em nhà Tây Sơn.
Thuở Nguyễn Nhạc còn là anh Hai buôn trầu trên dòng sông    Kôn đã từng neo xuồng tại bến sông An Thái thuộc xã Nhơn Phúc (An Nhơn – Bình Định). Ở đây, Nguyễn Nhạc nghe danh rồi tìm đến với thầy giáo Hiến, một hiền tài võ nghệ song toàn từ xứ Hoan Châu (Nghệ An) vào đây tránh bàn tay hãm hại của loạn thần thời bấy giờ. Thầy giáo Hiến họ Lâm định cư bên bến sông An Thái mở trường dạy học cả văn lẫn võ. Ba anh em nhà Tây Sơn từ làng Kiên Mỹ (Bình Thành – Tây Sơn) tìm đến bái sư, trong đó Nguyễn Huệ là người học trò được thầy Hiến yêu thương nhất. Trước khi tiễn 3 người học trò về Tây Sơn thượng đạo lập căn cứ, chiêu mộ binh sĩ chuẩn bị khởi binh, thầy đã căn dặn như một lời tiên tri: “Tây Sơn tụ nghĩa, Bắc thu công”. Từ đó thầy giáo Hiến gắn đời với sự nghiệp nhà Tây Sơn lúc khởi nghiệp đến khi khải hoàn, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp vẻ vang của vương triều Tây Sơn. Nơi thầy giáo Hiến dạy văn, võ cho 3 anh em nhà Tây Sơn hiện nay là từ đường họ Lâm nằm ở thôn Thắng Công (xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn – Bình Định). 
Hồn thiêng của sông Kôn không chỉ sản sinh ra những bậc hào kiệt mà còn làm nên những tên tuổi trong nền văn học nước nhà. Ngoài danh sĩ người gốc Thanh Hóa – Đào Duy Từ, sông Kôn đã lưu lại theo suốt chiều dài của nó những tên tuổi lớn từ nửa cuối thế kỉ XIX đến nay như: Đào Tấn, Nguyễn Bá Huân, Đào Phan Duân, Hồ Sĩ Tạo… Trong đó, nhà thơ, nhà soạn tuồng, nhà lí luận sân khấu – danh nhân văn hóa Đào Tấn để lại sự nghiệp đồ sộ hơn cả. Ông được tôn vinh là Hậu tổ nghề hát bội.
Thế kỉ XX, từ nguồn Vĩnh Thạnh qua Tây Sơn, An Nhơn, đổ ra Tuy Phước, sông Kôn đã kịp ghi tên tuổi những nhà văn, nhà sử học, nhà nghiên cứu nổi tiếng: Diệp Đình Hoa, Quách Tấn, Xuân Diệu, Yến Lan, Vũ Ngọc Liễn, Mịch Quang, Nguyễn Mộng Giác… Nói đến đây, cũng cần phải nhắc lại rằng, thời Thơ Mới còn 2 thi sĩ trứ danh là Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên cùng sống, viết ở Bình Định và hợp với Quách Tấn, Yến Lan làm nên “Trường thơ Bình Định” sừng sững. Nhóm “Bàn Thành tứ hữu” này còn thu hút cả thi sĩ siêu thực tài năng Bích Khuê từ Quảng Ngãi vào.
 Cuộc hành trình ở nơi sông Kôn xin được dừng lại ở cửa Cách Thử (Cát Tiến – Phù Cát – Bình Định) - sông Kôn đã hòa với biển. Nhưng sông không mất đi mà òa vỡ hân hoan. Khi nhà Tây Sơn suy tàn, cửa Cách Thử bị “trời” lấp thành bãi cát dài hàng chục cây số, núi đảo Triều Châu phía trước trở thành bán đảo Phương Mai che chắn cho thành phố Quy Nhơn – Bình Định.  

Dương Lam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.