Xu hướng tích cực

GD&TĐ - Kết thúc thời gian đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, Bộ GD&ĐT đã công bố số liệu cụ thể về số lượng thí sinh, số nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Những ngày qua, dư luận để tâm nhiều đến con số 315.993 thí sinh ban đầu có dự kiến đăng ký xét tuyển vào đại học nhưng sau đó không nhập nguyện vọng lên hệ thống. Bên cạnh đó là số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm nay giảm khoảng 20% so với năm 2021 và 3,4% so với năm 2020.

Vì sao số thí sinh từ bỏ theo đuổi giảng đường đại học tăng? Lý giải chênh lệch sâu giữa năm 2021 và 2022 có lẽ không phải quá khó. Bởi ai cũng biết năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thí sinh không thể du học và không ít em học phổ thông, đại học ở nước ngoài trở về Việt Nam để học tập, nên con số đăng ký xét tuyển năm 2021 tăng. Năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát, các trường đại học quốc tế lại rộng cửa đón thí sinh, nên số đăng ký xét tuyển vào đại học trong nước giảm nhiều hơn.

Tuy vậy, trên tổng thể, tình hình thí sinh không chọn vào đại học có xu hướng tăng trong các năm gần đây. Chẳng hạn, năm 2020, lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học cũng giảm gần 10 nghìn so với 2019.

Có nhiều nguyên nhân khiến thí sinh chọn những ngã rẽ khác ngoài đăng ký xét tuyển đại học trong nước như: Đi du học; chọn hệ thống giáo dục nghề nghiệp với lợi thế học phí thấp, thời gian học ngắn, nhanh chóng gia nhập thị trường lao động; thu nhập giữa người có bằng đại học và bằng trung cấp, cao đẳng trong nhiều lĩnh vực không quá chênh lệch, khi các đơn vị sử dụng lao động hướng đến trả lương theo vị trí việc làm và năng suất; học phí đại học tăng trong bối cảnh kinh tế nhiều gia đình còn khó khăn…

Đặc biệt, năm 2022, việc Bộ GD&ĐT điều chỉnh kỹ thuật xét tuyển, từ chỗ đăng ký trước khi biết điểm thi sang đăng ký sau khi có điểm thi, cũng tác động đáng kể lên nhận thức về năng lực cá nhân của mỗi thí sinh trong hướng nghiệp, hướng trường. Quy trình mới này đã giúp thí sinh biết mình, biết ta hơn để cân nhắc lựa chọn. Việc đăng ký từ đó cũng chủ động và thực chất hơn.

Thực tế cho thấy, đa số thí sinh có điểm thi thấp đã mạnh dạn từ bỏ con đường đại học. Phân tích trên cơ sở dữ liệu của 315.993 thí sinh không nhập nguyện vọng cho thấy, điểm hầu hết ở mức thấp hơn mức điểm trung vị và điểm trung bình của phổ điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhất là ở các khối A0, A1 và B0, mức điểm đại đa số là rất thấp, thấp hơn mức điểm trung vị, điểm trung bình và thấp hơn 15 điểm/tổ hợp.

Bên cạnh lượng sức mình, nhiều thí sinh cũng cân nhắc điều kiện hoàn cảnh gia đình, địa phương để hướng nghiệp phù hợp. Cũng theo thống kê của Bộ, tỷ lệ thí sinh không đăng ký xét tuyển theo các khu vực ưu tiên tập trung ở khu vực (KV) KV1 là cao nhất, chiếm 33%. Như vậy có thể nói số đông thí sinh ở vùng khó khăn rất cân nhắc con đường vào đại học, khi học phí không còn giá rẻ. Trong khi đó, ở các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội - nơi có điều kiện kinh tế tốt - nhiều thí sinh bỏ đăng ký xét tuyển là do đi du học hay chọn học các trường đại học quốc tế.

Việc thí sinh giảm đăng ký xét tuyển vào đại học là bình thường và đây cũng là xu hướng tích cực, thể hiện việc phân luồng sau trung học ngày càng sâu sắc, hướng nghiệp phù hợp hơn với năng lực cá nhân và hoàn cảnh mỗi gia đình, địa phương. Trước mắt, đối chiếu với năng lực/chỉ tiêu hằng năm, việc giảm lượng đăng ký xét tuyển đại học như trên chưa ảnh hưởng nhiều đến nguồn tuyển và năng lực đào tạo của các trường đại học. Tuy vậy, trong bối cảnh hội nhập, hướng nghiệp ngày càng thực dụng, các trường cần tính toán đến đa dạng nguồn tuyển, có chiến lược thu hút cả thí sinh nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