Dốc nối dốc, đồi gối đồi, hơn 5 giờ bền bỉ cô mới tới lán nương của em Bình. Song, cô đành nuốt ngược nước mắt về không…
Những lần về “tay không”
Cũng như bao vùng miền khác, Lễ khai giảng năm học mới ở xã biên viễn Chung Chải (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) diễn ra trong niềm hào hứng, phấn khởi của cả thầy và trò. Bởi lẽ sau hơn 2 năm “bó mình” vì dịch bệnh, ngày tựu trường mới trở lại đúng ý nghĩa.
Nhìn học sinh trong niềm hân hoan ấy, cô giáo Lò Thị Bích, Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Chung Chải không khỏi xúc động, khi nghĩ về một tuần rong ruổi “bám bản”. Khác với những cuộc vận động học sinh ra lớp vẫn thực hiện đầu các năm học, lần này “gánh nặng” trên vai các thầy cô nhiều hơn.
“Mục tiêu của ngành đặt ra là hơn 95% học sinh phải có vắc-xin phòng Covid-19 trong người trước khi nhập trường. Ở các vùng thuận lợi có thể không mấy khó khăn. Nhưng ở địa bàn chúng tôi, có rất nhiều rào cản cần phá vỡ, trước khi muốn nhận được sự đồng ý của phụ huynh”, cô Bích bộc bạch.
Để thực hiện chiến dịch này, một tuần trước ngày tựu trường, cô Bích cùng các giáo viên phụ trách điểm bản Pá Lùng phải “khăn gói” lên đường. Riêng cô Bích được giao ba học sinh. Trong đó có hai em mới vào lớp 1, em còn lại lên lớp 4. Cô Bích tâm sự, đây là một trong hai điểm xa xôi và khó khăn nhất xã. Vì đi lại khó khăn nên các thầy cô sẽ phối hợp đi cùng nhau. Đến nơi sẽ chia ra các ngả. Mặc dù, số lượng học sinh được giao ít, song cô Bích cũng phải mất trọn một tuần mới hoàn thành nhiệm vụ.
Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Chung Chải lên đường vận động học sinh tiêm chủng. |
“Mặc dù, các em ở trong cùng bản, song từ nhà này đến nhà kia lại rất xa. Thậm chí cách nhau vài quả đồi. Mỗi lần di chuyển đều phải mất ngày, mất buổi. Trong khi đó, không phải trường hợp nào đến cũng gặp ngay hoặc nhận được sự đồng thuận của phụ huynh luôn”, cô Bích nói.
Trong số này, vất vả nhất với cô Bích là trường hợp của em Cháng A Bình. Cô Bích kể, nhà Bình ở bản Pá Lùng 3, nhưng lại có lán nương cách gần 10km, giáp bản Ma Cao, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Vì chưa nhập học, nên đa phần thời gian em ở cùng gia đình trên nương. Khu vực này lại chưa có sóng điện thoại, nên mỗi lần muốn trao đổi đều phải đến trực tiếp.
Suốt một tuần vận động đúng vào cao điểm mùa mưa. Chặng đường đi lại của cô Bích lại thêm bội phần vất vả. “Năm lần, bảy lượt” cô vượt đường rừng, ngược núi giữa cơn mưa xối xả. Bặm chặt môi, cô giáo Bích bấm ngón chân xuống con đường đất đỏ nhầy nhụa để đi tiếp. Dốc nối dốc, đồi gối đồi, hơn 5 giờ bền bỉ cô mới tới lán nương của em Bình, song rồi lại đành nuốt ngược nước mắt về không…
“Riêng em Bình, tôi phải đi lại 4 lần như thế mới hoàn thành việc tiêm. Trong đó, 2 lần phải về tay không vì bố em không đồng ý, với lý do thấy nhiều người sau khi tiêm bị đau ốm. Mỗi lần như thế, chặng đường về vừa xa vừa nặng nề hơn. Nước mắt hòa nước mưa, nhưng rồi lại phải gạt đi mà tiếp tục”, cô Bích trải lòng.
Phụ huynh kí cam kết cho con tiêm chủng. |
Đi từ khi gà chưa gáy, về lúc gà đã lên chuồng
Phụ trách điểm bản Xà Quế (xa xôi hơn), thầy giáo Nguyễn Văn Hiếu được giao vận động 5 học sinh. Theo thầy Quế, trong chiến dịch vận động tiêm chủng, điểm này có hơn 20 giáo viên các cấp phụ trách. Trong đó, riêng trường thầy có gần 10 giáo viên.
