Để nhà giáo dám nghĩ, dám làm: Tháo 'nút thắt'

GD&TĐ - “Nút thắt” đang được gỡ giúp cán bộ vượt qua nỗi sợ khi chủ động, năng động, sáng tạo thực thi nhiệm vụ; trong đó có lĩnh vực GD, đào tạo...

Cô trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Sỹ Điền
Cô trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Sỹ Điền

Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, Nghị định số 73/2023/NĐ-CP (Nghị định 73) đã tháo “nút thắt”, giúp cán bộ vượt qua nỗi sợ khi chủ động, năng động, sáng tạo thực thi nhiệm vụ; trong đó có lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

“Đai bảo hiểm” cho người “6 dám”

- Ngành Giáo dục đang trong lộ trình đổi mới, đòi hỏi cán bộ, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, làm, chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Liệu Nghị định 73 có được coi là “đai bảo hiểm” cho những cán bộ này không, thưa ông?

- Trước hết phải khẳng định, Chính phủ ban hành Nghị định 73 là cần thiết, nhất là trong bối cảnh ở nhiều nơi, cơ quan, đơn vị có những cán bộ né tránh, đùn đẩy, không dám làm vì sợ trách nhiệm. Vì thế, các chính sách của Nghị định này được ví như “luồng gió mới” tác động tích cực đến tâm lý xã hội; tạo niềm tin, khát vọng, ý chí phấn đấu vượt khó, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; trong đó có ngành Giáo dục và Đào tạo. Qua đó, kịp thời tháo gỡ “điểm nghẽn” để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, làm, chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách và luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Trong bối cảnh đất nước chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi nhiều vấn đề cần thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành động. Cùng đó là xu thế phát triển thời đại như cuộc cách mạng 4.0; trí tuệ nhân tạo… nên phải đổi mới trên mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo.

Ngành Giáo dục đang ra sức thi đua đổi mới toàn diện, căn bản theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Trung Đảng (Nghị quyết 29) và Kết luận số 91 ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị. Trong quá trình đổi mới, có những nhân tố đủ trí, đức, tâm, tài, sẵn sàng đối diện khó khăn, thách thức để thay đổi căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Họ sẽ là những “hạt giống đỏ”, đội ngũ tiên phong trên hành trình đổi mới. Vì vậy, cần cơ chế bảo vệ, thúc đẩy sáng tạo, dám nghĩ, làm nhằm tạo nên những giá trị căn cốt cho sự nghiệp “trồng người”.

Theo Nghị quyết 29, chúng ta cần xây dựng nền giáo dục mở, ở đó người học là trung tâm. Họ có thể học mọi lúc, mọi nơi và học tập suốt đời. Ngoài ra, chúng ta cần “mở” cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Thầy, cô giáo đóng vai trò như một huấn luyện viên để hướng dẫn, đồng hành dẫn dắt người học. Thứ nữa, cần có cơ chế “mở” cho các cơ sở giáo dục, đào tạo. Theo đó, trao quyền tự chủ cho các đơn vị, chuyển dần từ cơ chế quản lý sang quản trị, làm sao để các trường công lập và tư thục cùng song hành phát triển.

Trong bối cảnh ấy, cần tạo môi trường để cán bộ, viên chức, thầy, cô giáo yên tâm làm việc, thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Nói cách khác, cần có cơ chế bảo vệ đội ngũ cán bộ dám nghĩ, làm, đổi mới sáng tạo. Từng đơn vị, cơ sở giáo dục và đào tạo cần xây dựng cơ chế này; trong đó lấy yếu tố công khai, minh bạch, dân chủ làm giá trị cốt lõi.

Suy cho cùng, phải có những con người mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Họ là những người dám: Nghĩ, làm, nói, chịu trách nhiệm, đột phá, sáng tạo và đương đầu. Tin rằng, Nghị định 73 sẽ cơ bản đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của dư luận xã hội nhằm khuyến khích và bảo vệ những người thực hiện “6 dám”.

thao nut that (2).jpg
Ông Tạ Văn Hạ. Ảnh: Quochoi.vn

Xóa nỗi ám ảnh bị kỷ luật vì dám nghĩ, dám làm

- Muốn vậy, cần có cơ chế miễn, giảm hoặc có thể không bị xử lý trách nhiệm những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, làm vì lợi ích chung nếu họ vô tình sai sót trong quản lý, điều hành?

