Ngược xuôi lo bữa ăn bán trú cho trò

GD&TĐ - Ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), nhiều điểm trường lẻ vô cùng khó khăn, vất vả.

Điểm trường bản Ón nằm sâu hút ở trong rừng biên giới Mường Lát.
Điểm trường bản Ón nằm sâu hút ở trong rừng biên giới Mường Lát.

Bằng tâm huyết của mình, các cô giáo mầm non đã đi vận động, kêu gọi tài trợ để xây dựng bếp ăn bán trú, giúp phụ huynh yên tâm đưa trẻ đến trường. Nhờ đó, sĩ số đảm bảo, chất lượng giáo dục tăng dần.

Bếp ăn bán trú lịch sử

Năm học mới này, điểm lẻ ở bản Ón thuộc Trường Mầm non Tam Chung, xã Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa) có 60 trẻ mầm non được ăn bán trú hàng ngày tại lớp. Với người dân bản Ón, trẻ đi học mầm non mà được ăn bán trú, ngủ trưa tại lớp là điều chưa có tiền lệ.

Bản Ón cách trung tâm xã Tam Chung hơn 20km đường rừng. Trước đây, khi chưa làm đường bê tông, bà con muốn ra trung tâm xã, chỉ còn cách băng rừng, lội suối bằng đôi chân của mình.

Vài năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, lối vào bản Ón được đầu tư thành đường bê tông. Thế nhưng, để con đường thông suốt từ đầu đến cuối, thì hiện tại vẫn chưa thể gọi là “hoàn chỉnh”. Do địa hình phức tạp, sau mỗi trận mưa lớn, đất đá từ trên đồi thi thoảng lại sạt xuống cản trở lối đi.

Bản Ón có 113 hộ dân, với 688 nhân khẩu và chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Theo Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản Giàng A Chống, bản mới có vài hộ thoát nghèo, chưa đầy chục hộ cận nghèo, còn lại là gia đình thuộc diện hộ nghèo.

“Bản Ón còn nhiều khó khăn, vất vả. Bà con sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, vì không có ruộng để trồng lúa nước. Trẻ đến trường học cái chữ cũng rất khó khăn, vất vả. Thầy, cô giáo mang cái chữ đến cho học sinh ở bản lại càng vất vả hơn. Thương lắm!”, ông A Chống nói.

Bản Ón có hai điểm trường tiểu học và mầm non, nhưng năm 2018 bị mưa lũ cuốn trôi, hư hỏng hết. Trò không có chỗ để học hành, nhà trường phải mượn nhà văn hóa của bản làm nơi dạy học. Giờ đây, trường tiểu học được các tổ chức thiện nguyện xây dựng bằng nhà lắp ghép. Còn trường mầm non được Nhà nước xây dựng 2 phòng học, nhưng vẫn còn dang dở, tuy nhiên cô và trò cũng tạm yên tâm dạy - học.

Cô và trò ở điểm trường mầm non bản Ón.

Cô và trò ở điểm trường mầm non bản Ón.

“Sáu chục trẻ học trong 3 lớp, nhưng chưa đủ bàn ghế. Các cô giáo mầm non cũng chưa có chỗ ngủ. Tối đến, các cô phải lên ngủ nhờ phòng của các thầy giáo ở điểm trường tiểu học. Cũng may, khu Trường Tiểu học bản Ón được xây dựng nhà lắp ghép, lại nằm sát với Đội Liên ngành của Đồn Biên phòng, nên các cô cũng yên tâm hơn”, vị trưởng bản tâm sự.

Trước thềm năm học 2022 - 2023, với quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách, Trường Mầm non Tam Chung quyết định xây dựng bếp ăn bán trú cho trẻ ở điểm lẻ bản Ón. Thế nhưng, thực tế cho thấy, việc lo ăn bán trú cho 60 trẻ ở đây không hề đơn giản. Vì, cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện đi lại xa xôi, vất vả, trong khi đó từ hiệu trưởng đến giáo viên nhà trường chẳng có gì ngoài sức dẻo dai và lòng nhiệt huyết.

Cô Hàn Thị Giang - Hiệu trưởng nhà trường - tâm sự: “Để lo được bữa ăn bán trú cho trò ở bản Ón, quả là vấn đề quá sức với chúng tôi. Thế nhưng, một điều may mắn là khi nghe chúng tôi đưa ra ý tưởng, lãnh đạo huyện, phòng GD&ĐT, nhiều cơ quan đơn vị, nhà hảo tâm... đã ủng hộ. Do đó, chúng tôi càng có động lực để quyết tâm xây dựng bằng được bếp ăn bán trú cho trẻ ở bản Ón”.

Chị Hờ Thị Sua có con theo học ở điểm trường mầm non biết tin năm học mới này, trẻ được ăn, ngủ bán trú buổi trưa tại lớp tỏ ra phấn khởi. “Từ xưa đến nay, đã bao giờ bọn trẻ đi học mầm non mà được ăn và ngủ trưa tại lớp đâu. Thế nên, khi các cô giáo đến từng nhà vận động bà con cho các cháu ăn, ngủ bán trú tại lớp, ai cũng mừng và đồng ý luôn. Các con được ăn, ngủ tại lớp, bố mẹ đi nương, đi rẫy cũng rất yên tâm”, chị Hờ Thị Sua bộc bạch.