“Hiếm có trường hợp nào đến 1 lần là phụ huynh đồng ý ngay mà đa phần đều phải đi lại nhiều lần để vận động. Vì thế nên thường thì chúng tôi phải đi trước lịch tiêm nhiều ngày. Trường hợp nào chưa đồng thuận sẽ có thời gian để tiếp tục giải thích, thuyết phục”, thầy Hiếu tâm sự.
Vất vả nhất trong số 5 học sinh thầy Hiếu tiếp nhận là em Sùng A Cử. Đây là trường hợp còn tồn đọng từ chiến dịch tiêm lần trước. Đợt này, sau nhiều lần kiên trì đi lại vận động, thầy Hiếu đã nhận được sự đồng thuận của gia đình Cử và cho ký cam kết. Trước lịch tiêm 1 ngày, thầy Hiếu trằn trọc không ngủ được. Phần vì phấn khởi, nhưng trong lòng thầy vẫn không khỏi hồi hộp, lo lắng vì chưa hoàn toàn yên tâm. Hơn 4 giờ sáng, thầy Hiếu dậy, lịch kịch chuẩn bị đồ và xe máy lên đường về bản.
Vượt hơn 9km đường cấp phối đã xuống cấp từ trung tâm xã, thầy Hiếu và đồng nghiệp dừng xe ngay trước căn nhà lụp xụp của Cử ở góc bản Xà Quế. Trái ngược với kỳ vọng rằng gia đình đã chuẩn bị cho em sẵn sàng xuống điểm tiêm. Hình ảnh trước mắt thầy Hiếu lúc đó là khung cảnh im lìm, vắng lặng.
Mở cánh cửa tre ọp ẹp, rọi đèn pin vào nhà gọi mãi mà không thấy tiếng trả lời, thầy Hiếu chột dạ quay sang đồng nghiệp: “Lại vườn không nhà trống rồi!”. Sau câu nói ấy, cơn mưa rừng dội xuống xối xả. Hai thầy giáo nhìn nhau, rồi cùng quyết định bỏ lại xe, đi bộ lên nương tìm Cử. Trời sáng dần lên bao nhiêu, nỗi lo lắng lại dâng lên bấy nhiêu.
“Sau 3 giờ đi bộ, chúng tôi cũng đến được lán nương của gia đình học sinh. Đúng như dự đoán, em Cử và mẹ đang ngồi trong lán. Khi gặp chúng tôi mẹ em có vẻ ái ngại. Nhưng bà vẫn thẳng thừng trả lời là bố em không cho tiêm nữa. Lúc này, chúng tôi hụt hẫng lắm. Nhưng rồi nghĩ không lẽ nào đã vượt qua bao nhiêu khó khăn để vận động được gia đình ký cam kết mà giờ lại bỏ cuộc?”, thầy Hiếu kể.
Thế rồi, hai thầy giáo lại quyết định quay ngược về điểm bản, xin ý kiến của nhà trường. Lần thứ 2, thầy Hiếu mang theo tờ cam kết của gia đình làm căn cứ pháp lý, phiếu tiêm của các trường hợp khác làm ví dụ và sự đồng hành của những tổ chức đoàn thể trong bản.
“Vừa nói lý, vừa vận động bằng tình cảm, cuối cùng mẹ Cử cũng đồng ý nhưng giao khoán em cho chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Chúng tôi đưa em xuôi về bản tiêm mà vừa mừng vừa lo. Mãi đến chiều mới tới nơi để kịp tiêm. Xong thì lại đưa em về nương bàn giao cho mẹ. Chuyến ấy, tối đêm chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ để về trường”, thầy Hiếu nhớ lại.
Hơn 98% học sinh Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Chung Chải đã tiêm chủng. |
Lấy niềm tin để phá rào cản
Theo thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Khiêm, nhà trường đặt ra mục tiêu phải hoàn thành kế hoạch tiêm chủng trước khi cho học sinh tựu trường. Do vậy, chiến dịch vận động được thực hiện từ ngày 23 – 29/8. Trong suốt một tuần này, thầy cô gần như “cắm bản”.
“Nhà trường có 27 giáo viên, được phân chia thành từng nhóm phụ trách các điểm bản cụ thể. Trong đó, những điểm thuận lợi thì chỉ cần 4 – 5 thầy cô. Riêng các điểm xa, đặc biệt khó khăn, như: Xà Quế, Pá Lùng thì phải bố trí từ 8 – 10 giáo viên phụ trách”, thầy Khiêm cho hay.
