Đề xuất giảm thời gian làm việc xuống 44 giờ/tuần: Tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp?

GD&TĐ - Bộ luật Lao động (sửa đổi) có một số quy định liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ). Trong đó, đề xuất giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần đã nhận được nhiều phản hồi từ doanh nghiệp.

Giảm giờ làm việc, NLĐ có lợi nhưng doanh nghiệp lo ngại chi phí lương tăng, sức mạnh cạnh tranh bị suy giảm
Giảm giờ làm việc, NLĐ có lợi nhưng doanh nghiệp lo ngại chi phí lương tăng, sức mạnh cạnh tranh bị suy giảm

Kiến nghị của VASEP

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ban hành Công văn số 72/2019/CV-VASEP gửi Cục An toàn Lao động - Bộ LĐ-TB&XH trả lời về dự kiến giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.

Nội dung công văn đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do kinh tế toàn cầu vẫn trong giai đoạn khủng hoảng, nhất là do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp tục gia tăng. Hầu hết các DN đều thiếu lao động, nhất là các DN trong ngành da giày, dệt may, thủy sản, điện tử... Do đó, các DN vẫn có nhu cầu tổ chức làm thêm giờ và đang phải đề xuất Bộ luật Lao động nới rộng ngưỡng giờ làm thêm được phép.

Việc giảm giờ làm thêm trong bối cảnh này càng làm gia tăng gánh nặng cho DN, gây tác động xấu đến nền kinh tế, cụ thể: Dự thảo Bộ luật Lao động yêu cầu tính lương làm thêm giờ theo lũy tiến, trong khi giờ làm việc lại dự kiến giảm xuống khiến chi phí tiền lương, tiền công lao động ngày càng tăng cao, gia tăng gánh nặng cho DN, làm giảm sức mạnh cạnh tranh ...

Về thông lệ quốc tế, giờ làm việc trong khoảng 40 - 44 giờ/tuần đa phần đều thuộc các quốc gia phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản, Singapore... còn các nước đang phát triển và các quốc gia mới nổi đều quy định ở mức 48 giờ/tuần.

Xét các ảnh hưởng và tác động xấu đối với DN Việt Nam nói riêng, đối với toàn nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như tương quan của các nước khác đang trong hiện trạng phát triển tương tự Việt Nam, Hiệp hội VASEP đề nghịgiữ nguyên số giờ làm việc trong Bộ luật Lao động sửa đổi là 48 giờ/tuần như quy định hiện hành.

Mâu thuẫn tăng lương giảm giờ làm

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đề xuất này nhằm cải thiện điều kiện cho NLĐ, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề được kiến nghị vì cho rằng đề xuất gây cản trở, khó khăn cho DN. Điều chỉnh giờ làm ngày thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, thì một năm sẽ giảm tới 220 giờ, điều này không hợp lý với DN.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, xã hội càng hiện đại, nước càng giàu thì thời giờ làm việc càng ngắn, nước càng nghèo thì thời giờ làm việc càng dài; nước có năng suất lao động càng cao thì số giờ làm việc của NLĐ càng thấp, năng suất càng thấp thì số giờ làm việc của NLĐ càng cao; số giờ làm việc của NLĐ cao hay thấp phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố kinh tế, xã hội, bên cạnh các yếu tố khác như sức khỏe, điều kiện lao động, môi trường...

Nếu sửa đổi giờ làm việc xuống còn 44 giờ/tuần thì giờ làm thêm sẽ tăng lên và tính lương theo lũy tiến thì sẽ là gánh nặng thêm cho DN. Muốn sử dụng lao động làm việc bình thường như cũ thì DN sẽ phải trả mỗi tuần 4 giờ làm thêm, đây là gánh nặng chi phí rất lớn cho DN nội, khi có tới 98% là DN vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ có năng lực hạn chế, rất khó cạnh tranh với các DN nước ngoài có tiềm lực kinh tế mạnh.

Việc giảm giờ làm cũng sẽ thách thức khả năng tích lũy và tồn tại cũng như phát triển tương lai của DN nội, chưa kể đến khả năng bị cạnh tranh các đơn hàng xuất khẩu với các nước khác đang có lợi thế hơn về giá nhân công lao động.

Việt Nam với thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp (2.340 USD vào năm 2017 theo số liệu của World Bank), năng suất lao động còn ở mức thấp, tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp vẫn còn lớn (các ngành sản xuất gia công, lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may, thủy sản, da giày, chế biến gỗ…) thì nhu cầu mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ là có thực để góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Theo các chuyên gia, đây là giải pháp nhằm rút ngắn khoảng cách về thời gian làm việc đang có sự bất bình đẳng giữa NLĐ ở khu vực công và khu vực DN. Tuy nhiên, giải pháp nào thì cũng cần sự cân bằng lợi ích từ cả hai phía DN và NLĐ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.