Chung tay lo ăn bán trú cho trẻ

Trường Mầm non Tam Chung chỉ có 1 Hiệu trưởng là cô Hàn Thị Giang, không có Phó Hiệu trưởng. Bởi vậy, mọi công việc đều “đổ lên đầu” cô Giang. Mặc dù, các nữ giáo viên đều năng nổ, nhiệt tình, hoạt bát, tâm huyết với nghề, nhưng để quán xuyến, lãnh đạo đội ngũ giáo viên, nhân viên chăm sóc, nuôi dạy 300 trẻ quả là vất vả với nữ Hiệu trưởng này, chưa nói đến việc lo ăn bán trú cho trẻ.

Bà Nguyễn Thị Thúy - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát - cho biết, điều kiện nói chung của huyện Mường Lát đang rất khó khăn, vất vả. Vì thế, để lo được bếp ăn bán trú cho trẻ ở các trường mầm non và đặc biệt là điểm lẻ, lại càng vất vả.

Cũng theo bà Thúy, Mường Lát hiện có 54 điểm lẻ của các trường mầm non, nhưng năm học mới này mới có 12 điểm tổ chức ăn bán trú. Các điểm lẻ vừa xa xôi vừa khó khăn, nên việc tổ chức ăn bán trú cho các con không hề đơn giản chút nào.

Điển hình như điểm trường bản Ón, Trường Mầm non Tam Chung, để lo được bữa ăn bán trú cho trẻ, các cô giáo phải lăn lộn, liên hệ với các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm xin hỗ trợ cơ sở vật chất mới có thể dựng bếp ăn được.

“Với sự nỗ lực vượt khó, các cô giáo mầm non ở Mường Lát đã dành hết tâm huyết của mình, quyết tâm lo bữa ăn bán trú cho trẻ. Nhiều trường hiện nay cũng có bếp ăn bán trú ở điểm chính và một vài điểm lẻ, như: Mầm non Nhi Sơn, Trung Lý, Pù Nhi, Tam Chung, Tén Tằn, Quang Chiểu và Mường Chanh. Chỉ còn hai Trường Mầm non Mường Lý, Mầm non Tây Tiến là chưa thể xây dựng được bếp ăn bán trú cho trẻ”, bà Thúy thông tin.

Trở lại câu chuyện lo bữa ăn bán trú cho trẻ ở bản Ón, khi nghe Phó Trưởng phòng GD&ĐT Mường Lát Nguyễn Thị Thúy kể, chúng tôi khâm phục sự vượt khó của nữ Hiệu trưởng Hàn Thị Giang và các cô giáo ở ngôi trường này.

Bà Thúy bảo rằng: Để chuẩn bị điều kiện xây dựng bếp ăn tại điểm trường Ón cho 60 trẻ, cô Giang và giáo viên trong trường đều phải đi kêu gọi các nhà tài trợ. Việc lớn nhất là dựng nhà bếp để nấu ăn, với số tiền hàng chục triệu đồng, rồi giường chiếu, chăn gối, xoong nồi, tủ lạnh, bếp gas, bát đũa, khay đựng thức ăn... đều phải tự lo.

Phóng viên Báo GD&TĐ trao tặng đồ dùng ăn, ngủ bán trú cho Trường Mầm non Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa).

Phóng viên Báo GD&TĐ trao tặng đồ dùng ăn, ngủ bán trú cho Trường Mầm non Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa).

Những ngày cuối tháng 8, khi biết các cô giáo của Trường Mầm non Tam Chung xây dựng bếp ăn bán trú cho trẻ ở điểm trường bản Ón, phóng viên Báo GD&TĐ, Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhà tài trợ hỗ trợ đồ dùng ăn, ngủ bán trú cho điểm trường này.

Theo đó, 60 chiếc giường, 60 chiếc chăn, 60 chiếc gối, 2 bộ bếp gas (bếp thường và bếp công nghiệp) được các phóng viên trao tận tay cho Trường Mầm non Tam Chung. Những phần quà nêu trên, là sự đóng góp của tập thể giáo viên, phụ huynh Trường Tiểu học Điện Biên 1 (TP Thanh Hóa).

Cô Hàn Thị Giang – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Chung - xúc động nói: “Cô và trò vô cùng cảm kích, biết ơn sự quan tâm của mọi người đã chung tay cùng lo xây dựng bếp ăn.

Nếu không có sự giúp đỡ trên, nhà trường không thể thực hiện được. Nhiều tổ chức, cá nhân đã không quản ngại đường xa, khó khăn, vất vả đến trao tặng những món quà vô cùng ý nghĩa, giúp chúng tôi có thêm động lực, để lo được bữa ăn bán trú cho trò”, cô Giang bộc bạch

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.