Đầu tiên là xác định vị trí từng em, phân chia thầy cô. Rồi rà soát, tìm hiểu nguyện vọng, lý do của từng phụ huynh. Sau khi hoàn thành danh sách cụ thể, giáo viên mới bắt tay vào chiến dịch tuyên truyền, vận động và phối hợp đưa học sinh ra tiêm. Chính vì thế nên mỗi điểm bản giáo viên phải thực hiện ít nhất 3 – 4 lượt đi lại.
Thầy Khiêm chia sẻ thêm: “Từ trung tâm đến điểm bản xa nhất chỉ 13km thôi. Nhưng từ nhà này đến nhà kia có thể lên tới vài chục cây số. Đơn cử như bản Pá Lùng có tới 6 điểm dân cư, mỗi nhóm chỉ tầm hơn chục hộ dân. Từ điểm 1 đến nhà xa nhất của điểm 6 cách nhau hơn 20km. Trời mưa phải đi bộ hoàn toàn”.
Năm học này, Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Chung Chải có 430 học sinh theo học. Trong đó, có 94 em vào lớp 1, trên 98% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Do cư trú tại địa bàn biên giới, xa xôi, nhiều khó khăn, nên nhận thức của phụ huynh còn hạn chế. Đây là một trong những rào cản chính cho công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhất là đối với trẻ em.
Trong khi đó, vắc-xin phòng Covid-19 lại rất mới với bà con. Những thông tin thiếu chính xác, chưa đầy đủ đối với các trường hợp có phản ứng phụ sau tiêm, khiến người dân càng thêm e ngại. Để tạo niềm tin cho phụ huynh, mỗi lần đi vận động, thầy cô đều mang theo phiếu tiêm của chính con mình làm minh chứng thuyết phục phụ huynh.
Riêng những trường hợp khó, đều được báo cáo về Ban giám hiệu nhà trường. Thầy Khiêm sẽ trực tiếp phối hợp cùng lãnh đạo xã tổ chức vận động. Sau rất nhiều lần tuyên truyền, vận động thất bại, thầy Khiêm rút ra kinh nghiệm cho chính bản thân và đồng nghiệp, đó là: Không tuyên truyền tập trung với những người không có sự đồng nhất.
“Thông thường thì chúng tôi sẽ tập hợp dân bản để vận động cùng lúc. Nhưng nếu trong trường hợp xuất hiện vài trường hợp phản đối hoặc có thái độ bất hợp tác thì sẽ rất dễ kích động toàn bộ bà con theo. Với hoàn cảnh này, tôi sẽ bóc tách họ ra khỏi cộng đồng để nói chuyện riêng. Từ việc lắng nghe họ nói, cùng trò chuyện, thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia rồi mới từ từ khuyên bảo, vỗ về”, thầy Khiêm lý giải.
Bằng cách làm này, các thầy, cô giáo ở Chung Chải đã lấy được niềm tin của bà con. 100% phụ huynh ký cam kết, đồng ý cho con tiêm. Tính đến hết ngày 31/8, tỷ lệ “phủ” vắc-xin phòng Covid-19 của học sinh nhà trường đạt 98,3%. Số còn lại đang mắc bệnh tim chưa thể thực hiện tiêm.
“Với địa bàn chúng tôi, đây là một kết quả rất đáng mừng. Nó không thể hiện trên con số, mà ở sự tin tưởng của bà con. Với người dân ở đây, chẳng có bất cứ biện pháp nào hiệu quả bằng niềm tin. Chỉ khi tin thì họ mới nghe và mọi rào cản có thể phá vỡ”, thầy Khiêm bộc bạch.
Ông Pờ Xề Chừ, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Chỉ đạo tiêm vắc-xin phòng Covid-19 xã Chung Chải, phát biểu: “Chung Chải là một trong những địa bàn có tỷ lệ tiêm phòng Covid-19, nhất là đối với trẻ từ 5 – 12 tuổi đạt cao trong tỉnh. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần và trách nhiệm của thành viên trong ban chỉ đạo, các tổ chức đoàn thể. Đặc biệt là sự phối hợp của các nhà trường, thầy cô. Họ là lực lượng chính làm nên thành công của công tác vận động. Nhiều thầy cô thậm chí phải kiên trì “cắm bản” nhiều ngày, hoàn thành nhiệm vụ mới về trường”.