Việc đưa giáo dục STEM và tư duy tài chính, quản trị ngay từ bậc học phổ thông chính là cách chuẩn bị các kỹ năng khởi nghiệp từ gốc thay vì đợi đến bậc đại học. Mục tiêu của định hướng giáo dục này tạo ra một đội ngũ nhân sự chất lượng cao trong tương lai, đáp ứng các kỹ năng cần thiết cho thời đại mới.
Ươm mầm sáng tạo, khởi nghiệp
Dự án Ứng dụng Care – hỗ trợ người tự kỷ hòa nhập và phát triển tốt trong cộng đồng của nhóm 3 học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh và Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn gồm Trần Đình Duy, Nguyễn Thị Minh Trang và Nguyễn Nhật Tùng đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi ECOFEST 2018 – Ươm mầm khát vọng khởi nghiệp. Đây là cuộc thi do Đoàn Thanh niên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) tổ chức, dành riêng cho học sinh THPT trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam.
Đều đặn vào các ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần, trong vòng 2 tháng, các giảng viên trẻ của Trường ĐH Kinh tế đã định hướng cho các đội đến từ các trường THPT để phát triển các kỹ năng, kiến thức cơ bản về lập chiến lược kinh doanh khởi nghiệp phù hợp độ tuổi của các em, chú trọng trách nhiệm xã hội của dự án khởi nghiệp.
Trải qua 7 workshop với các chủ đề tinh thần doanh nhân, nhân sự startup, learning model canvas, chiến lược và marketing, quản trị tài chính, quản trị chuỗi và sản xuất, 18 đội thi đã hoàn thành dự án kinh doanh của mình và trưởng thành hơn rất nhiều so với ngày đầu đăng ký tham dự. Như dự án Care, được thiết kế để hỗ trợ trẻ tự kỷ trong giao tiếp, khắc phục được nhược điểm từ vựng ít ỏi của trẻ tự kỷ, được đánh giá là dự án có ý tưởng tốt, mang tính xã hội cao và có tiềm năng xây dựng phát triển cũng như đưa vào kinh doanh.
Vòng khởi động cuộc thi Sáng tạo cùng Trải nghiệm sáng tạo cùng Intel Galileo U – Invent do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK, ĐH Đà Nẵng) tổ chức, ở phần gặp gỡ người hướng dẫn và trình bày ý tưởng, các dự án đều được tư vấn chú trọng đến tính ứng dụng trong thực tế, khơi gợi khả năng thương mại hóa các ý tưởng. Trải nghiệm sáng tạo cùng Intel Galileo là sân chơi dành cho học sinh THPT nhằm khuyến khích sự nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng các kiến thức đó để giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.
Các ý tưởng dự thi U-Invent đều được hướng đến khả năng thương mại hóa sản phẩm, kêu gọi được nhà đầu tư |
Dựa trên nền tảng bo mạch Galileo do Intel cung cấp, nhóm của Nguyễn Quang Hào (HS lớp 10, Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) xây dựng dự án về chiếc hộp xanh tăng năng suất cho cây trồng.
Mỗi đội tham gia U – Invent đều được hai chuyên gia về kinh tế và kỹ thuật, hỗ trợ về những kiến thức, kỹ năng cần thiết, cách triển khai ý tưởng trên các bảng mạch điện tử và gặp gỡ các doanh nhân thành đạt trong giới khởi nghiệp. Thí sinh được thực hành tại Không gian sáng chế Maker Innovation Space của ĐH Đà Nẵng để chế tạo các mẫu thử nghiệm; các chuyên gia, ngoài hướng dẫn kỹ năng thuyết trình cho thí sinh, còn hỗ trợ kiểm tra và phát triển các mẫu thử.
Hệ sinh thái của STEM - B
Đánh giá về xu hướng giáo dục STEM – khởi nghiệp, còn gọi là STEM-B, TS Nguyễn Thị Mỹ Hương – Phó Viện trưởng phụ trách VNUK cho biết, giáo dục STEM trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học theo cách tiếp cận liên môn giúp người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. STEM – B sẽ góp phần thúc đẩy giảng dạy liên ngành, từ đó hình thành cho học sinh tư duy thương mại hóa những ứng dụng, sản phẩm của STEM hướng tới đáp ứng nhu cầu của người dùng.
ECOFEST 2018 ngoài tạo sân chơi cho HS phổ thông, còn giúp các em vận dụng những kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn, xây dựng những ý tưởng kinh doanh. Anh Lê Đình Quang Phúc – Bí thư Đoàn trường Trường ĐH Kinh tế cho biết: “Những bạn HS khi kết thúc THPT nếu theo các ngành kỹ thuật sẽ có những giải pháp về công nghệ nhưng không biết cách thương mại hóa sản phẩm. Nếu được trang bị các kiến thức cơ bản về kinh doanh, có tinh thần doanh nhân thì có thể tính tới chuyện “bán” được sản phẩm”.