Xót xa

GD&TĐ - Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM đã có đề nghị giảm số tiết nghĩa vụ phải dạy đối với giáo viên tiếng Anh tiểu học xuống còn 18 tiết/tuần.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Quy định chung về định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. TPHCM nói riêng và cả nước nói chung lại đang thiếu trầm trọng giáo viên tiếng Anh. Vì sao lại đề xuất giảm số tiết nghĩa vụ? Lý giải nguyên nhân đề xuất giảm tiết của đại diện ngành GD-ĐT TPHCM nghe thật xót xa - để giữ chân thầy cô! Bởi hiện giáo viên tiếng Anh tiểu học khởi điểm chỉ nhận được lương tầm 3 triệu đồng, công việc vất vả, giảm số tiết nghĩa vụ giúp thầy cô đỡ cực hơn, có thể hưởng thêm tiền phụ trội khi tăng tiết, tăng thêm chút ít thu nhập.

Thầy Nguyễn Văn Nguyện, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (huyện Bình Chánh, TPHCM) nói rõ hơn, nếu giảm tiết nghĩa vụ, tăng tiết phụ trội, “tính ra trung bình mỗi giáo viên có thể tăng thu nhập 1 triệu đồng/tháng, tuy không nhiều nhưng có còn hơn không!”.

Thiếu, khó tuyển và giữ chân đội ngũ giáo viên tiếng Anh, đặc biệt ở cấp tiểu học là thực tế đã tồn tại nhiều năm. Cho đến nay, nhiều phòng GD&ĐT ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… cho biết vẫn chưa tuyển đủ giáo viên môn học này. Tình hình càng khó khăn hơn đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa. Như tại Quảng Trị, Trường Tiểu học Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) với 35 lớp, nhưng chỉ có 2 giáo viên tiếng Anh, nên thời gian qua tại các điểm lẻ, học sinh không được học môn này.

Chính phủ đã phê duyệt Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân và Chương trình GDPT 2018 Bộ GD&ĐT đã đưa môn tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trở nên cấp thiết. Vì thế ở tầm quốc gia đã có hàng loạt chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện để phát triển dạy học ngoại ngữ như đầu tư cho chương trình, SGK, thiết bị, môi trường dạy học ngoại ngữ, phát triển đội ngũ giáo viên…

Tuy vậy, liên quan đến việc phát triển đội ngũ giáo viên hiện các hạng mục chủ yếu tập trung vào yêu cầu tuyển đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, bồi dưỡng, tập huấn… mà chưa xem xét đến yếu tố cạnh tranh thu nhập trong nhóm lao động thạo ngoại ngữ, để có chính sách thu hút tốt hơn.

Thực tế cho thấy nguyên nhân dẫn đến khó tuyển, khó giữ chân giáo viên tiếng Anh chủ yếu vẫn là vấn đề thu nhập. Bởi nhân sự biết tiếng Anh ở các công ty, doanh nghiệp có lương khởi điểm trên 8 triệu đồng/tháng, trong khi giáo viên tiếng Anh tiểu học làm việc vất vả khởi điểm cũng chỉ ở tầm hơn 3 triệu đồng/tháng. Không những khó tuyển, còn có thực tế sau một hai năm cố gắng bám trụ, một số thầy cô trẻ đành bỏ nghề, chuyển ngành khác mưu sinh, vì thu nhập không đủ sống khi họ lập gia đình, có con cái.

Cải thiện thu nhập để tăng sức hút đối với vị trí giáo viên tiếng Anh tiểu học là giải pháp quan trọng nhất hiện nay, mà giảm tiết nghĩa vụ để tăng thu nhập phụ trội cho thầy cô của TPHCM là một đề xuất có thể xem xét. Bởi thực tế cũng tại TPHCM, vào thời điểm tiếng Anh được thí điểm tăng cường ở cấp tiểu học, với sự xã hội hóa, giáo viên trong chương trình của thành phố chỉ có nghĩa vụ 16 tiết/tuần, thu nhập ổn hơn nhờ tiền phụ trội, việc tuyển và giữ chân giáo viên không khó như bây giờ.

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn, đòi hỏi dành ngay cho toàn bộ giáo viên một mức lương cao hơn hiện nay là bài toán khó giải. Tuy vậy, dựa trên nguồn lực, thẩm quyền của Chính phủ, bộ ngành, từng địa phương, hoàn toàn có thể có những xem xét, điều chỉnh mang tính đặc thù cho một số nhóm nhân sự khó tuyển, trong một giai đoạn nào đó. Từ đánh giá thực trạng thiếu giáo viên mầm non, vừa qua Chính phủ, Bộ GD&ĐT, nhiều địa phương đã và đang có những nỗ lực thiết thực để cải thiện đời sống cho đội ngũ. Nên chăng cũng cần một chính sách thu hút tương tự đối với nhóm giáo viên tiếng Anh tiểu học?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