Cần mở mã ngành đào tạo giáo viên tiếng Anh tiểu học

GD&TĐ - Chia sẻ về giải pháp nâng cao trình độ tiếng Anh cho giáo viên tiểu học, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long - đã đưa đề nghị cần mở mã ngành đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh cấp tiểu học cho các trường sư phạm.

Cần mở mã ngành đào tạo giáo viên tiếng Anh tiểu học

Đội ngũ giáo viên tiếng Anh vẫn bộc lộ nhiều hạn chế

- Số lượng giáo viên Tiếng Anh tiểu học của tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng hay chưa, thưa bà?

Đầu năm học 2015 – 2016, toàn tỉnh có 312 giáo viên Tiếng Anh tiểu học, trong đó 197 thầy cô có trình độ ĐH và 77 trình độ CĐ. Về chuẩn năng lực, chỉ có 2 giáo viên đạt chuẩn C1, 204 giáo viên đạt chuẩn B2, 87 giáo viên đạt chuẩn B1 và 19 giáo viên đạt dưới B1. Ngoài ra, tỉnh còn có 14 giáo viên hợp đồng.

Với quy định 23 tiết/tuần/giáo viên thì Vĩnh Long cần khoảng 296 giáo viên (thừa 16 giáo viên). Đây là cách tính bình quân cho cả tỉnh. Tuy nhiên, tính toán trên từng trường cụ thể thì số lượng giáo viên cần bổ sung cho các trường tiểu học trong thời gian tới khoảng 53 giáo viên. 

Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi tuần một giáo viên phải dạy 23 tiết. Tuy nhiên, sẽ rất khó vì đặc thù của học sinh tiểu học là không thể sắp xếp để 2 giáo viên cùng dạy một môn trên cùng một lớp.

Vì vậy, hầu như các trường sẽ sắp xếp để giáo viên dạy 20 tiết hoặc 24 tiết/tuần (tức giáo viên dạy tương ứng 5 hoặc 6 lớp), số tiết thiếu so với quy định thì Hiệu trưởng phân công giáo viên làm thêm nhiệm vụ khác hoặc dạy cho học sinh khối 1, 2 cho đủ 23 tiết/tuần (nếu phụ huynh đồng thuận).

Với những giáo viên dạy thừa tiết, nhà trường vận động các mạnh thường quân hay sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp khác để chi bồi dưỡng cho giáo viên bằng với số giờ trội nhưng không được chi từ ngân sách do bình quân 2 giáo viên trong trường chỉ mới 22 tiết/tuần/người.

Để đáp ứng nhu cầu dạy và học ngoại ngữ, tỉnh Vĩnh Long đã áp dụng nhiều giải pháp quan trọng, là một trong những tỉnh triển khai mạnh mẽ công tác giảng dạy tiếng Anh trong các trường tiểu học ở đồng bằng sông Cửu Long. Từ sau năm 2004 đội ngũ giáo tiếng Anh không ngừng được bổ sung và không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Ngoài việc tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng của ngành và của tỉnh, Vĩnh Long là một trong những tỉnh cử giáo viên tham gia chương trình tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn tiếng Anh của trường Đại học OXFORD tổ chức tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các lớp tập huấn cho tất cả giáo viên dạy tiếng Anh ở tiểu học được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long về phương pháp dạy học theo hướng đổi mới; tập huấn phương pháp dạy học cho học sinh tiểu học và tâm lý học lứa tuổi (vì tất cả giáo viên dạy tiếng Anh cấp tiểu học của tỉnh Vĩnh Long hiện nay đều được đào tạo để giảng dạy cho học sinh THCS và THPT).

Tuy nhiên, trên thực tế triển khai nhiệm vụ giảng dạy, đội ngũ giáo viên tiếng Anh vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Theo đánh giá của các nhà chuyên gia giảng dạy tiếng Anh tại Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN) sau khi tiến hành điều tra khảo sát cụ thể thì trình độ giáo viên tiếng Anh ở tiểu học không đồng đều; được đào tạo từ các nguồn khác nhau, phần lớn không được đào tạo chính quy;

Đào tạo để dạy ở THCS, THPT nhưng giảng dạy ở tiểu học (đến thời điểm này vẫn chưa có mã ngành đào tạo giáo viên dạy môn Tiếng Anh cấp tiểu học);

Nhiều giáo viên chưa quen với phương pháp dạy ngoại ngữ theo hướng giao tiếp và chưa có khái niệm về việc lấy người học làm trung tâm trong dạy ngoại ngữ, thậm chí một số giáo viên chưa hề có khái niệm thế nào là dạy ngôn ngữ giao tiếp.

Trình độ tiếng (lý thuyết) và kỹ năng giao tiếp (thực hành) thấp, ít có cơ hội để giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài, không có động cơ giao tiếp bằng tiếng Anh ở trường, và có ít điều kiện để cập nhật với những phát triển mới trong dạy và học ngoại ngữ…

Hướng giáo viên đến các hoạt động tự nâng cao kỹ năng nghe, đọc

- Vậy theo bà, cần phải thực hiện bồi dưỡng như thế nào để đội ngũ giáo viên Tiếng Anh tiểu học hiện nay đáp ứng yêu cầu mới?

Sở GD&ĐT Vĩnh Long đã tham mưu tích cực cho UBND tỉnh triển khai nhiều lớp tập huấn, nhiều đợt tập huấn với các nội dung phong phú và hình thức linh hoạt nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh trong các nhà trường, tạo sự thay đổi cơ bản về chất lượng và số lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo yêu cầu mới, học sinh không những chỉ học ngôn ngữ giao tiếp thông thường mà phải được sử dụng để có thể hỗ trợ học tập các môn học khác như Toán, Khoa học. Do đó, trình độ giáo viên tiếng Anh phổ thông nói chung và giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học nói riêng phải đạt chuẩn theo khung năng lực ngôn ngữ.

