Phải làm như quân đội
Qua giám sát của Hội đồng Dân tộc trong năm 2024, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhận thấy, nhiều giáo viên lên vùng cao dạy học 10 năm không về được miền xuôi. Do biên chế nằm trong khung giới hạn nên việc luân chuyển giáo viên giữa vùng cao và thấp của các tỉnh miền núi gặp khó khăn. Chẳng hạn, sau khi các huyện thị, thành phố, ở miền xuôi tuyển đủ giáo viên, thậm chí có phần dôi dư thì giáo viên từ miền núi xin về miền xuôi càng khó khăn hơn, thậm chí không được tiếp nhận.
Đây là lý do khiến nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, Luật Nhà giáo ra đời phải chấn chỉnh, khắc phục thực trạng trên. Làm sao để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà giáo. Công tác điều động, thuyên chuyển phải minh bạch, dân chủ, công bằng. Khi đã có lệnh điều động thì nơi có giáo viên chuyển đi và đơn vị tiếp nhận phải thực thi và bố trí công việc phù hợp; tránh tình trạng khi hết thời hạn công tác ở vùng khó, nhà giáo có nhu cầu thuyên chuyển về nhưng không được giải quyết.
“Luật Nhà giáo và sau này Luật Giáo dục phải tháo gỡ vấn đề này. Cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên có quyền điều động giáo viên đủ 3 năm về nơi có điều kiện khác để thực hiện các chính sách vượt trội với đối tượng này. Nếu không lại như cũ, giáo viên 10 - 20 năm vẫn ‘cắm bản’”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước điều động giáo viên từ miền xuôi lên miền ngược và ngược lại, phải làm như quân đội. Điều là phải đi, nếu không đi là nghỉ việc.

Trao quyền cho cơ quan quản lý giáo dục
Đề cập đến phụ cấp khi giáo viên được điều động về công tác tại phòng chuyên môn của sở GD&ĐT hoặc là phòng GD&ĐT, ông Đỗ Huy Khánh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai cho hay, những nhà giáo này chỉ được hưởng phụ cấp công vụ 25%, trong khi họ bị cắt phụ cấp đứng lớp từ 30% - 35% và không còn phụ cấp thâm niên. Chẳng hạn, một giáo viên giỏi khi giảng dạy ở trường có mức thu nhập 10 triệu/tháng. Tuy nhiên, khi được điều động về cơ quan quản lý giáo dục, lương chỉ còn 7 triệu/tháng.
Thực tế này khiến việc điều động giáo viên về công tác tại cơ quan quản lý giáo dục gặp khó khăn; thậm chí nhiều người không muốn về. “Tôi mong muốn, những trường hợp này được giữ nguyên phụ cấp thâm niên nhà giáo, bởi chúng ta đang thực hiện việc thu hút nhân tài, những thầy, cô giáo giỏi về cơ quan chuyên môn để làm việc. Khi chúng ta chưa xây dựng được vị trí việc làm tương xứng thì phải bảo vệ để thu hút họ về làm việc”, ông Đỗ Huy Khánh bày tỏ.
Trước tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bà Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) nhận thấy, việc tuyển dụng giáo viên công tác tại miền núi, vùng sâu, xa gặp nhiều khó khăn, thậm chí có những địa bàn không thể tuyển được giáo viên. Cũng có địa phương gặp khó khi điều động giáo viên từ cơ sở giáo dục về cơ quan quản lý giáo dục, vùng thuận lợi đến vùng sâu, xa và ngược lại.
Từ thực tế, bà Huỳnh Thị Ánh Sương đồng tình cần có sự thống nhất đầu mối quản lý giáo dục, quản lý Nhà nước về giáo dục, thực hiện phân cấp, phân công hợp lý trên cơ sở bảo đảm vai trò chủ động của ngành Giáo dục; từ đó tháo gỡ các “nút thắt” trong tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, điều động nhà giáo.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Cường (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) phân tích, cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục là người biết rõ nhất cần những giáo viên thế nào. Qua đó có thể điều chuyển hoặc điều động tạm thời giáo viên từ nơi này sang nơi khác cho phù hợp. Do vậy, cần trao quyền cho các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục được điều động, luân chuyển giáo viên.
Điều động nhà giáo của các cơ sở giáo dục công lập được dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất tại Điều 19; trong đó có yêu cầu về nguyên tắc điều động nhà giáo. Theo đó, nhà giáo được điều động phải đáp ứng yêu cầu của vị trí công tác sẽ đảm nhận. Công tác điều động nhà giáo phải thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, đúng quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc điều động hoặc chủ trì thực hiện việc điều động theo phân cấp, ủy quyền.
Dự thảo Luật đề xuất, trường hợp điều động nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục công lập, nếu chế độ, chính sách ở vị trí công việc cũ cao hơn ở vị trí công việc mới thì được bảo lưu chế độ, chính sách của vị trí công việc cũ trong thời hạn tối đa 36 tháng. Sau thời gian bảo lưu thì thực hiện theo các chế độ, chính sách của vị trí công việc mới.
Trường hợp điều động nhà giáo từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ quan quản lý giáo dục thì được bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trong thời hạn tối đa 12 tháng. Sau thời gian bảo lưu thì thực hiện theo chế độ, chính sách của vị trí công việc mới.
Dự thảo Luật Nhà giáo quy định, nhà giáo đã công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên được cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác và cơ quan quản lý giáo dục theo thẩm quyền giải quyết cho thuyên chuyển khi nơi đến đồng ý tiếp nhận.
Nhà giáo được cơ quan quản lý giáo dục quản lý trực tiếp đồng ý cho thuyên chuyển thì cơ sở giáo dục nơi nhà giáo chuyển đi chấm dứt hợp đồng với nhà giáo, cơ sở giáo dục hoặc cơ quan, đơn vị nơi nhà giáo chuyển đến thực hiện việc tiếp nhận.