Xu hướng việc làm mới từ tác động của FTA

GD&TĐ - Các vấn đề lao động, việc làm mới trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) là chủ đề của Hội thảo Quốc tế do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 13/8.

Ông Đỗ Văn Giang chia sẻ thông tin về xu hướng việc làm mới
Ông Đỗ Văn Giang chia sẻ thông tin về xu hướng việc làm mới

Chất lượng lao động còn thấp

Thông tin về các vấn đề lao động, việc làm và thị trường lao động, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) Cao Thanh Thủy cho biết: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam tính đến quý I/2019 là 55,4 triệu người, trong đó ước tính 54,3 triệu người có việc làm. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của Việt Nam đang tăng dần theo các năm; từ 53% năm 2016 lên 56,1% năm 2017 và 58,6% năm 2018.

Trong những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động, trong đó chú trọng kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng và tay nghề cho người lao động.

Điểm nổi bật của thị trường lao động Việt Nam thời gian vừa qua bao gồm việc chuyển dịch theo hướng tốt hơn, số người làm công ăn lương, có quan hệ lao động tăng dần. Tỉ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 76%.

Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên, mức độ phân biệt giữa việc trả công cho lao động nam và nữ cũng được thu hẹp. Số lao động làm việc nước ngoài theo hợp đồng cũng tiếp tục tăng.

Bên cạnh những tín hiệu khả quan, thị trường lao động, việc làm và nguồn nhân lực của Việt Nam cũng vẫn tồn tại những hạn chế cần phải khắc phục, về cơ bản Việt Nam vẫn là thị trường nhiều lao động nông nghiệp, nông thôn với chất lượng cung lao động thấp, phân bổ chưa hợp lý; vẫn còn một tỷ lệ lớn lao động làm việc trong các nghề giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật...

Thúc đẩy đào tạo kỹ năng mới

Đánh giá những tác động từ FTA đến xu hướng lao động, việc làm và phát triển nguồn nhân lực, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), ông Đỗ Văn Giang cho biết: Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ kết nối mọi lúc, mọi nơi, giữa người với người và người với vạn vật; Trí tuệ máy sẽ là robot tạo ra robot, tạo ra lực lượng cạnh tranh, thay thế con người ở mọi cấp độ; thay đổi nguyên lý sản xuất;…

Trong bối cảnh tự do hóa, liên kết, hội nhập toàn cầu, FTA thế hệ mới sẽ tạo ra cục diện phát triển mới diễn ra với tốc độ rất cao và có phạm vi tác động bao trùm, toàn diện.

Với thực trạng và xu thế hiện nay, việc trang bị kiến thức kỹ năng mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo, tự động hóa,… cho nguồn nhân lực tương lai và thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cùng với các giải pháp hợp tác kết nối cung - cầu lao động hiệu quả là điều vô cùng cần thiết.

Định hướng đổi mới nâng cao chất lượng GDNN, ông Đỗ Văn Giang cho biết, giai đoạn đến năm 2030 mục tiêu cụ thể, sẽ nâng quy mô tuyển sinh đạt trên 6,3 triệu người/năm; 100 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí trường chất lượng cao, trong đó có 15 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển nhóm G20; 50 trường tiếp cận trình độ các nước Asean-4.

Ông Đỗ Văn Giang đồng thời nêu các giải pháp cụ thể như: tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về GDNN; Quy hoạch mạng lưới, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GDNN tinh gọn, hiệu quả; Tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động việc làm bền vững; Đẩy mạnh tự chủ cơ sở; Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