Đối với những giáo viên đã đạt trình độ theo quy định (bậc 4 - B2) được phép giảng dạy theo chương trình mới 10 năm; được bồi dưỡng thêm về phương pháp dạy học theo chuẩn năng lực giảng dạy.

Đối với những giáo viên chưa đạt trình độ theo quy định của từng cấp học Sở GD&ĐT sẽ căn cứ vào điểm số của từng thí sinh để phân loại đối tượng và tìm đối tác đủ tiêu chuẩn đã được Bộ GD&ĐT cho phép để tổ chức bồi dưỡng.

Chương trình bồi dưỡng về ngôn ngữ cho các đối tượng này cần chú trọng nâng cao các kỹ năng giao tiếp (nghe, nói), tạo điều kiện giáo viên tiếp xúc với cách phát âm của người bản ngữ (có thể qua băng, đĩa, đài,…). Đồng thời, hướng giáo viên đến các hoạt động tự nâng cao kỹ năng nghe, đọc thông qua các bài đọc mở rộng (Extensive Reading), nghe mở rộng (Extensive listenning)…

Chương trình bồi dưỡng tập trung vào việc hỗ trợ người học vận dụng được các kiến thức ngôn ngữ đã được học (language use), thay vì chú trọng cung cấp kiến thức ngôn ngữ (language knowledge) như ngữ pháp và cấu trúc, vốn đã được hầu hết các giáo viên nắm vững.

Các giáo viên sau khi kết thúc khóa học phải tham dự kỳ thi xác nhận trình độ B2. Sau khi đạt chuẩn giáo viên tiếp tục tham gia lớp bồi dưỡng năng lực giảng dạy thực hiện từ năm 2012 đến 2015 do các đơn vị được Bộ GD&ĐT chấp thuận tổ chức bồi dưỡng.

6 bài học nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên tiếng Anh

- Bà có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học tỉnh Vĩnh Long?

Xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học, Vĩnh Long đã thực hiện đồng bộ 6 giải pháp, đó là:

Nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; xây dựng quy hoạch tổng thể về đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh;

Chú trọng công tác bổ sung và tuyển chọn giáo viên dạy tiếng Anh, xây dựng cơ chế, chính sách tuyển dụng hợp lý nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên;

Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh nhằm điều chỉnh, uốn nắn sai lệch, phát hiện, động viên giáo viên giỏi;

Tổ chức tốt công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng các chuyên đề và sáng kiến kinh nghiệm

Đào tạo và đào tạo lại giáo viên tiếng Anh ở tiểu học theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Theo đó, lựa chọn, tuyển dụng giáo viên tiếng Anh trẻ có đủ phẩm chất, năng lực và ý thức nghề nghiệp để đào tạo ở nước ngoài theo các chương trình liên kết của Chính phủ, của Dự án hoặc các Chương trình học bổng quốc tế.

Những giải pháp mà tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên tiếng Anh trong những năm qua đã phần nào góp phần quan trọng nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các nhà trường.

Các giải pháp nêu trên tuy chưa đầy đủ nhưng là những giải pháp cơ bản, làm nền tảng cho việc xây dựng hệ thống quản lý công tác chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên dạy Tiếng Anh tỉnh Vĩnh Long, góp phần thành công vào sự nghiệp giáo dục ở tỉnh nhà trong thời gian tới.

Cần chế tài với việc tuân thủ Chuẩn nghề nghiệp

- Theo bà, để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh ở Vĩnh Long nói riêng, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cần những hỗ trợ như thế nào?

Tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT nên ban hành những văn bản hướng dẫn thực hiện, chế tài đối với việc tuân thủ, vận dụng các tiêu chuẩn theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học; chế độ lao động, lương và phụ cấp của giáo viên phù hợp với thực tế hiện nay; có cơ chế ưu tiên đối với việc bổ sung kinh phí từ các chương trình, dự án trọng điểm của trung ương trong việc đầu tư sở vật chất, trang thiết bị trong việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy tiếng Anh theo Đề án dạy học ngoại ngữ 2020 đối với các tỉnh khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long

Đồng thời, mở mã ngành đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh cấp Tiểu học cho các trường Sư phạm.

Nâng cao hiệu quả các Chương trình, các khóa học do các dự án của Bộ GD&ĐT tổ chức liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng năng lực giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập nâng cao trình độ cũng như năng lực sử dụng ngoại ngữ của giáo viên tiếng Anh cấp Tiểu học trong giai đoạn mới nhằm thực hiện tốt Đề án dạy học ngoại ngữ 2020.

Đối với UBND tỉnh Vĩnh Long, cần chỉ đạo các sở, ngành có liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành GD&ĐT thực hiện Đề án và Kế hoạch thực hiện Đề án dạy học ngoại ngữ của tỉnh Vĩnh Long đã được UBND tỉnh phệ duyệt.

Xây dựng chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với giáo viên giỏi, sớm có cơ chế hợp lý thu hút nhân tài, ban hành thêm chính sách địa phương đối với giáo viên vùng thuận lợi đến công tác ở vùng khó khăn trong điều kiện cho phép của tỉnh.

- Xin cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

GD&TĐ - Chiến lược gia Hàn Quốc Park Hang-seo ‘gửi gắm’ tương lai vươn tầm châu lục của bóng đá Việt Nam cho đàn em đồng hương Kim Sang-sik.