- Đúng vậy. Tôi cho rằng, quy định này cần thiết nhằm xóa bỏ nỗi ám ảnh của những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nhưng vẫn bị xử lý vì vô tình mắc phải sai sót trong quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ. Nghị định 73 đưa ra 5 nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ và có biện pháp bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo trong các trường hợp cụ thể.

Chẳng hạn, cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra nhưng được cơ quan xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được loại trừ trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Nghị định cũng giao cơ quan, người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ quyết định cho phép thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo phải kịp thời xem xét, đánh giá kết quả, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và đánh giá toàn diện đối với các trường hợp này. Có thể nói, đây là những quy định góp phần khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, làm, chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần có tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng, tường minh để nhận diện những đội ngũ này. Đồng thời, cần xử lý nghiêm những người lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức trong từng khâu; xóa bỏ tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ.

Chỉ khi quy định pháp luật đủ chặt chẽ để bảo vệ thì cán bộ mới tự tin làm việc, cống hiến. Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh đến nhân cách cán bộ, công chức, viên chức trong việc dám nghĩ, làm, đột phá vì lợi ích chung. Nếu vì dân, vì nước thì thấy đúng là làm, đâu cần chờ người bảo vệ mới dám làm.

- Nhiều người cho rằng, vị trí cán bộ quản lý Nhà nước nói chung, hiệu trưởng nói riêng như ngồi trên “ghế nóng”. Vậy theo ông, dấu hiệu nào để nhận biết những cán bộ này dám nghĩ, làm?

- Ở vị trí công tác nào cũng có áp lực. Khi ngồi ở vị trí quản lý nghĩa là đã xác định chức trách, nhiệm vụ của mình. Vì thế, trước hết cần giỏi chuyên môn và có năng lực quản trị. Phải có tư duy, đạo đức trong sáng, ngay thẳng, trung thực và tầm nhìn.

Nghị định 73 nêu, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, làm, chịu trách nhiệm là người có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, chịu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua đó, nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

thao nut that (1).jpg
Cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: USTH

Có cần luật hóa?

- Theo ông, có nên luật hóa cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, làm, chịu trách nhiệm vì lợi ích chung bằng Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm?

- Thực tế có những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, làm, chịu trách nhiệm vì lợi ích chung nhưng chưa được khuyến khích bảo vệ, thậm chí còn bị cho là gàn dở, trù dập. Vì thế, Nghị định 73 được nhiều người mong đợi vì xác định quan điểm bảo vệ, khuyến khích đội ngũ này.

Việt Nam là nước đang phát triển nên không tránh khỏi có “khoảng trống” về pháp lý hoặc tuổi thọ của văn bản không dài. Trước những vấn đề mới phát sinh, đòi hỏi phải cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung, thay thế. Thay vì ban hành Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm thì chúng ta nên tiếp tục, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện những bộ luật liên quan (nếu cần).

Tinh thần của Quốc hội là chủ động từ sớm, xa. Những gì chưa có trong quy định thì có thể đưa vào nghị quyết của Quốc hội để thí điểm thực hiện. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý để tăng cường hơn nữa các chính sách khuyến khích, biện pháp bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, làm, chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Quan trọng là chọn được đúng người, đúng việc.

Tôi thấy, Nghị định 73 thẳng thắn đặt vấn đề khuyến khích bảo vệ cán bộ nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế mà chưa được quy định trong văn bản pháp luật; trong đó nhấn mạnh đến 5 nguyên tắc: Thứ nhất, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, làm, chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ.

Thứ hai, khuyến khích, bảo vệ cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện trong phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật, bảo đảm không trái quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan Nhà nước cấp trên và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Thứ ba, cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện, có kết quả đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị được ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng xứng đáng. Cơ quan sử dụng cán bộ báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp trước khi phê duyệt và đánh giá kết quả thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo.

Thứ tư, việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ phải được thực hiện kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch; đúng đối tượng, trình tự, thủ tục theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan. Cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời xem xét, đánh giá kết quả thực hiện, xác định rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan; đánh giá khách quan, toàn diện đối với việc đề xuất và thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo.

Thứ năm, cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 11 Nghị định này.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nghị định 73 thực chất là cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết và “bắt đúng mạch” nên được dư luận đánh giá cao. - Ông Tạ Văn Hạ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