Du học Đức tại Việt Nam với đầu ra thu nhập cao

GD&TĐ - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) vừa thông báo chương trình tuyển sinh và tổ chức đào tạo thí điểm 22 nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế theo các bộ chương trình chuyển giao từ CHLB Đức. 

Sinh viên học nghề Cơ điện tử với thiết bị đào tạo hiện đại của Đức.
Sinh viên học nghề Cơ điện tử với thiết bị đào tạo hiện đại của Đức.

Đây được xem là một chương trình du học Đức tại Việt Nam, với khả năng việc làm và thu nhập sau tốt nghiệp lên tới 20 triệu đồng/tháng…

Quy trình đánh giá năng lực đầu vào

Trao đổi về chương trình thí điểm đào tạo 22 nghề mới được chuyển giao từ Đức tại cơ sở, ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho biết: Chỉ tiêu nhà trường được tuyển sinh 2 lớp mỗi lớp 16 sinh viên cho 2 nghề: Điện công nghiệp và Cắt gọt kim loại.

Xúc tiến tuyển sinh chương trình này, bộ phận tư vấn của nhà trường sẽ giúp các em nắm rõ được tiêu chuẩn đầu vào, quá trình học, đầu ra việc làm, thu nhập cũng như các hoạt động liên quan. Để từ đó có thể quyết định đăng ký học theo chương trình hoặc chuyển đổi nguyện vọng.

Các em đã đăng ký học chương trình đào tạo khác cũng có thể đăng ký chuyển sang học theo chương trình này.

Nhà trường chuẩn bị nội dung ôn tập cho kỳ thi tuyển năng lực đầu vào để học sinh chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để tham gia chương trình thí điểm này.

Cụ thể về các môn văn hóa, học sinh sẽ được kiểm tra năng lực các môn học Toán, Lý, Hóa. Bài kiểm tra này thực tế không quá khó mà chủ yếu để nhận biết được người học có đủ năng lực học tập, tiếp thu những kiến thức mới.

Tiếp đến là khả năng ngoại ngữ và tin học thí sinh phải vượt qua được bài kiểm tra đánh giá năng lực để có thể tiếp thu và hoàn thành chương trình ngoại ngữ theo tiêu chuẩn B1 của châu Âu.

Đối với tin học, cần có nền tảng tối thiểu để tiếp thu chương trình đào tạo các môn về đồ họa, lập trình… Bên cạnh đó, kiểm tra về các chỉ số IQ và EQ để nhận biết về khả năng linh hoạt, thích ứng, hiểu biết xã hội…

Các bước kiểm tra, đánh giá đầu vào này sẽ giúp cho nhà trường lựa chọn được những sinh viên có đủ năng lực từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Tham gia chương trình đào tạo thí điểm này, nhà trường cũng đồng thời yêu cầu sự cam kết mạnh mẽ, quyết tâm theo đuổi đến kết quả cuối cùng từ phía phụ huynh và sinh viên. Bởi dự án thí điểm không có kế hoạch bổ sung khi chương trình đã đi vào thực hiện đào tạo.

Lợi ích lớn cho người học

Học phí của chương trình được áp dụng theo đúng quy định hiện hành. Cho phép mức học phí đóng theo Nghị định 86, như chương trình đào tạo quốc gia.

Lý giải về mức học phí hấp dẫn này, ông Ngọc cho biết, Nhà nước đã tài trợ hầu hết các chi phí học tập, từ tài liệu chuyên ngành cho đến tận… tờ giấy nháp. Mức nộp của sinh viên khoảng hơn 800 nghìn đồng/tháng chỉ là khoản hỗ trợ thêm về công tác quản lý nhà trường.

Có thể coi đây là chương trình du học nghề của Đức tại Việt Nam với nghĩa gần như chính xác tuyệt đối. Sinh viên được học đúng chương trình đào tạo tiêu chuẩn Đức. Hạn chế duy nhất là sinh viên còn thiếu sự tương tác với những điểm mới, sự linh hoạt, năng động của xã hội hiện đại như ở Đức.

Tuy nhiên, về lợi ích thì rõ ràng là rất lớn, nếu so sánh với chi phí cho một sinh viên sang Đức học 36 tháng, kèm theo đó là những điều kiện khác mà người học phải chuẩn bị. Ưu thế của chương trình là được chuyển giao đồng bộ, giáo trình được Việt hóa, đây cũng là chương trình mà đối tác đang sử dụng đào tạo nhân lực chất lượng cao tại Đức.

Đào tạo tại Việt Nam, sẽ bao gồm 2 chương trình tiếng Đức gốc và tiếng Việt để so sánh, giải quyết các vấn đề phát sinh về học thuật, kỹ thuật chuyên ngành trong suốt quá trình đào tạo.

Về trang thiết bị, cơ sở vật chất, chuyên gia Đức đã khảo sát kiểm tra từng hạng mục chi tiết nhất, theo danh mục của phía Đức đưa ra cho các trường đào tạo chương trình thí điểm này.

Chuẩn nhà giáo, nhà trường đề xuất dựa trên tiêu chuẩn của Đức đặt ra, các chuyên gia từ Đức sẽ kiểm tra hồ sơ, phỏng vấn… đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ đủ điều kiện dạy chương trình chuyển giao.

Công cụ đánh giá, giám sát được vận hành theo cơ chế trực tiếp và từ xa, sử dụng bộ công cụ của chương trình chuyển giao. Việc đánh giá, tổ chức thi tốt nghiệp sẽ do Phòng Thương mại tiểu thủ công nghiệp Đức là cơ quan độc lập thực hiện. Sinh viên tốt nghiệp được cấp hai bằng Việt Nam và Đức.

Cũng giống như quy trình đào tạo tại Đức, cơ sở đào tạo liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để sinh viên tiếp cận với kỹ năng thực tế, đồng thời cam kết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Ông Đồng Văn Ngọc khẳng định: “Nhà trường cam kết lương sau tốt nghiệp đối với sinh viên chương trình đào tạo thí điểm là từ 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức lương thực tế khả thi hơn sẽ từ 15 – 20 triệu đồng/tháng. Bởi chất lượng đầu ra của người học tương đương tiêu chuẩn châu Âu”.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo thí điểm chuyển giao từ Đức được triển khai từ năm 2019. Chương trình tuyển 1.056 sinh viên, tổ chức thành 66 lớp tại 45 trường cao đẳng nghề chất lượng cao cho 22 nghề. Các địa phương trong cả nước hoặc một số tỉnh, thành phố theo vùng tuyển sinh của trường được lựa chọn đào tạo thí điểm. Hình thức tuyển sinh: Xét tuyển hoặc thi tuyển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.