Nào là áo ấm, chăn bông, mì tôm..., thầy cô dành hết cho trò nghèo với mong muốn các em có sức khỏe tốt để vượt qua những đợt rét thấu xương.
Trò ấm, cô vui
Trời trở rét đậm, rét hại, việc đầu tiên của các cô giáo Trường Mầm non xã Ka Lăng, huyện Mường Tè khi đến trường là kiểm tra lại toàn bộ cửa sổ, cửa chính các phòng học đảm bảo tránh gió lùa vào lớp.
Theo cô Bùi Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường, trường hiện có 207 trẻ, 100 % học sinh là người dân tộc thiểu số. Mỗi khi trời trở rét, lúc trả trẻ hoặc đêm hôm trước, giáo viên luôn dặn dò cha mẹ cho con mặc ấm trước khi đến lớp vào ngày hôm sau. Nhưng với nhiều gia đình, việc có áo đủ ấm cho con đến lớp chẳng dễ dàng gì.
“Thấy nhiều trẻ phong phanh trong manh áo mỏng, tôi đã kết nối với một số đoàn từ thiện ở Hà Nội. Hơn 200 chiếc áo phao, đủ để trao cho học sinh toàn trường, mỗi cháu một chiếc. Mặc lên mình chiếc áo phao mới, em nào cũng cười hớn hở làm chúng tôi cũng vui lây”, cô Hương chia sẻ.
Mấy hôm trước, cô Hoàng Thị Oánh, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ) khệ nệ ôm một túi to đựng đầy áo rét cũ. Tới trường, cô đi thẳng đến khu bán trú trao cho từng em chưa có đủ áo ấm.
“Toàn bộ áo là của con mình để lại. Thấy vẫn còn mới và lành lặn nên tôi lựa mang lên cho các cháu. Chỉ cho được một số em có hoàn cảnh khó khăn thôi, chứ cũng chẳng có đủ để chia hết. Giáo viên trong trường cũng vậy, có áo của con hay xin được ở đâu đó, lại mang lên cho học sinh của mình. Mỗi lần như vậy, dù là đồ đã qua sử dụng, song các cháu vui lắm!”, cô Oánh chia sẻ.
Trường phổ thông DTBT Tiểu học và THCS xã Bản Lang, huyện Phong Thổ có 745 học sinh (184 học sinh bán trú). Năm nào cũng vậy, trước khi vào mùa rét là giáo viên trong trường lại “vét cạn” các mối quan hệ sẵn có. Nào là bạn học ngày xưa; bạn bè, anh chị quen biết làm việc ở các tỉnh miền xuôi. Rồi lại nhờ họ kết nối với các nhà hảo tâm, kêu gọi quyên tặng áo ấm, chăn bông. Tất cả số quà nhận được, họ dành hết cho những học sinh còn thiếu thốn.
Cô Nguyễn Thị Định, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Biết sẽ còn những đợt rét đậm, tôi đã kết nối với 2 đoàn từ thiện để xin hơn 200 bộ quần, áo ấm. Ngoài ra, còn có hàng trăm đôi găng tay, tất và dép lê cho học sinh. Mỗi lần xin được là chúng tôi vui lắm. Bởi phần nào cũng đã chia sẻ được với khó khăn mà các em đang phải trải qua”.
Khoác trên mình chiếc áo mới nhận được, em Lý Lở Mẩy (học sinh lớp 9A, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS xã Bản Lang) chia sẻ: “Em ở bản Nậm Lùng, điểm bản xa nhất của trường nên được ở bán trú. Hàng năm, em đều được tặng áo ấm mới nên vui lắm! Em cảm ơn thầy cô rất nhiều!”.
“Khám bệnh” ông trời
Mỗi ngày, thầy Đô đều ra ra, vào vào với chiếc điện thoại trên tay. Thầy cập nhật thường xuyên diễn biến của thời tiết. “Nhiệt độ nay ấm hơn rồi, chắc phải hơn hôm qua mấy độ. Trời cũng không còn mưa nữa nên việc học sẽ sớm tổ chức trở lại. Những ngày rét vừa qua, chúng tôi chỉ tổ chức dạy buổi sáng, còn chiều thì nghỉ. Mọi hoạt động ngoại khóa, ngoài trời đều tạm dừng” – thầy Đô cho biết.
Cũng theo thầy Đô, đối với cấp tiểu học, trường sẽ cho học sinh nghỉ khi nhiệt độ dưới 10 độ C. Còn cấp THCS được nghỉ khi nhiệt độ xuống dưới 7 độ C. Chính vì vậy, cập nhật, theo dõi thời tiết phải chủ động từ hôm trước để thông báo tới gia đình học sinh.
“Giờ có điện thoại, công nghệ thông tin cũng như máy đo nhiệt độ ngoài trời, nên từ hôm nay đã biết được thời tiết của ngày mai. Vì thế, trường hoàn toàn chủ động được để điều chỉnh kế hoạch phù hợp, kịp thời, không gây phiền toái cho học sinh” – thầy Đô nói.
Tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Thu Lũm (huyện Mường Tè) thời gian gần đây, mỗi buổi sáng, tiết 1 của trường vào muộn hơn so với ngày thường. Theo thầy Lỳ Xừ Po, Hiệu trưởng nhà trường, phải điều chỉnh như vậy, bởi ở đây nhiệt độ vốn thấp hơn các vùng lân cận. Mùa đông, buổi sáng sớm tiết trời còn khắc nghiệt hơn, ai ai cũng cảm thấy rét thấu xương. Vì thế, trường không thể tổ chức dạy – học theo khung giờ cũ để học trò khỏi lạnh.
“Chúng tôi giao quyền quyết định lịch học cho các trường chủ động, vì đặc thù của tiểu vùng khí hậu khác nhau. Vì thế, các trường đều phải theo dõi thời tiết để điều chỉnh. Ngoài ra, phòng cũng yêu cầu các trường chủ động gia cố, che chắn phòng ở, phòng học tại tất cả điểm trường để tránh gió lùa. Đồng thời, bảo đảm để tất cả học sinh ăn đủ no, có đủ dinh dưỡng để có sức khỏe tốt học tập” – ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè nói.